Xác định nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du để có biện pháp bảo tồn

Thứ Sáu, 26/01/2018, 09:01
Sau nhiều lần trì hoãn với lý do khách quan, UBND TP Huế và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nghiên cứu thực địa và tọa đàm lấy ý kiến các nhà nghiên cứu với mục đích xác định chính xác nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du.


Một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế cho biết, ở vùng đất Cố đô Huế có một chốn linh thiêng gắn liền với tên tuổi đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng. 

Theo sử sách, vào cuối năm Quý Sửu (1793), lần đầu tiên Nguyễn Du vào Kinh đô Phú Xuân thăm anh ruột Nguyễn Nễ và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn đang làm quan dưới triều Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh. Dù 2 người anh muốn Nguyễn Du ở lại Phú Xuân nhận chức quan nhưng ông đã từ chối khéo. Năm Nhâm Tuất (1802), khi vua Gia Long lên ngôi ông mới chịu ra làm quan. Đến năm 1805, ông được thăng chức Đông các Học sĩ, tước Du Đức hầu.

Trong 15 năm làm quan và sống ở Huế (1805-1820), Nguyễn Du đã làm thơ, viết văn, đặc biệt là viết Đoạn trường Tân Thanh (Truyện Kiều). Ngày ấy, gia đình Nguyễn Du trú tại xóm dệt vải làng Vạn Xuân nằm bên dòng Kim Long nối Bạch Yến, một nhánh rẽ của dòng sông Hương thơ mộng bao quanh kinh thành. Chức quan cuối cùng của cụ Nguyễn Du là Hữu Tham tri Bộ Lễ. 

Nhờ tài năng kiệt xuất về thi ca chữ nghĩa mà cụ đã để lại cho dân tộc Việt Nam rất nhiều tác phẩm có giá trị văn hóa, tư tưởng mà chỉ kể riêng Truyện Kiều đã là báu vật tuyệt đỉnh về nghệ thuật văn chương thi phú, hội họa và ngôn ngữ vượt mọi thời đại.

Các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu thực địa khu vực được cho là nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du tại cánh đồng Bàu Đá, Kim Long, TP Huế.

Theo Chính sử triều Nguyễn, ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (nhằm 3-2-1820), vua Gia Long mất, vào tháng 4 năm ấy vua Minh Mạng lên ngôi và Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Công việc còn đang chuẩn bị, chưa kịp lên đường thì ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (nhằm 16-9-1820), Nguyễn Du ốm nặng rồi mất vì căn bệnh dịch tả hiểm nghèo, thọ 55 tuổi. Sau đó, gia đình và thân hữu đã đưa thi hài cụ đến an táng ở cánh đồng Bàu Đá (Thạch Bàu) Hậu Thôn, thuộc làng Kim Long, tổng Kim Long, huyện Hương Trà, dinh Quảng Đức. 

Trong sách Đại Nam thực lục chính biên có đề cập đến cái chết của Nguyễn Du, rằng: 

“Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ 1 (1820)... Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương... Hữu Tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An (Làng Tiên Điền, quê cụ Nguyễn Du bấy giờ còn thuộc Nghệ An; năm 1831 mới chia cắt, lập thành tỉnh Hà Tĩnh) rộng học giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì... Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền”. 

Và trong ghi chép Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền cũng nói rõ, vào năm 1824, khi con trai thứ của Nguyễn Du là Nguyễn Ngũ và người cháu Nguyễn Thảng vào Kinh đô Huế có làm đơn xin cải táng mộ thân phụ từ cánh đồng Bàu Đá dời về quê làng Tiên Điền. Từ đó đến nay, nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du vẫn được người dân Hậu Thôn bảo vệ cẩn thận.

Với mục đích thực hiện lộ trình xây dựng hồ sơ khoa học để có biện pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du, trong sáng 22-1, đại diện lãnh đạo UBND TP Huế, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các cơ quan chức năng và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử đã đi nghiên cứu thực địa khu vực mô đất được cho là nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du tại cánh đồng Bàu Đá, phường Kim Long. 

Cùng ngày, UBND TP Huế đã tổ chức buổi tọa đàm xác định địa điểm nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. 

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên - Huế, người nhiều năm đi tìm kiếm nơi nguyên táng Nguyễn Du khẳng định: 

Địa điểm nguyên táng cụ Nguyễn Du ở cánh đồng Bàu Đá, Kim Long là một địa cuộc vô giá. Vậy nên hậu thế phải làm một điều gì đó như xây dựng nơi đây thành một nhà bia tưởng niệm hay một cụm công trình văn hóa ghi dấu tích về một nhà thơ lớn của đất nước. Biến cánh đồng Bàu Đá thành một chốn linh thiêng, nơi thường lui tới của những người nghiên cứu, yêu mến Truyện Kiều và văn chương hội họa, văn hóa dân tộc mà cụ Nguyễn Du đã để lại. 

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề xuất, UBND TP Huế và chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có một chương trình “dài hơi”, qua đó xây dựng bộ hồ sơ khoa học, thực hiện thám sát, khảo cổ học để xác định chính xác nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du.

“Việc tìm ra được nơi nguyên táng cụ Nguyễn Du là hết sức quan trọng nhưng trong quá trình thực hiện cần hết sức thận trọng, cần có sự hợp sức giữa các nhà nghiên cứu, các sở, ngành và chính quyền địa phương...”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho hay, qua buổi nghiên cứu thực địa và từ ý kiến của các nhà nghiên cứu đóng góp tại buổi tọa đàm, thành phố sẽ báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến về việc triển khai tổ chức hội thảo khoa học tìm dấu tích Nguyễn Du trên địa bàn TP Huế. 

“Qua đó, thành phố sẽ có những tư liệu để làm cơ sở xây dựng bộ hồ sơ khoa học, và tiếp theo sẽ thực hiện công tác thám sát, khảo cổ học để có khẳng định chính xác được nơi nguyên táng đại thi hào Nguyễn Du. Từ đó mới thực hiện các biện pháp giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử”, ông Thạnh khẳng định.

Các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu thực địa khu vực được cho là nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du tại cánh đồng Bàu Đá, Kim Long, TP Huế.
Anh Khoa
.
.
.