Xuân "tóc đỏ" ngày ấy, bây giờ…

Thứ Ba, 14/06/2016, 11:05
Không khó để nhận ra anh chàng Xuân "tóc đỏ" Quốc Trọng dù đã ngót 30 năm trôi qua kể từ ngày bộ phim "Số đỏ" làm mưa làm gió trên các rạp chiếu bóng. Có một thời gian dài, hình tượng Xuân "Tóc đỏ" đã chiếm lĩnh không chỉ trên màn ảnh mà trong cả đời sống thường nhật, trở thành một hiện tượng được nhắc đến nhiều.


Sau 30 năm, gương mặt anh vẫn nét hài hước vui nhộn ấy, vẫn nét láu lỉnh đăm chiêu ấy, vẫn cái hóm rất trí tuệ ấy và hơn thế Xuân "tóc đỏ" đã nổi danh với tư cách là một đạo diễn phim truyền hình thành công, với những bộ phim về đề tài đương đại được nhiều thế hệ khán giả nhớ đến.

Đạo diễn Quốc Trọng.

Trong lớp diễn viên điện ảnh khóa II (Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh) bạn bè vẫn gọi Quốc Trọng là Trọng “con” vì vóc dáng của anh nhỏ, tinh nhanh. Như hầu hết các anh chị em trong khóa, ra trường anh về làm diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam, đóng phim từ thời kỳ cuối những năm 70.

Trước khi nổi danh với vai diễn Xuân "tóc đỏ", anh đã vào các vai phụ trong hơn 15 phim trước đó nhưng không có những đột phá để mọi người nhớ đến như Long trong "Câu chuyện làng Dừa" (đạo diễn Bạch Diệp), Người lính trẻ trong "Thị xã trong tầm tay" (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Lê Văn Bờ trong "Tội và tình" (đạo diễn Châu Huế), Thằng ở trong phim "Dông tố" (đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân), Triều trong "Lời nguyền của dòng sông" (đạo diễn Khải Hưng)...

Vai diễn Xuân “tóc đỏ" đến với Quốc Trọng như một sự ngẫu nhiên trời ban. Anh chia sẻ, thời điểm làm phim "Số đỏ", anh thường hay đến chơi và qua lại với các đàn anh đạo diễn tên tuổi để học nghề, như đạo diễn Bạch Diệp, Hà Văn Trọng. Quốc Trọng cũng đã từng theo đạo diễn Bạch Diệp làm phó đạo diễn một số bộ phim của bà nên ngay khi mọi người bàn bạc làm phim "Số đỏ", Quốc Trọng đã được đạo diễn Hà Trọng mời làm phó đạo diễn.

"Số đỏ" là một cuốn sách hay nên trước đó Quốc Trọng đã từng đọc, thậm chí là phải chép tay nhiều trang theo quy ước mượn sách của bạn (để lưu giữ và truyền tay nhau đọc tiếp vì sách thời đó rất hiếm). Là phó đạo diễn, Quốc Trọng được giao nhiệm vụ tìm người vào vai Xuân "tóc đỏ" - một vai diễn xuyên suốt bộ phim dài 3 tập, hơn 4 tiếng đồng hồ. Lúc đó nhiều người đã đến thử vai như diễn viên Chí Trung, Bùi Bài Bình, Hoàng Nhuận Cầm, Đức Hải... nhưng mọi người vẫn bàn đi tính lại chưa yên tâm.

Một hôm trong lúc đi chọn cảnh về buổi trưa, đang ngồi nghỉ và bàn tính chuyện tìm nhân vật, Quốc Trọng mạnh dạn nói với nhà biên kịch Hứa Văn Định: "Để đó em đóng cho". Mọi người mới "ồ" lên quên mất Quốc Trọng từng là một diễn viên được đào tạo bài bản.

Ngay chiều hôm đó, Quốc Trọng đã diễn thử, trong lòng bồi hồi và sung sướng lắm. Anh chọn để diễn 3 đoạn tâm đắc. Diễn xong, quay phim xong, mọi người "đuổi" Quốc Trọng đi chỗ khác để cùng bàn luận cho công minh. 3 ngày sau, ông Hứa Văn Định gọi Quốc Trọng lên và bảo, đồng ý cho anh vào vai Xuân "tóc đỏ".

Xuân “tóc đỏ” trong phim “Số đỏ”.

Dù sướng đến mất ăn mất ngủ, nhưng Quốc Trọng cũng “lo bạc cả mặt" vì biết diễn thế nào để Xuân “tóc đỏ” trở thành một nhân vật hay nhất có thể. Nếu diễn theo kiểu hài miền Nam thì chắc chắn hỏng nhân vật, nếu diễn nghiêm quá thì mất cái hài hước của cụ Phụng...

Để ngấm hơn những tác phẩm của cụ, Quốc Trọng đã xin vào Thư viện Quốc gia đọc tất cả các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng và cảm nhận hơi thở của nhân vật mà ông muốn gửi gắm. Thông qua đó, Quốc Trọng đã biết bật ra một Xuân "tóc đỏ" tưng tửng nửa đùa nửa thật đầy dấu ấn.

Khi biết Xuân "tóc đỏ" được Quốc Trọng thủ vai, nhiều người cho rằng, anh sẽ "làm hỏng" nhân vật. Đến khi phim được ra rạp thì nữ đạo diễn Bạch Diệp đã ôm chầm lấy anh và bảo: "Chính cô là người phản đối cháu đầu tiên nhưng xem phim thì thấy nghề diễn đã quyết định tất cả, cảm ơn cháu!".

Thời điểm đó, Hà Nội có "Số đỏ" thực sự như một "quả bom" phim, người người xếp hàng mua vé, các phòng chiếu chật kín mọi cung giờ. Có nơi, 2 giờ sáng mới bắt đầu suất chiếu. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm "Số đỏ" tạo nên cơn sốt, một vị lãnh đạo ở ngành điện ảnh đã bất ngờ ra lệnh cấm chiếu bộ phim vì cho rằng có nhiều cảnh hở hang, phản cảm. Đã có nhiều ý kiến phản ứng. Quốc Trọng cho biết, khi biết việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã yêu cầu được xem bộ phim. Xem xong, Tổng Bí thư không những khen phim tốt mà còn tặng đạo diễn Hà Văn Trọng một cây thuốc lá Bông Sen và một gói bánh. Bộ phim đã thoát khỏi lệnh cấm sau đó.

Vũ Trọng Phụng là tác giả xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán những năm 1930 - 1945 thế kỷ trước, không chỉ mạnh tay phê phán các thói hư tật xấu của xã hội lúc bấy giờ, ngay cả vấn đề được né tránh nhiều là các pha "giường chiếu" cũng được Vũ Trọng Phụng miêu tả khá bạo tay.

Đạo diễn Quốc Trọng kể lại: "Lúc vào vai Xuân “tóc đỏ” tôi chỉ nặng có 47kg, bé tí bé teo, thế mà suốt ngày phải bế hết cô này, đến bà nọ nên xương khớp cứ rã cả ra. Bà "Phó Đoan" và "cô Tuyết" ngây thơ lúc đó đều xấp xỉ 62 - 65 kg. Nhân vật đóng bà Phó Đoan là diễn viên gạo cội nên rất biết cách để mình bế được dễ nhất. Có những cảnh hai chị em diễn đi diễn lại hàng chục lần mới xong dù đã được bàn tính rất kỹ, chị ấy sợ dù là cảnh "nude giả" nhưng sẽ ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Còn "cô Tuyết" ngây thơ thì diễn bế là cứ thế đứng như trời trồng mặc cho mình làm gì thì làm. Cái thân 47kg mà vác xong 65kg thì cứ phải nói là nhừ, bê người mà cứ như bê bao gạo. Xong "đúp" phim nào với Tuyết là tôi thở không ra hơi".

Đạo diễn Quốc Trọng (bìa trái) đang đạo diễn một cảnh phim.

Một nhà báo thế hệ đàn anh, thời đó, khi viết về phim "Số đỏ" và diễn viên Quốc Trọng đã giật tít: "Xuân “tóc đỏ” đã "khai tử" Trần Quốc Trọng". Nói ra có vẻ hơi quá, song quả thực ở thời điểm ấy, với vai Xuân “tóc đỏ”, tên tuổi của Quốc Trọng đã đóng đinh với phim "Số đỏ" như một định mệnh khó thay đổi.

Nếu không phải là Quốc Trọng, chưa chắc đã có một nhân vật "điển hình" có thể phù hợp với bộ phim đến vậy. Vào vai Xuân “tóc đỏ”, Quốc Trọng làm người ta quên đi những vai diễn anh đã tham gia trước đó trong các phim nổi tiếng như "Chuyến xe bão táp", "Thị xã trong tầm tay", "Những ngày mưa cuối năm", "Câu chuyện làng Dừa", "Hoa ban đỏ"... và dường như, cũng kết thúc "nhiệm vụ" làm diễn viên của một nghệ sĩ đã đam mê theo đuổi nghiệp diễn cùng nhiều nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh khóa 2 vang bóng một thời.

Bởi vì cũng sau vai Xuân "tóc đỏ", Quốc Trọng đã hướng tới một con đường khác: làm đạo diễn. Nghiệp diễn viên với anh, chỉ còn là những khoảnh khắc anh "đóng thế" khi không tìm được người phù hợp với vai diễn trong các bộ phim truyền hình dài tập do anh làm đạo diễn, cũng là cách anh xuất hiện để đỡ nhớ nghề, để cho thiên hạ biết rằng, chàng Xuân "tóc đỏ" thuở nào giờ đây tóc đã ngả sang màu muối tiêu và đang có một con đường rộng lối cho những thành công với sự nghiệp điện ảnh, truyền hình, một nghề mà anh đã theo đuổi không phải vì những đam mê thiếu thời mà như một cơ duyên của số phận.

Anh nói vui: "Cát-sê hồi đó của cả 3 tập nếu tính được thì khoảng 3 chỉ vàng. Sau này, Quốc Trọng đi học đạo diễn phim và hiện tại, anh nổi lên là một đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình thành công như "Ngõ lỗ thủng", "Hương đất", "Công dân tập thể", "Mùa lá rụng", "Bí thư tỉnh ủy", "Gia phả của đất"...

Đối với anh, mỗi bộ phim truyền hình dài tập đều có một thông điệp rõ ràng về cuộc sống, tình yêu, gia đình. Có những bộ phim anh làm như cho chính bản thân mình, như để trả nợ cho thành phố tuổi thơ Hà Nội đầy gắn bó.

Đạo diễn Quốc Trọng là một người kỹ tính và khó tính với nghề nên có những bộ phim làm xong anh vẫn tiếc nuối giá như kinh phí nhiều hơn, giá như có nhiều thời gian hơn thì chắc chắn anh sẽ làm hay hơn để có thể có một bản sắc riêng không trộn lẫn. Anh muốn tác phẩm của mình sẽ có một đời sống khác ngoài đời sống của nó trên trang giấy, những tác phẩm văn học và luôn cố gắng tìm một góc khác để khai thác với niềm đam mê thú vị của riêng mình.

Quốc Trọng bảo rằng, anh không may mắn như nhiều anh chị em diễn viên, đạo diễn cùng thời vì có được một nền tảng nghệ thuật theo kiểu "cha truyền con nối". Dẫu đó là một sự nối tiếp tuyệt vời để có thể tạo nên được những người làm nghề, thậm chí là những thiên tài trong điện ảnh. Anh đã phải tự đi bằng chính vốn sống ít ỏi thậm chí là "số không" về nghề, tự mày mò, học thầy, học bạn để có thể có một chỗ đứng trong làng điện ảnh ngày hôm nay.

Chính vì thế anh làm việc cật lực và năm nào cũng có phim trình làng nhưng đạo diễn Quốc Trọng là người ít thổ lộ mình trên báo chí, lại càng không phải là tuýp nghệ sĩ cố tạo scandal để được nổi tiếng bằng cách này hay cách khác.

Cuộc sống của anh được giấu kín sau vỏ bọc của một con người chát chúa, đôi khi lạnh nhạt và tưng tửng với những người quanh mình. Nhiều người trong nghề làm việc với anh thường nói đùa với nhau rằng anh khó tính hơn cả... mẹ chồng! Quốc Trọng cười bảo: Anh em đoàn phim thường hay mệnh danh anh là "mẹ chồng chúa", bởi sự khó tính của anh trong công việc. Cũng bởi Quốc Trọng là người trọng nghề, yêu nghề và làm nghề một cách nghiêm túc.

Đối với anh, để có được sự thành công của ngày hôm nay, ngoài những duyên may, là cả một quãng thời gian dài anh bươn chải với cuộc sống, để có thể cân bằng giữa cái được và cái mất, giữa công việc và gia đình, giữa cơm áo gạo tiền và nghệ thuật đích thực. Anh có một gia đình khá yên ấm với một người vợ không liên quan đến nghệ thuật nhưng có một cậu con trai, Trần Trọng Khôi lại theo nghề của bố với tất cả niềm say mê.

Anh vẫn thường đồng hành cùng con trong cái nghề "ráo mồ hôi là hết tiền" này như một người bạn, một người đồng nghiệp để chia sẻ và thấu hiểu, hai cha con học hỏi nhau, bởi vì anh bảo rằng, có những kỹ thuật phim ảnh lớp trẻ cập nhật nhanh và tốt hơn thế hệ của anh nhiều. Bởi thế, hai cha con họ luôn có những thước phim tâm đắc và để lại nhiều dấu ấn.

Giờ đây, chàng "Xuân tóc đỏ" ngày nào đã có một vị trí nhất định trong điện ảnh, truyền hình Việt Nam, không chỉ bởi những giải thưởng mà anh đã giành được trong các kỳ liên hoan phim, không chỉ bởi hàng trăm tập phim hay anh đã cống hiến cho khán giả, mà bởi anh thực sự có được sự đồng cảm nghề nghiệp của những người làm nghề. Phim của anh có cái để xem, để bàn, để chiêm nghiệm. Cái tên Quốc Trọng đã trở thành một "thương hiệu" trong thế hệ những người làm đạo diễn phim truyền hình.

Lúc rảnh rỗi giữa những đợt làm phim, anh tự thưởng cho mình những cuộc tụ họp bạn bè ở căn nhà anh rộng rãi đầy cây xanh để bàn chuyện thế sự, đọc một cuốn sách hay. Bạn của anh đều là những văn nhân và có lẽ ít người biết rằng, anh là người cập nhật nhanh nhất các tác phẩm văn học trên thế giới, trong nước và đọc đủ những cuốn sách văn học trên thế giới. Anh bảo rằng, anh đắm đuối với nghề làm phim thế nào thì cũng yêu văn chương tương tự.

Anh mê mẩn nhà văn Erich Maria Remarque và ngưỡng mộ nhà văn Hermann Hesse. Anh mê đến nỗi đã lấy tựa đề cuốn tiểu thuyết "Sói đồng hoang" của Hermann Hesse để đặt tên cho mọi sự liên hệ của mình, từ địa chỉ email, nick chat, Facebook.

Anh bảo rằng, đó là cách anh tự làm cho cuộc sống của mình trở nên thi vị bởi những câu chuyện luôn đưa anh trở về với những điều giản dị nhưng hết sức thú vị và không có gì sung sướng bằng việc sau tất cả những nhọc nhằn của nghề nghiệp, lại được đắm chìm trong ngôn từ cảm xúc và những nhân vật của một cuốn sách hay mình được đọc và chiêm nghiệm...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.