Cầu Long Biên và những ký ức lịch sử

Thứ Bảy, 17/12/2022, 08:46

Nhân kỷ niệm 120 năm tuổi của cây cầu Long Biên, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đã tổ chức triển lãm “Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử”. Đây là một triển lãm rất bổ ích cho nhiều nhà nghiên cứu và khách tham quan, khi được thưởng thức và tìm hiểu về lịch sử cây cầu đặc biệt này.

Có mặt trong triển lãm sau ngày khai mạc, trong cái nắng mùa đông mới chiếu, những tấm ảnh về cây cầu Long Biên của các nghệ sĩ nhiếp ảnh được dựng thành hàng ở lối vào triển lãm. Cây cầu được chụp ở nhiều góc máy, tấm nào cũng có vẻ đẹp riêng và thể hiện được góc nhìn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Cầu Long Biên và những ký ức lịch sử -0
Những hình ảnh trong triển lãm kỷ niệm cầu Long Biên 120 tuổi.

Khu trưng bày bên trong cũng thực sự ấn tượng. Có lẽ những người làm công tác trưng bày triển lãm cũng có rất nhiều đổi mới. Không chỉ là những tấm ảnh, những paneaux với những dòng chữ lý giải đơn thuần, mà ở đây, những tấm ảnh lồng ghép, những dòng chú giải được in trực tiếp trên hình nền, tạo nên một sự thu hút và rất bắt mắt. Không chỉ lồng ghép ảnh và chữ, những dòng chữ dẫn giải còn được “bắn” lên những mảng tường, những khổ giấy lớn chạy dài, như một cuốn phim theo dòng lịch sử, ấn tượng và thu hút ánh nhìn. Cầu Long Biên cứ thế hiện về trong ký ức người xem, từ ý tưởng, xây dựng, hình thành, rồi trải qua bao biến thiên lịch sử, chiến tranh, và cho đến ngày hôm nay, cây cầu đã có tuổi đời 120 năm, vẫn là một sự quan tâm rất lớn của mọi người

Ngược lại lịch sử, khi mới hình thành ý tưởng xây dựng cầu, một bản có chữ viết của Toàn quyền Paul Doumer trưng bày trong triển lãm: “Đông Dương, cần tất cả những gì tạo nên cơ sở hạ tầng cơ bản cho một xứ sở rộng lớn, phì nhiêu và đông đúc. Một việc mà tôi cho rằng cực kỳ cấp thiết, đó là xây dựng một cây cầu lớn qua sông Hồng ở Hà Nội”. Và khi ông quyết định bắc cây cầu khổng lồ dài 1.600 mét qua sông Hồng, ông đã không nhận được nhiều tán thành. Người An Nam coi việc này là không khả thi: “Như thể muốn xếp chồng những ngọn núi lên nhau để leo lên trời. Rộng như một eo biển, sâu hơn 20m và dâng thêm 8m vào mùa lũ. Lòng sông luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông như vậy sao có thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ dưới một lòng sông đầy sóng dữ”, “Những vị quan có tư tưởng phóng khoáng nhất cũng tỏ ra nghi ngại, và cho rằng chúng ta có quyết định liều lĩnh”.

Tuy vậy, ngày 15/12/1897 cũng đã diễn ra cuộc đấu thầu – một quyết định cho việc xây dựng cầu. Hội đồng nhóm họp xem xét các bản dự thầu trong 15 ngày. Một tiểu ban kỹ thuật của hội đồng được lập để đánh giá những ưu điểm cũng như nhược điểm của các đồ án tham gia. Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia và Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng. Ngoài các giải pháp kỹ thuật được đề xuất, mức giá dự thầu của công ty không vượt quá mức kinh phí quy định là 5,5 triệu franc.

Phần hiện vật trưng bày có cả  bản đăng ký dự thầu được Toàn quyền Đông Dương Doumer phê duyệt, cũng như bản vẽ mặt đứng và mặt cắt dọc nhịp cầu dài 51,2m với các dầm chìa của các nhịp cầu do Công ty Daydé et Pillé thiết kế.

Công ty Daydé et Pillé được thành lập vào năm 1882 do ông Henry Daydé, một kỹ sư bách nghệ; và cháu trai ông Auguste Pillé, tốt nghiệp trường Kỹ nghệ và chế tạo. Công ty Daydé et Pillé đã nổi tiếng là có kinh nghiệm. Công ty đã xây dựng nhiều công trình hầm cầu, trong đó nổi tiếng là ga đường sắt Bordeaux-Saint-Jean, mái vòm và gian giữa của Cung điện lớn Grand Palai ở Paris năm 1900.

Viên đá khai móng được long trọng đặt vào ngày 12/9/1898. Tuy nhiên, trở ngại đầu tiên trong xây dựng cầu là thay đổi mực nước sông Hồng, tăng thêm 8m vào mùa mưa lũ với tốc độ dòng chảy là 4m/giây… nên công trình được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau và dừng thi công trong những tháng lũ lụt. Hơn nữa, thuyền bè di chuyển trên sông cũng không bị cản trở. Đặc biệt các trụ cầu khi đang xây dựng phải được bảo vệ, tránh nguy cơ các bè tre, gỗ gây ra. Việc đào móng xây trụ cầu là công đoạn khó khăn nhất được tiến hành ở độ sâu 30m, do kỹ sư  Jacques Triger sáng chế ra. Phương pháp này cần dùng các máy nén khí. Đầu tiên, một giếng chìm hơi ép được nhấn chìm xuống đất và sau đó được điều áp để ngăn nước tràn lên. Tiếp đó, chiếc giếng biến thành một van điều áp có nắp.

Cầu Long Biên và những ký ức lịch sử -0
Qua 120 năm tồn tại, cầu Long Biên vẫn đồng hành cùng người dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Hữu Hưng.

Trong một buồng khí nén phía dưới, công nhân đào đất chuyển lên trên theo ống giếng thép hẹp 1,3m. Chiếc giếng chìm bằng thép được nhấn chìm xuống mỗi ngày vài chục centimet. Rồi dần dần giếng được dằn bê tông và đá, khi đạt đến độ sâu mong muốn, giếng chìm được giữ nguyên vị trí và tạo thành nền của các trụ cầu, để sau đó xây dựng ở phía trên. 

Ban đầu, công nhân chủ yếu là người Hoa, đặc biệt được thuê để đặt đinh tán, sau đó công nhân người Việt đã học được phương pháp này và thay thế công nhân người Hoa. Số lượng công nhân từ 2.000 đến 3.000, dưới sự giám sát của 40 kỹ sư và quản đốc. Họ là những người vận hành thiết bị nâng và đặt đinh tán, làm việc cả này lẫn đêm dưới ánh sáng đèn điện...

Cầu được làm với 19 nhịp, 20 trụ. Tổng chiều cao là 61m. Cầu có 2 nhịp hai đầu dài 78,70m và 9 nhịp dài 75m, xen kẽ với 8 nhịp dài 106,20m.

Ngày 3/2/1902, hai bờ được nối liền. Ngày 28/2/1902, lúc 8h30, đoàn tàu rời ga Hà Nội mới, chở vua Thành Thái, Toàn quyền và Paul Beau, Đại sứ Pháp tại Bắc Kinh cùng người kế nhiệm Doumer. Cây cầu được đặt theo tên của Doumer, người khởi xướng dự án xây dựng này. Ngày 8/4/1902, đoàn tàu chính thức đầu tiên của tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng rời ga. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong 3 năm 7 tháng, trong khi thời hạn xây dựng là 5 năm. Chi phí thực tế để xây dựng cầu Doumer là 6,2 triệu franc.

Ban đầu, cây cầu được thiết kế chỉ dành cho đường sắt, có hai bên vỉa hè 1,3m cho người đi bộ, xe kéo và người đi xe đạp. Do đó, ôtô phải qua sông bằng phà. Từ năm 1914, việc cải tạo cầu dành cho ôtô đã từng được tính đến. Tuy nhiên, phải sau chiến tranh thế giới thứ nhất, việc mở rộng làn đường bộ trên cầu mới được tiến hành.

Trải qua 120 năm tồn tại, bất kể nắng mưa, bom đạn của Mỹ rải xuống trong những ngày năm 1972 dù có bị hư hỏng, nhưng cầu đã được sửa chữa và khắc phục, nay vẫn sừng sững hiên ngang, như một chứng nhân lịch sử, là một biểu tượng và niềm tự hào của Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ngoài mang nhiệm vụ giao thông, chuyên chở hàng hóa, cây cầu còn là nơi để người ta ngắm nhìn, đi bộ hoặc đứng trên thành cầu vãn cảnh, ngắm sông Hồng, hay cũng có thể thong thả đạp xe sang đầu bên kia cầu, hít hà cái thoáng đãng của bờ bãi, rồi quay trở lại bên này, nơi có ga Long Biên ở đầu cầu, cũng rất đáng để ngắm nhìn.

N.Chuyên
.
.
.