Cần phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Võ Miếu

Thứ Năm, 23/09/2021, 06:45

Di tích Võ Miếu – nơi thờ tự các vị võ tướng danh tiếng trong lịch sử, tọa lạc tại làng An Ninh Thượng, thuộc phường Hương Hồ, TP Huế, cũng là Võ Miếu duy nhất còn lại tại Việt Nam, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận Di tích cấp Quốc gia vào năm 1997 và đã được UNESCO đưa vào danh mục các di sản Văn hóa thế giới của Huế. Thế nhưng, hiện nay di tích này đang bị bỏ hoang phế…

Theo tài liệu lịch sử, dưới thời nhà Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước và chọn Huế làm Kinh đô, năm 1808, vua Gia Long cho dựng Văn Miếu để tuyên dương Nho giáo và khuyến khích việc học hành. Ngoài Văn Miếu ở Kinh đô thì tất cả các trấn thành cũng lần lượt xây dựng. Còn Võ Miếu thì mãi đến năm 1835, vua Minh Mạng mới cho xây dựng cạnh Văn Miếu.

Mặc dù đất nước trong thời bình, chế độ văn trị được đề cao, nhưng vua Minh Mạng vẫn quan tâm đến võ bị, coi đây là nhân tố rất quan trọng để bảo vệ đất nước, đánh bại các thế lực ngoại xâm, xây dựng hình ảnh một “Đại Việt Nam Quốc” hùng cường ở khu vực. Bởi vậy, Võ Miếu được xem là một thiết chế quan trọng của triều Nguyễn.

Võ Miếu được khởi công xây dựng tại làng An Ninh Thượng, gồm 1 ngôi miếu chính làm theo kiểu nhà với 2 phần tiền doanh và chính doanh. Trong đó, chính doanh gồm 3 gian, 2 chái và tiền doanh gồm 5 gian. Phía trước miếu chính là Tả Vu và Hữu Vu, bố trí đối xứng với nhau qua trục Thần đạo. Xung quanh Võ Miếu có la thành bao bọc, chu vi chừng hơn 400m. Cổng chính xây về hướng nam, nhìn ra sông Hương phía trước. Phía ngoài thành có nhà Tể sinh gồm 3 gian, là nơi giết các con sanh (thường là tam sanh: Trâu, heo và dê) trong lễ cúng tế...

Cần phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Võ Miếu -0
Nội dung được khắc trên các tấm bia tại Võ Miếu phai mờ sau nhiều tháng năm dầm mưa, dãi nắng.

Năm Minh Mạng thứ 20 (theo chữ khắc trên bia), triều đình cho dựng 3 tấm bia Võ Công ở trước sân Võ Miếu khắc ghi tên họ, quê quán, chức tước và công trạng 10 danh tướng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Thời Thiệu Trị (Đinh Mùi - 1847) đến đầu thời Tự Đức (1851) dựng bia Võ công An Tây ở Võ Miếu, ghi công các tướng lĩnh có công trạng trong cuộc an định Cao Miên và phân định Nam Kỳ năm 1845. Thời Tự Đức, triều đình cho dựng thêm 2 tấm bia “Tiến sĩ võ”, ghi những Tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ: Khoa Ất Sửu (1865), khoa Mậu Thìn (1868) và khoa Kỷ Tỵ (1869).

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, tại các cuộc tế lễ ở Võ Miếu thì đối tượng suy tôn là những vị danh tướng Việt Nam, đặc biệt là những danh tướng dưới triều Nguyễn… Võ Miếu là một trong những thiết chế quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và sinh hoạt văn hóa nghi lễ phong phú của triều Nguyễn tại Kinh đô Huế. Hơn thế, nó còn chứa đựng và phản ánh một số vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa của một thời đã qua.

Nhưng trải qua hơn 185 năm kể từ ngày xây dựng, do những biến thiên lịch sử, thiên tai và chiến tranh, Võ Miếu hiện nay đã trở thành một phế tích, các công trình kiến trúc hoàn toàn biến mất, kể cả bức tường thành bao bọc; tại khu vực Võ Miếu chỉ còn lại mấy tấm bia Võ Công và bia Tiến sỹ Võ được quy tập lại một chỗ, và mặc dù di tích đã được khoanh vùng bảo vệ nhưng đến nay vẫn bị dân cư chiếm dụng, lấn chiếm ở phía Đông…

Nhà nghiên cứu văn hóa Huế - Phan Thuận An nói rằng, mỗi lần đi qua Võ Miếu cảm thấy chạnh lòng và xót xa. Tại sao một di tích quý hiếm và duy nhất của đất nước lại để hoang tàn như thế? Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế, Võ Miếu là một di tích có tính độc đáo nhưng do công trình này đã bị xâm phạm rất lâu trước 1975, di tích này đã bị sử dụng làm nơi đóng quân của quân đội Sài Gòn. Sau năm 1975 lại trở thành một cơ sở sản xuất của Hội Phụ nữ Bình Trị Thiên, mãi sau này mới được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô quản lý nên di tích Võ Miếu hiện bị hư hỏng rất nặng. Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng đã xây dựng dự án tu bổ phục hồi nhưng vẫn chưa có kinh phí.

Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa để “cứu lấy” di tích Võ Miếu, tỉnh Thừa Thiên-Huế nên vận động Bộ Quốc phòng cùng hỗ trợ tỉnh để tu bổ phục hồi một dạng Di sản Quốc gia về quốc phòng của Việt Nam… Võ Miếu Huế là di tích duy nhất thuộc loại hình này còn lại ở Việt Nam. Mặc dù dấu vết kiến trúc và di vật của Võ Miếu còn lại không nhiều trên thực địa, nhưng căn cứ vào các tư liệu văn hiến, qua sử sách và cả khai quật khảo cổ học, chúng ta hoàn toàn có thể trùng tu phục hưng cơ bản diện mạo của di tích này. Việc phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị Võ Miếu trong bối cảnh hiện là điều vô cùng cần thiết.

Hải Lan
.
.
.