Bao Phương Vinh và tiềm năng khổng lồ của Billiards Việt Nam
Billiards Việt Nam một lần nữa gây tiếng vang lớn ở đấu trường thế giới. Lần này, cơ thủ Bao Phương Vinh thậm chí tạo ra cơn sốt với các chuyên gia nước ngoài, khi anh chỉ mất hơn 1 năm để vô địch giải đấu danh giá nhất của giới Carom 3 băng. Thành công của tay cơ người Bình Dương cho thấy tiềm năng khổng lồ của Billiards Việt Nam.
Kỳ tích Bao Phương Vinh
Cuối tuần trước, Bao Phương Vinh và Trần Quyết Chiến làm nên lịch sử cho Billiards Việt Nam khi tạo nên trận chung kết nội bộ tại giải Carom 3 băng vô địch thế giới Ankara 2023. Trong hệ thống giải đấu của Liên đoàn Billiards thế giới (UMB), World Cup và World Championship (giải vô địch thế giới) luôn quy tụ các cơ thủ hàng đầu.
World Cup diễn ra với tần suất khá lớn, với 6 đến 7 giải mỗi năm. Trong khi đó, World Championship chỉ diễn ra mỗi năm một lần và được xem là giải đấu danh giá nhất của giới Carom 3 băng.
Trong lịch sử 95 năm của giải vô địch thế giới Carom 3 băng, chỉ có 2 lần trận chung kết là cuộc so tài nội bộ của 2 cơ thủ cùng quốc gia, đó là Argentina năm 1938, Bỉ năm 2017. Việt Nam là quốc gia thứ 3 làm được điều đặc biệt này. Đáng chú ý, cả Trần Quốc Chiến và Bao Phương Vinh đều giành các chiến thắng nghẹt thở, cần bản lĩnh cao độ để vào chung kết.
Trần Quyết Chiến đánh bại nhà đương kim vô địch Tayfun Tasdemir với tỷ số 50-47, trong khi Bao Phương Vinh còn thắng kịch tính hơn khi vượt qua “thần đồng” Hàn Quốc Cho Myung-woo với tỷ số 50-48. Cả hai đều dẫn sâu đối thủ trước khi bị bám đuổi gắt gao và trải qua những đường cơ căng thẳng. Cuối cùng, bản lĩnh của các tay cơ thể hiện rõ qua việc có mắc lỗi hay không. Cả Tayfun Tasdemir và Cho Myung-woo đều đánh lỗi đúng vào thời điểm có cơ hội vượt lên giành chiến thắng và phải trả giá đắt.
Đến chung kết, Bao Phương Vinh bị đánh giá thấp hơn Trần Quyết Chiến. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ Bao Phương Vinh là cái tên mới nổi Việt Nam, trong khi Trần Quyết Chiến đã là biểu tượng của Carom 3 băng. Thế nhưng, bất ngờ đã xảy ra khi tay cơ 28 tuổi thắng đậm người đàn anh với tỷ số 50-34 sau 33 lượt cơ để lên ngôi vô địch.
Bao Phương Vinh trở thành một trong những tay cơ hiếm hoi lên ngôi ngay trong lần đầu tiên tham dự giải vô địch thế giới và anh thậm chí còn nằm ngoài top 20 tay cơ xuất sắc nhất của UMB trước khi giải đấu bắt đầu. Nhưng đó chưa phải những điều khiến Bao Phương Vinh trở nên đặc biệt trong mắt người hâm mộ cũng như các đối thủ.
Tiềm năng khổng lồ của Billiards Việt Nam
Điều khiến tất cả phải kinh ngạc là sự nghiệp Billiards mới bắt đầu chưa lâu của Bao Phương Vinh. Cơ thủ sinh năm 1995 này thực tế chỉ đánh chuyên nghiệp từ nửa đầu năm ngoái, ra mắt World Cup ở TP.HCM và bị loại ngay từ vòng sơ loại. Tính chính xác, Bao Phương Vinh chỉ mất 13 tháng đi từ chỗ không vượt qua “vòng gửi xe” lên đỉnh thế giới.
Kỳ tích của Bao Phương Vinh được cho xuất phát từ học lực xuất sắc của anh. Bao Phương Vinh không phải mẫu vận động viên vượt khó, vượt nghèo để vươn lên. Ngược lại, cuộc sống của anh vốn đầy đủ trong gia đình được xem là khá giả. Thời niên thiếu, cơ thủ người Bình Dương không phải làm gì ngoài học. Anh học rất giỏi và tốt nghiệp Đại học Ngoại thương K52 chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại. Sau đó, Bao Phương Vinh tiếp tục du học ở Australia, theo học ngành Quản trị Kinh doanh và Kinh tế.
Tại Australia, Bao Phương Vinh một lần nữa khiến gia đình nở mày, nở mặt khi lấy bằng Thạc sĩ loại giỏi. Năm 2019, anh về nước và nhận được nhiều đề nghị hấp dẫn từ các công ty lớn tại Bình Dương. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm Bao Phương Vinh hoàn thành tâm nguyện của bố mẹ về học tập và quyết tâm theo đuổi môn Carom 3 băng.
Thời đi học, Bao Phương Vinh nổi tiếng với các đường cơ khó tin, nhưng anh hiểu rằng bản thân vẫn còn thiếu rất nhiều điều nếu muốn lên chuyên. Bao Phương Vinh khá đen đủi khi đại dịch bùng phát, khiến kế hoạch học Carom 3 băng bài bản của anh phải lùi đến cuối năm 2021. Người thầy kèm cặp Bao Phương Vinh là Nguyễn Thanh Bình.
Nghiên cứu các nút số trong Carom 3 băng đòi hỏi khả năng tư duy toán học, hình học cao. Nhưng đây chính là thế mạnh của Bao Phương Vinh và nhờ thế, anh đã tiến xa và nhanh một cách đáng kinh ngạc. Phong cách đánh của tay cơ 28 tuổi này được các chuyên gia hàng đầu thế giới khen ngợi. Ngoài việc tính toán khoa học, Phương Vinh còn chủ động tìm cách giành điểm trong các thế bi khó nhất.
Trước khi giành chức vô địch thế giới, Bao Phương Vinh từng đánh bại cơ thủ số 1 UMB Dick Jaspers vào tháng 3/2023 tại World Cup Las Vegas. Tư duy nhanh nhạy cộng thêm kỹ thuật ngày càng hoàn thiện giúp Bao Phương Vinh trở thành tay cơ hàng đầu Việt Nam và thế giới chỉ trong vòng hơn 2 năm.
Thành công của Bao Phương Vinh hứa hẹn sẽ tạo ra nguồn cảm hứng lớn cho những ai yêu mến Carom 3 băng ở Việt Nam, đặc biệt với những người có nền tảng toán học xuất sắc. Kỳ tích mà anh tạo ra tại Ankara cũng cho thấy tiềm năng to lớn của Billiards Việt Nam. Cơ thủ người Bình Dương chứng minh một điều: không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Nếu Billiards được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn, các tay cơ xuất chúng như Bao Phương Vinh hay Trần Quyết Chiến hứa hẹn sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tương lai.
Bao Phương Vinh được chào đón như người hùng
Tối 13/9 vừa qua, Bao Phương Vinh trở về Việt Nam cùng với chức vô địch Carom 3 băng thế giới. Tay cơ 28 tuổi người Bình Dương được người hâm mộ và cánh truyền thông chào đón như người hùng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hàng chục người chờ sẵn với băng rôn khẩu hiệu và hô vang tên Bao Phương Vinh khi anh xuất hiện. Tay cơ này cũng rạng rỡ đáp lại sự nhiệt thành của đám đông. Bên cạnh anh, á quân Trần Quyết Chiến cũng mỉm cười vui vẻ, mừng cho thành công của đàn em.
Chia sẻ với phóng viên, Trần Quyết Chiến cho biết: “Tôi không buồn hay tiếc nuối gì khi thua Vinh, bởi lẽ chúng tôi đã chơi rất tốt ở vòng bán kết và cùng nhau tạo ra lịch sử cho Carom 3 băng. Vào chung kết, ai thua ai thắng thì Cúp vô địch thế giới vẫn là của Việt Nam”.
Tương tự như vậy, Bao Phương Vinh khẳng định anh có thua Trần Quyết Chiến cũng không sao. Tay cơ này chia sẻ: “Nếu nói về cảm xúc, tôi vỡ òa từ bán kết rồi. Đến chung kết thì nhẹ nhàng hơn. Ở các giải trong nước, tôi và anh Chiến là đối thủ, nhưng ra nước ngoài thì chúng tôi là đồng đội hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, việc cả 2 vào chung kết là niềm hạnh phúc quá lớn với chúng tôi và Billiards Việt Nam. Thú thật, tôi thắng thì vui, nhưng thua thì cũng không sao”.