Văn chương Đoàn Giỏi trong hơi thở đời sống hôm nay
“Trong 200 sinh viên khoa Văn thì 100% biết đến nhà văn Đoàn Giỏi. Trong 160 người trưởng thành (tuổi từ 22 đến 55) thì tỷ lệ người cho biết có đọc Đất rừng phương Nam và biết đến Đoàn Giỏi chiếm 55%”.
Số liệu điều tra xã hội học tiếp nhận văn học trên được TS Hà Thanh vân công bố tại Tọa đàm “Nhà văn Đoàn Giỏi – Đại thụ phương Nam”, diễn ra vào ngày 15-10 vừa qua tại TP.HCM nhân dịp tái bản bộ sách mới của nhà văn (gồm 8 cuốn: Cá bống mú, Hoa hướng dương, Những chuyện lạ về cá, Tê giác trong ngàn xanh, Trần Văn Ơn, Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Cuộc truy tầm kho vũ khí, Rừng đêm xào xạc).
TS Hà Thanh Vân cho biết, đây là một tỷ lệ cao bởi trong một khảo sát trước đây của cô với một số nhà văn khác.
Nhà văn Đoàn Giỏi. |
Tuy nhiên, TS Vân nói thêm, nhà văn Đoàn Giỏi còn có nhiều tác phẩm văn học giá trị khác, không riêng gì Đất rừng phương Nam.
Hầu hết các tác phẩm của khuôn mặt văn chương này đều xuất bản từ lâu và ít được tái bản. Sự tiếp cận của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ đối với gia tài sáng tác của ông còn nhiều hạn chế vì … có sách đâu mà đọc?!
Việc NXB Kim Đồng tái bản bộ sách sê-ri gồm 8 cuốn này là một cơ hội quý báu để tên tuổi của nhà văn được xem là “đại thụ phương Nam” này đến được với đông đảo bạn đọc.
Tọa đàm "Nhà văn Đoàn Giỏi - Đại thụ phương Nam". |
Theo tiết lộ của nhà thơ Cao Xuân Sơn, trong 8 cuốn sách đặc biệt đã “khai sinh” và làm nên tên tuổi của NXB Kim Đồng, “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi là tác phẩm đến nay có sức sống mãnh liệt nhất.
Nhà thơ cũng nói thêm, nếu không có nhà văn Đoàn Giỏi và nhà văn Vũ Hùng thì ông không biết gì về miền Nam và Tây Nguyên cả.
Chia sẻ của nhà thơ Cao Xuân Sơn nhận được sự đồng tình của nhiều người có mặt tại Tọa đàm. Nhà văn Trần Đức Tiến nói thêm, nếu 50 năm trước, lần đầu tiên bắt gặp văn chương Đoàn Giỏi thấy quý, lạ về một vùng đất ông chưa đặt chân đến thì 50 năm sau, đọc văn nhà văn Đoàn Giỏi thấy hấp dẫn theo một kiểu khác, đó là tính chân thực.
Nhà văn Tô Hoàng, học trò của nhà văn Đoàn Giỏi kể một số kỷ niệm về người thầy văn chương của mình. Theo ông, trong lứa nhà văn kháng chiến, không phải ai cũng bắt đầu từ thiên nhiên.
Thầy ông – nhà văn Đoàn Giỏi đã bắt tay ngay vào đề tài này và thành công ngay với Đất rừng phương Nam. Đây là tác phẩm có “câu chữ chắc nịch, nói ngang với nhà văn Nam Cao cũng chẳng ngoa”. Ông cũng nói thêm, từ lúc bắt đầu đến lúc mất, nhà văn Đoàn Giỏi luôn là người phụng sự văn chương, viết đúng giá trị văn chương, tất cả phục vụ văn chương, trước sau như một, khác kiểu văn chương “minh họa” so với nhiều người viết cùng thế hệ.
Với đạo diễn Vinh Sơn, tác giả của bộ phim Đất phương Nam nổi tiếng, cho đến bây giờ, ông vẫn còn cảm thấy “mắc nợ nhà văn Đoàn Giỏi về một ‘Đất phương Nam’ chưa lột tả được hết văn chương của ông, chưa xài hết chất liệu của Đất rừng phương Nam.
"Tôi không đặt tên phim là Đất rừng phương Nam mà chỉ dám đặt Đất phương Nam là vì thế”, đạo diễn hi vọng, sau khi đọc những cuốn sách tái bản này, ông có thêm nhiều chất liệu chắt lọc vào dự án điện ảnh hóa Đất rừng phương Nam sắp tới của mình.
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các em sinh viên trên địa bàn TP.HCM. |
Nhìn từ khía cạnh giáo dục, nhà văn Trần Quốc Toàn đánh giá “sáng tác của Đoàn Giỏi không chỉ là văn chương mà còn là dư địa chí, là một bản giới thiệu phương ngữ Nam Bộ sinh động”.
Bạn Lâm Hồng Phúc, sinh viên Khoa Văn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại dẫn nhập văn chương Đoàn Giỏi theo một hướng mới mẻ. Phúc đặt sáng tác của nhà văn trong bối cảnh toàn cầu hóa khi nói sâu về Rừng đêm xào xạc và Những chuyện lạ về cá.
Theo Phúc, nếu trong Đất rừng phương Nam, nhà văn thể hiện con người là trung tâm của vũ trụ, con người chinh phục được tự nhiên và con người đối kháng với thiên nhiên thì đến 2 tác phẩm trên, nhà văn đã tự thay đổi để hoàn thiện cái nhìn của mình, bước đầu phá vỡ quan điểm con người là trung tâm của vũ trụ. Con người phải hòa mình vào tự nhiên, bảo vệ tự nhiên.
Sinh viên Lâm Hồng Phúc dẫn lại lời trăn trối của nhân vật vợ Tám Mun trong Rừng đêm xào xạc: “Gì thì gì, tía con mầy cũng phải gấp gắp trồng lại rừng đi. Chuyện sống chết như chuyện đánh Mỹ đó”.
“Như chuyện đánh Mỹ” - tức là đặt việc trồng rừng, khôi phục tự nhiên ngang với việc chiến tranh gìn giữ đất nước và sinh mệnh con người vậy. Thông qua nhân vật của mình, Đoàn Giỏi đã một lần nữa khẳng định vai trò chủ chốt của tự nhiên trong sự tồn sinh của con người”.
Dẫn nhập của Lâm Hồng Phúc trùng với ý của nhà văn Trần Đức Tiến nói trước đó là sáng tác của nhà văn Đoàn Giỏi như một lời cảnh báo trong bối cảnh không gian tự nhiên đang bị mất dần, thu hẹp dần trước tốc độ đô thị hóa.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng, vì điều này mà văn chương của nhà văn Tiền Giang chưa bao giờ cũ, lúc nào cũng nóng hổi và có sức sống trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ là vì thế.
Đề xuất xây tượng mang tên nhà văn Đoàn Giỏi Trường THCS Đoàn Giỏi (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là ngôi trường duy nhất mang tên nhà văn Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, cho đến nay, trong khuôn viên trường vẫn chưa có bức tượng nào gắn với nhà văn. Thầy Ngô Thanh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành cho biết, ngày 12-9-2009, có đoàn nhà văn cùng thế hệ với nhà văn Đoàn Giỏi do nhà văn Đoàn Minh Tuấn dẫn đầu về thăm trường và có đề xuất với nhà trường làm một bức tượng nhỏ mang tên Đoàn Giỏi, trong đó những người bạn của nhà văn sẽ đóng góp kinh phí một nửa. Chúng tôi nhận thấy việc xây tượng nhà văn Đoàn Giỏi rất cần thiết để thế hệ các em học sinh của trường biết được nguồn gốc của ngôi trường, cũng là một cách tri ân nhà văn Đoàn Giỏi. Tuy nhiên, có vài lí do mà đến nay, vẫn chỉ dừng lại mong muốn ở thôi.
|