Thu hút đoàn phim để quảng bá du lịch qua điện ảnh:

Cần sự chủ động, linh hoạt của các địa phương

Thứ Hai, 23/12/2024, 06:56

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kết nối địa phương và người làm điện ảnh

Sau một loạt phim như: Người Mỹ trầm lặng, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể…, Ninh Bình đang trở thành “điểm hẹn” của nhiều đoàn phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho hay, sau “Trạng tí phiêu lưu ký”, anh vẫn đang ấp ủ một dự án phim mới, quay tại Ninh Bình, do HKFILM cùng CJHK và hãng phim Anh Tễu đầu tư sản xuất.

Cần sự chủ động, linh hoạt của các địa phương -0
Phú Yên tiếp tục thu hút khách với bối cảnh trong bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình”.

Mới đây, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc của BHD cũng tiết lộ, BHD đang chuẩn bị cho một dự án phim võ thuật hành động hướng đến truyền thuyết về 7 tráng sĩ  trong hành trình đầy gian nguy để bảo vệ long mạch quốc gia sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất. Phim “kể” câu chuyện về Ninh Bình, sẽ có bối cảnh rất lớn, có cảnh thiên nhiên hoành tráng, có cảnh làng quê thanh bình, có đường bộ, đường thuỷ, dự kiến có cả bối cảnh là chiến trường cổ đại, nơi diễn ra trận chiến của 12 sứ quân. Sau này, nơi đây có thể giữ lại để thu hút khách du lịch…

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên Giàng Thị Hoa cũng tiết lộ, năm 2024, Điện Biên đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thu hút các đoàn phim đến với Điện Biên, trong đó có các chương trình phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, áp dụng Bộ Chỉ số thu hút đoàn phim của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam… Điện Biên sẽ có những cơ chế chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho các đoàn phim lên Điện Biên, qua đó quảng bá Điện Biên đến khán giả trong nước và quốc tế.

Tại Phú Yên – địa phương nổi tiếng với bối cảnh phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng tiếp tục trở thành điểm đến của nhiều đoàn phim. Trong đó, ra mắt gần nhất là “Ngày xưa có một chuyện tình” – phim dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Công bố mới đây của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam ghi nhận, năm 2024, Phú Yên cũng là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số thu hút đoàn làm phim nhờ những cải tiến vượt bậc trong chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ các đoàn làm phim.

Thực tế, ngày càng nhiều địa phương tích cực “nhập cuộc” trong triển khai các chính sách thu hút các đoàn phim nhằm đẩy mạnh quảng bá địa phương qua điện ảnh, thu hút du lịch. Số liệu thống kê của Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng cho thấy, sau 1 năm triển khai, Bộ Chỉ số thu hút đoàn làm phim của Hiệp hội nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương. Đây là bộ chỉ số có thiết kế thân thiện với người dùng, giúp chính quyền địa phương tìm hiểu và điều chỉnh các chính sách và hành động của mình phù hợp với nhu cầu và năng lực cụ thể của địa phương trong nỗ lực thu hút các đoàn làm phim một cách hiệu quả nhất, tạo việc làm, thúc đẩy ngành du lịch và phát triển kinh tế địa phương. Đến nay đã có 37 địa phương tham gia áp dụng.

Ưu đãi cho đoàn phim để địa phương cũng có lợi

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, điện ảnh là loại hình có ưu thế mạnh mẽ, kết hợp nghe nhìn và công nghệ, tác động trực diện đến nhiều giác quan, dễ tạo cảm xúc, thuận lợi để tiếp cận với công chúng và được công chúng hưởng ứng. Tính chất lan tỏa, độ phủ sóng rộng rãi của các bộ phim, hoặc các sự kiện điện ảnh uy tín là lợi thế để quảng bá và kích cầu du lịch.

Câu chuyện lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là việc làm đã được thế giới áp dụng từ lâu nay và rất hiệu quả. Hơn nữa, điện ảnh cũng có thể truyền tải văn hóa, lịch sử, và phong tục tập quán của địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về điểm đến và làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch văn hóa. Đây cũng là vấn đề được Việt Nam quan tâm đặc biệt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, tham mưu xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ xây dựng môi trường sinh thái cho phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là Luật Điện ảnh năm 2022 và hệ thống văn bản dưới Luật.

Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động điện ảnh trên cả nước cũng đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, đóng vai trò tư vấn, góp ý xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển của ngành điện ảnh. Trong đó, việc nghiên cứu và xây dựng chỉ số thu hút các đoàn làm phim là một sáng kiến quan trọng trong việc tạo đà để Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim, tạo ra giá trị không chỉ cho ngành điện ảnh mà còn cho các ngành phụ trợ như du lịch, khách sạn và dịch vụ.

Trao đổi với chúng tôi, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, việc ưu đãi cho các đoàn phim là cần thiết. So với nhiều quốc gia, chúng ta triển khai khá muộn. Tại Thái Lan, đoàn phim được ưu đãi đến 30%. Chính sách hiện nay của chúng ta chưa làm được điều này. Hiện nay, chúng ta đã có Luật Điện ảnh sửa đổi, trong đó có nhiều quy định cởi mở, chính sách thuận lợi hơn cho phát triển điện ảnh nhưng nhiều quy định chưa đi vào đời sống vì vướng nhiều luật khác liên quan, như Luật Thuế… Hơn thế, Luật Điện ảnh hiện nay mới chỉ ưu đãi cho đoàn làm phim nước ngoài. Trong khi đó, số lượng phim Việt Nam sản xuất hàng năm khá cao, từ 30 – 50 phim/năm. Vì vậy, việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi, thu hút đoàn phim trong nước rất quan trọng.

Ở nước ngoài, họ không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, miễn là đoàn phim đến địa phương, sử dụng bối cảnh, nguồn nhân lực, dịch vụ của địa phương thì sẽ được ưu đãi. Vì vậy, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cố gắng xây dựng và triển khai Bộ chỉ số thu hút đoàn phim để các địa phương áp dụng, tuỳ theo điều kiện của mình mà có những chính sách ưu đãi linh hoạt cho đoàn phim. Đó có thể là hỗ trợ bữa ăn, chỗ ở…, nhưng quan trọng nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mặt hành chính.

Nhiều nhà sản xuất than phiền, khi đến địa phương quay phim, họ phải trình diện rất nhiều cơ quan. Có một điểm quay nhưng có 3-4 cơ quan cùng yêu cầu xin phép. Điện ảnh là tác phẩm nghệ thuật. Cảm xúc của người làm ra tác phẩm rất quan trọng. Khi bị vướng rắc rối ở địa phương, ê kíp sáng tạo rất dễ mất cảm hứng hoặc nếu chỉ được loanh quanh quay ở 1 phạm vi nhỏ hẹp, họ sẽ rất khó có những cảnh quay như ý, phim cũng không có tác dụng quảng bá cho địa phương.

Ngược lại, khi có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ với địa phương, người làm điện ảnh được tạo điều kiện thuận lợi, có nhiều sự lựa chọn thì sẽ có điều kiện làm tác phẩm tốt hơn. Như vậy, trong sự hào hứng của người làm phim, rõ ràng hai bên cùng có lợi.

Hoa Nguyễn
.
.
.