Các nghệ sĩ vào vai Bác Hồ bằng tất cả khả năng và nhiệt huyết

Thứ Hai, 11/04/2022, 10:28

Chỉ trong một thời gian không dài sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều dự án sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ được công bố khởi dựng, ra mắt công chúng. Không chỉ có các đơn vị nghệ thuật công lập xây dựng tác phẩm sân khấu về Bác, mà đơn vị sân khấu xã hội hoá cũng tích cực nhập cuộc.

Thêm nhiều tác phẩm sân khấu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Khởi động” từ cuối năm 2021 nhưng dự kiến đến 12/4/2022, thông tin về dự án nhạc kịch “Người cầm lái” mới được Nhà hát CAND và các cộng sự chính thức công bố rộng rãi. Đây cũng là vở nhạc kịch quy tụ đội ngũ làm nghệ thuật hùng hậu, được gửi gắm nhiều kỳ vọng, tạo dấu ấn đậm nét cho Nhà hát CAND không chỉ trong năm 2022.

Có nội dung ca ngợi lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhạc kịch “Người cầm lái” tập trung khai thác cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc Người ra đi tìm đường cứu nước, chèo lái con thuyền cách mạng, đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng và thống nhất đất nước. Vở nhạc kịch tập trung khai thác khoảng thời gian sau khi Người bôn ba ở nước ngoài, trở về nước hoạt động cách mạng. Tác phẩm tập trung khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng CAND.

Trước đó, Sân khấu Lệ Ngọc – một trong số ít đơn vị sân khấu xã hội hoá phía Bắc vẫn tổ chức hiệu quả hoạt động trong những năm gần đây cũng đã công bố khởi dựng vở kịch “Là đơn thứ 72”. Nội dung vở diễn hướng tới tinh thần học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ê-kíp sáng tạo cho biết, “Lá đơn thứ 72” không tập trung sâu về sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà khai thác hình tượng Người ở góc độ đời thường, phong cách làm việc, tình cảm, tấm lòng của Bác đối với nhân dân, đặc biệt là người lao động, người yếu thế.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời kỷ niệm 70 năm thành lập, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt khán giả chương trình nghệ thuật “Tên Người sáng mãi”. Chương trình bao gồm 3 kịch  ngắn: “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đôi mắt sáng”, “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy”. Các tác phẩm chuyển tải những câu chuyện rất đỗi giản dị nhưng đầy ý nghĩa về Bác, nhắc nhớ mỗi người về những bài học mà Bác để lại, những lời dặn dò đầy sâu sắc và tình yêu của Bác dành cho nhân dân, đất nước.

Hinh_tuong_Bac_Ho_tren_san_khau-1649647828762.jpg
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản của nhiều vở diễn về đề tài, nhân vật lịch sử, cách mạng thời gian qua cũng chuẩn bị tiếp tục hội ngộ khán giả với vở “Nước non ngàn dặm”. Theo tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đây là dự án sân khấu đặc biệt hướng tới kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vở diễn tập trung khai thác về những năm tháng Người còn ấu thơ, cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Hiện tại, ê-kíp đã làm việc với Nhà hát Lớn Hà Nội để đặt lịch công diễn tác phẩm vào ngày 19 và 20/5.

Áp lực và tự hào

Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là vinh dự, tự hào nhưng cũng là áp lực, thách thức lớn với các văn nghệ sĩ. Đó là khẳng định chung của hầu hết các nghệ sĩ tham gia thực hiện tác phẩm sân khấu về Bác. Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đến nay đã có hàng chục tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng nghệ thuật Bác Hồ. Với ê-kíp sáng tạo, từ tác giả kịch bản đến đạo diễn, diễn viên, thiết kế sân khấu, phục trang thì đây là lợi thế nhưng cũng là thách thức lớn. Bởi lẽ, tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác rất nhiều. Hình tượng Bác đã ở trong trái tim của nhiều thế hệ. Khai thác những gì người trước đã làm, đã thành công mà vẫn tìm được ca

i mới để thể hiện thực sự không hề đơn giản. Đề tài về Bác, văn học nghệ thuật - trong đó có sân khấu - vẫn còn rất nhiều chủ đề cần chuyển tải và vẫn rất hấp dẫn với khán giả. “Hình tượng Bác trong đời thường như thế nào, Bác xử lý những vấn đề bức xúc của người dân ra sao… Nếu ê-kíp sáng tạo khai thác tốt các chủ đề này thì tác phẩm sân khấu vẫn hấp dẫn khán giả”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ. 

Chung góc nhìn với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, NSND Lê Tiến Thọ, người từng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, cũng cho rằng, trong cuộc đời hoạt động của người nghệ sĩ, được tham gia thể hiện hình tượng nghệ thuật Bác Hồ trên sân khấu là vinh dự và cũng là thử thách. Khi NSND Lệ Ngọc mời ông làm đạo diễn “Lá đơn thứ 72”, đọc kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du, ông nhận thấy đây là kịch bản rất tốt.

Kịch bản khai thác hình tượng Bác ở góc độ rất mới, đó là Bác với người lao động, người yếu thế, trong đó, trọng tâm là một cán bộ, đảng viên ở cơ sở bị xử oan sai. Hiện tại, đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên đang tích cực sáng tạo, chuẩn bị kỹ càng với mong muốn hoàn thiện tác phẩm một cách tốt nhất, như nén tâm hương kính dâng lên Người dịp kỷ niệm 132 năm Sinh nhật Bác.

NSƯT Lê Chức, người thầy được nhiều thế hệ nghệ sĩ nể trọng nhiều thập kỷ qua cũng cho hay, ông đã trực tiếp diễn, xem và tham gia nhiều chương trình, vở diễn về Bác Hồ rất thành công. Theo ông, nghệ sĩ không chỉ đóng vai Bác mà là thể hiện hình tượng nghệ thuật về Bác bằng trái tim và lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Mỗi nghệ sĩ đều có một Bác Hồ của riêng mình, thông qua trí tưởng tượng của chính họ. Ông tin rằng, các tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn luôn hấp dẫn khán giả.

N.Nguyễn
.
.
.