Trò chuyện cùng các tác giả của lực lượng Công an đoạt giải báo chí Quốc gia
Thiếu tá, nhà báo Phan Đăng Trường, Trưởng Ban Thời sự - Chính trị – Nghiệp vụ, Báo CAND, Giải B Giải Bình luận, Chuyên luận với loạt bài 4 kỳ: “Hòa hợp dân tộc: Một góc nhìn thực chất”.
Tháng 4 và những ngày đầu tháng 5-2015, trong khi cả dân tộc kỷ niệm ngày chiến thắng, thống nhất non sông thì một bộ phận người Việt tại hải ngoại vẫn định kiến hận thù, tiếp tục lặp lại các điệp khúc chống phá cực đoan. Tôi thấy rằng, hơn bao giờ hết, vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc càng được đặt ra cấp thiết bởi cùng một đất mẹ, chúng ta không thể kéo dài tình trạng này. Vết thương còn có ngày lành sẹo, bầu bí một giàn, lòng ái quốc chính là cội nguồn cho tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, hướng về đất mẹ.
Trong loạt bài này, tôi đưa ra góc nhìn vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, tìm hiểu thực tế những hoạt động hòa giải cũng như chính kiến, sẻ chia của những người từng ở bên kia chiến tuyến, nay hướng về đất mẹ… Từ đó, đề xuất các giải pháp, quan điểm để đảm bảo thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc được thực chất hơn cũng như phản bác các quan điểm lợi dụng danh nghĩa này để chống phá đất nước của các thế lực thù địch.
Thiếu tá, nhà báo Phan Đăng Trường, Trưởng Ban Thời sự, Chính trị, Nghiệp vụ, Báo CAND. |
Thực ra, chủ đề hòa hợp, hòa giải dân tộc đã được đặt ra từ lâu và có rất nhiều bài viết, nghiên cứu từ mấy chục năm nay rồi. Vấn đề mới ở đây là chúng ta đặt ra vấn đề hòa hợp trong mối quan hệ với hòa giải – trong khi hòa giải giữa hai nước Việt – Mỹ đã diễn tiến rất tích cực, nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, không lý do gì việc hòa hợp dân tộc, những người con chung lòng đất mẹ vẫn nuôi mãi hận thù?
Tôi sợ rằng, nếu nhìn vấn đề lớn như vậy từ “hướng nhà mình” biết đâu lại dễ chủ quan, tự khen mình hay. Thế nên tôi phải xoay góc nhìn từ phía mình sang phía họ - những người còn chống đối, hận thù để xem lẽ tại làm sao, liệu có hòa hợp không hay “chỉ là lý thuyết sáo rỗng” như một số quan điểm. Lật đi lật lại, từ đó tôi nhận thấy nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Ví như khi gặp một số người có định kiến như vậy dịp họ về Việt Nam. Và thực tế, chính trải nghiệm nơi đất mẹ là hiện thực sinh động nhất để làm họ có suy nghĩ khác.
Chân lý đó đã được lộ ra, rằng “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” - ông Nguyễn Ngọc Lập, một người có lịch sử chống đối khét tiếng đã thừa nhận điều đó khi về trải nghiệm ở Việt Nam, thăm nghĩa trang Bình An – nơi an tang binh lính ngụy trước đây. Đấy, người bảo thủ như ông Lập rồi cũng đến ngày nhận ra sự thật, hóa ra mấy chục năm nay bảo không hòa hợp được là vì Đảng thế này, Nhà nước thế kia, hóa ra chính là “vì chính mình” chứ có phải vì ai…”.
Nhà báo Lưu Thị Thúy Hiệp, phóng viên Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo CAND, Giải B Giải tin, bài phản ánh với loạt bài 4 kỳ: “Gần 500ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm?”.
“Qua nguồn tin cung cấp của nhân dân, lãnh đạo Ban Biên tập và Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội đã giao tôi và nhà báo Nguyễn Hà Ly đi thực hiện đề tài phản ánh về thực trạng rừng bị tàn phá ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trong hành trình gần 800 km, với những cung đường đèo dốc cua tay áo, với những cơn mưa rừng xối xả… chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị tàn phá một cách không thương tiếc. Rừng mất đồng nghĩa với thiên tai và đói nghèo.Thật xót xa…
Đi thực tế mới thấy được hơi thở của cuộc sống, những góc khuất của những phận người nơi thâm sơn cùng cốc. Nói tới Mường Nhé – Điện Biên mọi người sẽ nghĩ đến những cánh rừng già bạt ngàn nơi cùng cực phía Tây Tổ quốc. Tuy nhiên, ẩn hiện dưới những cung đường lại là những cánh rừng đã bị tàn phá để làm nương rẫy.
Nhà báo Lưu Thị Thúy Hiệp, phóng viên Ban Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, Báo CAND. |
Trong chuyến đi, thời tiết lúc đó rất thất thường, lúc mưa lúc nắng; khi vào rừng gặp trời mưa mất vài tiếng đi bộ mới trở ra đường lộ. Có một kỷ niệm nhớ mãi đó là hình ảnh 3 mẹ con người dân tộc Mông ở lán trại dựng tạm bên bờ suối, đứa lớn đứa bé ngơ ngác theo cha mẹ đi làm nương rẫy. Họ là những người đang phá rừng để làm nương, rẫy. Tất cả cũng vì miếng ăn. Khi mùa nương rẫy qua đi, họ lại đi tìm cánh rừng khác, những đứa trẻ đó sẽ ra sao? Nhìn ánh mắt chúng mà thấy xót xa.
Tôi đã bị ngã trong chuyến đi khảo sát khi cố gắng leo lên trên những quả đồi trọc để tận mắt nhìn thấy sự tan hoang của những cánh rừng. leo lên đã khó, khi xuống còn khó gấp bội phần, men theo lối tra nương của người dân, khi xuống gần tới nơi thì tôi bị trượt chân ngã lăn xuống đường.
Sự ghi nhận của Ban giám khảo và độc giả là nguồn động viên vô cùng lớn đối với những phóng viên trẻ như chúng tôi. Chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn tới những người đang ngày đêm giữ rừng ở Mường Nhé, những người bạn đã đồng hành với chúng tôi trong suốt thời gian thực hiện loạt bài và quan trọng nhất là lãnh đạo Ban Biên tập, Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo CAND đã tin tưởng phân công và chỉ đạo kịp thời để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong loạt bài này”.
Nhà báo Nguyễn Văn Hiếu (Nguyễn Lê), Báo Công an Thành phố Đà Nẵng, Giải C Giải phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép với loạt bài 5 kỳ: “Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân”.
“Loạt bài 5 kỳ “Ông Nguyễn Bá Thanh trong lòng dân” tôi viết trong thời điểm ông từ Mỹ về Đà Nẵng sau thời gian điều trị căn bệnh ung thư, tập hợp những ghi chép của tôi về ông Nguyễn Bá Thanh trong nhiều năm tác nghiệp. Thời điểm tôi viết bài, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Đà Nẵng nói riêng đầy ắp nỗi niềm xúc động. Cũng như tất cả mọi người dân thành phố, tôi đã thầm khẩn cầu cho ông vượt qua bạo bệnh.
Con người này có vị trí rất đặc biệt trong lòng mỗi người dân. Dường như, mỗi lời nói, việc làm của ông đều hướng đến nhân dân, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội. Tình cảm đó, như tôi đã viết trong bài, rằng: “Ông Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố một điều trở thành câu nói nổi tiếng của người Đà Nẵng: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân”. Tôi đồ rằng, giờ đây, nếu thay chữ “Đà Nẵng” bằng chính tên ông trong câu trên, cũng không hoàn toàn vô nghĩa…
Nhà báo Nguyễn Văn Hiếu (Nguyễn Lê), Báo Công an Thành phố Đà Nẵng. |
Có một bí mật nhỏ, là bài viết này thực ra có 7 kỳ, nhưng đã dừng lại ở kỳ thứ 5. Một ngày sau khi kỳ thứ 5 đăng tải như kỳ cuối, ông Nguyễn Bá Thanh từ trần. Lúc đó, tôi đang trên đường từ Tây Nguyên về Đà Nẵng, nhận được hung tin từ một đồng nghiệp. Dù đã có linh cảm lành ít dữ nhiều từ lúc ông Nguyễn Bá Thanh được đưa về Đà Nẵng, nhưng lúc ấy, tôi vẫn có một niềm xúc động mạnh mẽ, không sao diễn tả thành lời. Nhưng tôi biết, niềm xúc động ấy không chỉ của riêng tôi.
Đây là lần thứ 2 tôi đoạt giải thưởng Giải báo chí Quốc gia, lần đầu tiên vào năm 2010 với tác phẩm “Người đi từ độ phân tranh”. Giải báo chí Quốc gia là giải thưởng uy tín, danh giá nhất của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Tôi tin rằng, rất nhiều người cầm bút mong muốn nhận được giải thưởng này.
Đó không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là thành quả chung của tờ báo, với sự chung tay góp sức của rất nhiều người - có những người, như nhân viên morat, bạn đọc sẽ không bao giờ nhìn thấy tên họ trên mặt báo, nhưng chính họ cũng làm nên một phần thành công của tác phẩm, của tờ báo. Trong niềm vui khi nhận được thông tin về giải thưởng, tôi đã nghĩ đến nhiều người, trong đó các đồng đội thầm lặng của tôi. Tất nhiên, tôi cũng nghĩ về nhân vật của mình nữa”.
Nhà báo Nguyễn Hà Ly, phóng viên Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo CAND, Giải B Giải tin, bài phản ánh với loạt bài 4 kỳ: “Gần 500ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm?”.
“Khi đó là tháng 8, Tây Bắc đã bắt đầu đón nhận những cơn mưa rừng sau những ngày quay quắt trong cái nắng của gió Lào. Tôi luôn có một tình yêu bất tận với Tây Bắc nhưng kì thực, tôi rất sợ những cơn mưa rừng không biết khi nào thì kết thúc. Những cơn mưa rừng cũng khiến chuyến đi của chúng tôi trở nên khó khăn hơn.
Nhiều cung đường xe ô tô không đi được, chúng tôi phải xách dép, rồi cứ thế lội bì bõm, bùn đất văng đầy trên áo quần. Mưa rừng kéo dài cả tuần không ngớt, chốc chốc lại nghe tin có điểm xảy ra sạt lở đất. Thú thực, lúc đó tôi cũng run. Nếu chẳng may gặp sạt lở đất, chúng tôi phải chậm lại hành trình của mình do bị kẹt trên đường hoặc nặng hơn là có thể gặp tai nạn.
Để có thể tiếp cận được những cánh rừng trơ trụi, chúng tôi phải leo lên những sườn núi rất cao. Đường đi trơn trượt sau nhiều ngày mưa rả rích. Phải mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có thể tới được điểm có thể chụp ảnh toàn cảnh những cánh rừng bị tàn phá...
Nhà báo Nguyễn Hà Ly, phóng viên Ban Kinh tế – Văn hóa – Xã hội, Báo CAND. |
Có những ngày, chúng tôi phải di chuyển 200-300 km. Khi đó, nỗi ám ảnh của tôi là những chuyến say xe. Cung đường từ TP Điện Biên lên Mường Nhé liên tiếp là những khúc cua tay áo, chỉ cần vài ba khúc cua là tôi bắt đầu nôn ói. Vậy mà phần lớn thời gian của chúng tôi là di chuyển trên xe. Ngày nào chúng tôi cũng thức dậy từ 6 giờ sáng, lên xe đi địa bàn, rồi đến 10 giờ đêm mới về tới phòng nghỉ. Triền miên say xe khiến cho sau chuyến công tác, tôi bị sụt 4 kg.
8 năm làm báo, 8 năm gắn bó với báo CAND, tôi hiểu rằng, nghề phóng viên không thể không đi. Đi để có đề tài, nhưng hơn hết, đi để có thêm vốn sống. Có những điều trường học không dạy ta nhưng cuộc đời sẽ dạy ta lớn lên. Có những đứa trẻ vùng cao muốn đến trường không phải để học chữ, mà là để được ăn cơm miễn phí.Tôi vẫn nhớ ánh mắt của đứa trẻ miền núi khi bảo tôi “Cháu muốn được làm nhà báo như cô nhưng chắc cháu chỉ được học hết lớp 7 thôi”. Cuộc sống là muôn vàn sắc màu khác nhau. Và những chuyến đi là cơ hội để mở rộng yêu thương”.