Cẩn trọng khi “đu trend”, “bắt trend”
Cái gì cũng có hai mặt của nó và mặt trái của việc “bắt trend” trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok chính là sự sản sinh hàng loạt trào lưu phản cảm. Nào là clip nhại giọng, chế giễu người khác, nhạc chế, rồi chuyện dung tục, cổ xúy mê tín dị đoan… cho đến những chuỗi clip giả gái, ăn mặc diêm dúa, chửi bới nở rộ, trở thành “công thức triệu view”.
Một chuyên gia tâm lý học khuyến cáo: “Các bạn trẻ cần hiểu trí tuệ mới chính là thứ giúp bạn nổi tiếng hoặc thành công thật sự. Thay vì bỏ thời gian và công sức để chạy theo xu hướng mới hay sống ảo thì hãy dùng thời gian, công sức đó thu nhập kiến thức, hình thành kỹ năng để tạo ra thành quả”.
Mạng xã hội là nơi xuất hiện và chắp cánh cho trào lưu của giới trẻ được lan tỏa. Theo báo cáo được công bố đầu năm 2023 từ chuyên trang thống kê DataReportal, Việt Nam hiện có khoảng 49,86 triệu người dùng TikTok từ 18 tuổi trở lên, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (39,91 triệu).
Số lượng người dùng tăng vọt từng ngày kéo theo sự bùng nổ các xu hướng nội dung ở đa dạng lĩnh vực, từ ẩm thực, hài, ca hát cho đến học tập, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe… Việc “bắt trend” trên mạng xã hội không xấu, ngược lại thể hiện phản ứng nhanh nhạy, sự sáng tạo của người dùng mạng, đem lại những hiệu ứng tích cực cho cộng đồng.
Chẳng hạn, trend “flex” cũng được người dùng mạng đón nhận rất tích cực. Với trào lưu này, người dùng mạng xã hội chia sẻ những thành tích hoặc đơn giản chỉ là những điều mình cảm thấy hạnh phúc, tự hào lên không gian mạng, qua đó truyền đi thông điệp sống tích cực trong cộng đồng.
Hoặc việc giới trẻ “bắt trend” “sống xanh” bằng cách chung tay làm vệ sinh đường phố, kênh rạch, bãi biển cũng mang lại hiệu ứng tích cực khi cổ vũ cho lối sống đẹp. Điển hình là trong đợt dịch COVID-19 bùng phát đã qua, “Vũ điệu rửa tay” trên nền nhạc “Ghen Cô Vy” cũng đã trở thành trend, nhắc nhở mọi người về việc nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh…
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó và mặt trái của việc “bắt trend” trên mạng xã hội, đặc biệt là TikTok chính là sự sản sinh hàng loạt trào lưu phản cảm. Nào là clip nhại giọng, chế giễu người khác, nhạc chế, rồi chuyện dung tục, cổ xúy mê tín dị đoan… cho đến những chuỗi clip giả gái, ăn mặc diêm dúa, chửi bới nở rộ, trở thành “công thức triệu view”.
Một vấn đề đặt ra ở đây là không ít trend chỉ mang tính chất thỏa mãn niềm vui nhất thời, không mang lại lợi ích nào khác cho bản thân nhưng tại sao giới trẻ hiện nay lại đua nhau để “đu trend”, “bắt trend”?
Có rất nhiều nguyên nhân được các chuyên gia lý giải, nhưng tựu trung lại là do các trend chạm đúng tâm lý, cùng với việc thời lượng video ngắn, các trào lưu lại rất dễ để những người dùng làm theo, giúp người muốn “đu trend” thể hiện điểm mạnh của mình ở một số mặt như ngoại hình, tài năng, sở thích... Do đó, nhiều người muốn thể hiện, khoe khoang bản thân, muốn trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
Thực tế trên cho thấy, rất nhiều trend “vô thưởng vô phạt” trên mạng xã hội nhưng cũng đủ khiến giới trẻ trở nên phù phiếm, vì phải “đu” thì mới lên xu hướng, phải “đu” vì sợ bản thân sẽ chậm hơn bạn bè trong các trào lưu. Từ đó, bạn trẻ mới có nhiều lượt tương tác, cơ hội trở thành người nổi tiếng, ra oai với bạn bè vì là người biết trước các trào lưu.
Thậm chí, chỉ vì mục đích nổi tiếng, thương mại hay thỏa mãn sự tung hô của số đông, nhiều TikToker bất chấp tất cả để lôi kéo khán giả, tăng tương tác. Có không ít trào lưu tưởng vô hại trên TikTok lại thường dẫn đầu xu hướng và đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, chuyên gia tâm lý học, khuyến cáo: “Các bạn trẻ cần hiểu trí tuệ mới chính là thứ giúp bạn nổi tiếng hoặc thành công thật sự. Thay vì bỏ thời gian và công sức để chạy theo xu hướng mới hay sống ảo thì hãy dùng thời gian, công sức đó thu nhập kiến thức, hình thành kỹ năng để tạo ra thành quả”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng cho biết rằng, Bộ đã tổ chức kiểm tra toàn diện đối với TikTok. Đây là lần đầu Việt Nam buộc một nền tảng xuyên biên giới ký thừa nhận sai phạm, có biện pháp khắc phục.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông vào chiều ngày 7/12 vừa qua, theo đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, TikTok đã thực hiện 4 nội dung theo Kết luận kiểm tra liên ngành, đó là: Vấn đề tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em; Vấn đề bản quyền đang trong quá trình triển khai; Phối hợp thực hiện truyền thông chính sách; Thúc đẩy các nội dung tích cực theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Còn các nội dung khác, Bộ đang đấu tranh để yêu cầu TikTok thực hiện.
Dẫu biết giới trẻ nhanh nhạy, thích khám phá và cũng hay theo trào lưu, đó là sở thích của họ, mọi người cũng cần tôn trọng. Thế nhưng, chúng ta cũng cần phải giúp họ hạn chế mặt tiêu cực, định hướng để họ đừng sa đà quá mức vào các trào lưu.
Vì thế, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan mà trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông để siết chặt hơn các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội theo hướng lành mạnh hơn thì một giải pháp hiệu quả để hạn chế ảnh hưởng của những trào lưu độc hại trên nền tảng này trước hết phải xuất phát từ mỗi gia đình, bằng cách người lớn có thể trao đổi về ưu, nhược điểm và đưa ra mức thời gian hạn chế trong việc truy cập các ứng dụng mạng xã hội với con cái của mình.
Có thể nói, xã hội ngày càng mở về thông tin và trước làn sóng thông tin khổng lồ, ồ ạt như… “lẩu thập cẩm” nó đòi hỏi người tiếp nhận phải có khả năng phân biệt tin thật, giả, lẫn khả năng chắt lọc thông tin, trào lưu hữu ích. Mặt khác, các nhà “sáng tạo nội dung” lẫn người xem cần có hiểu biết, kỹ năng và ý thức trách nhiệm trong sự chia sẻ, sản xuất của mình.
Chính các bạn trẻ sẽ là người có quyền quyết định hướng phát triển tư duy của mình chứ không phải là các trào lưu. Vì vậy cần cẩn trọng mỗi khi “đu trend”, “bắt trend”!