Thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc:

Vắng bóng nghệ sĩ ngoài công lập

Thứ Bảy, 03/06/2017, 12:18
Được tổ chức nhằm mục đích giúp cho các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật đánh giá toàn diện, chính xác hơn về chất lượng đội ngũ diễn viên trẻ của sân khấu kịch nói chuyên nghiệp, nhưng cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2017 lại vắng bóng các nghệ sĩ ngoài công lập.

Đây là lực lượng có vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật và có số lượng đông đảo.Thiếu vắng lực lượng này, mục đích đặt ra của cuộc thi khó đạt yêu cầu.

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức từ ngày 26-5 đến 31-5. Đây là dịp để các nghệ sĩ kịch nói trẻ có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích các nghệ sĩ trẻ phát huy khả năng chuyên môn, học hỏi lẫn nhau và tìm ra những ngôi sao trẻ trong sân khấu kịch nói trong tương lai. 

Diễn viên trẻ Nguyễn Thị Duyên hóa thân thành Mê đê – vai diễn giúp cô đoạt huy chương vàng của cuộc thi.

Cuộc thi là hoạt động nhằm đánh giá toàn diện, chính xác hơn về chất lượng đội ngũ diễn viên trẻ của sân khấu kịch nói chuyên nghiệp. 

Thế nhưng, tham gia cuộc thi năm nay chỉ có 34 tiết mục dự thi của 36 diễn viên đến từ 7 đơn vị sân khấu công lập: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn kịch nói CAND, Đoàn kịch nói Nam Định, Đoàn Ca múa kịch Lam Sơn, Thanh Hóa.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi thì việc diễn viên trẻ ở các địa phương khác, diễn viên trẻ không thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập, kể cả ở TP Hồ Chí Minh không tham gia cuộc thi là một vấn đề mà các nhà quản lý và các nghệ sĩ đáng quan tâm. 

Chưa kể, kết quả cuộc thi còn cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về thanh, sắc, kỹ năng chuyên môn của các diễn viên trẻ giữa các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội và các địa phương; nhiều trích đoạn chưa được tập luyện kỹ càng, không có bàn tay dàn dựng của đạo diễn; nhiều tiết mục biên tập lại do chắp vá nên diễn viên không thể hiện được một cách chân thực và hợp lý trích đoạn của mình; có thí sinh dự thi còn không thấy khả năng làm diễn viên, chưa nói đến có tài năng…

Thực tế, không chỉ có cuộc thi tài năng sân khấu trẻ mà cả cuộc thi cho giới sân khấu kịch nói chuyên nghiệp cũng từng rơi vào tình trạng tương tự. Lý do, như Nghệ sĩ nhân dân, “bà bầu” Hồng Vân chia sẻ là nghệ sĩ hoạt động tự do quan tâm đến những quyền lợi “sát sườn”, gắn với “cơm, áo, gạo, tiền” hơn là giải thưởng, danh hiệu. 

Có giải thưởng, tài năng được ghi nhận thì vui nhưng quyết định sự tồn tại của họ hay không là công chúng. Tiêu chí để nhận giải thưởng có khi rất lệch với yêu cầu của khán giả nên nghệ sĩ chọn khán giả. Chưa kể, mỗi kỳ dự thi, nghệ sĩ, đơn vị phải đầu tư không ít kinh phí. 

Hiện nay, một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đầu tư dựng vở đã khó khăn, nếu dự thi, chi phí đi lại, ăn ở cho hàng chục con người là gánh nặng không nhỏ. Hỗ trợ của ban tổ chức không có hoặc nếu có thì rất ít. 

Là nghệ sĩ, ai cũng muốn có cơ hội thể hiện tài năng. Đơn vị công lập có hỗ trợ của nhà nước nên dễ có điều kiện tham gia. Đơn vị tư nhân phải tự hạch toán, nếu thấy không hiệu quả chắc chắn họ không tham gia. Chỉ khi nào ban tổ chức tạo được động lực để kích thích các nghệ sĩ tự do, các đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia, các cuộc thi kiểu như tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc mới đạt mục đích đặt ra.

Sau 5 ngày tổ chức liên tiếp tại Nam Định, cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 đã khép lại với lễ bế mạc và trao giải vào tối 31-5. 5 huy chương vàng, 11 huy chương bạc đã được trao cho các nghệ sĩ trẻ. Trong đó, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân đoạt 1 huy chương vàng (diễn viên Vũ Hồng Lê với vai Đát Kỷ trong trích đoạn vở Đát Kỷ), 1 huy chương bạc (diễn viên Vũ Thị Phương Thanh với vai Phồn Y trong trích đoạn vở Lôi vũ).

4 huy chương vàng khác thuộc về Nguyễn Thị Kim Dung đến từ Nhà hát Kịch nói Quân đội với vai Diệu trong trích đoạn vở diễn “Thời con gái đã xa”; Nguyễn Thanh Hương đến từ Nhà hát Kịch Hà Nội với vai Đát Kỷ trong trích đoạn vở “Khát vọng Đát Kỷ”, Đào Chí Nhân của Nhà hát Kịch Hà Nội với vai Hamlet trong trích đoạn vở Hamlet; Nguyễn Thị Duyên của Nhà hát Kịch Việt Nam với vai Mê đê trong trích đoạn vở diễn Mê đê.

Ngọc Nguyễn
.
.
.