Trào lưu nhạo chế quá đà từ bài thơ của cô giáo trường chuyên
Khi nói “diễn biến hòa bình", kể cả khi nói vấn đề “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, có thể ai đó sẽ tặc lưỡi: Ừ, biết vậy nhưng đối tượng của “tự diễn biến” còn xa và là ai đó chứ… không phải mình.
Thế nhưng, sự thực có những thứ mà chúng ta dễ dàng bị cuốn vào, bị xô vào như sóng dạt, mình còn lớn tiếng chê bai, chỉ trích mà không ngờ đã nằm gọn trong mưu đồ kẻ xấu với những hành động của “tự diễn biến”. Cảnh giác thực không thừa và cảnh giác nhưng phải có bản lĩnh, có sáng suốt mới hiểu mình đã, đang làm gì.
Tôi muốn nói một hiện tượng như vậy: Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” mà chỉ sau mấy ngày ra đời đã gây “bão mạng”, giờ hàng vạn người đã thuộc với đủ lời bình chế.
Bài thơ xuất hiện trên facebook cá nhân của cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên Văn Trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Đây chính là ngôi trường tôi từng học nên tôi cũng không lạ chuyện học sinh hay cô giáo dạy Văn làm thơ, mà thơ của người thích thơ (chứ chưa phải nhà thơ) nhiều khi rất ngẫu hứng.
Bài thơ cô giáo Lam đăng lên facebook ngày 25-4-2016, thời điểm xảy ra sự kiện cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Như vết dầu loang, ngay tức khắc, bài thơ đã tạo cơn sốt thực sự trên Internet, đặc biệt trên hệ thống facebook và các diễn đàn mạng. Rất nhiều người đã copy hoặc chia sẻ bài thơ lên “tường” facebook của mình, đưa ra một vài quan điểm, sau đó nhanh chóng thu hút hàng trăm bình luận, hàng nghìn “like”. Chỉ mấy ngày sau, “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” được phổ thành nhạc, được thu đĩa, tung ngay lên các trang mạng về âm nhạc và Youtobe. Cũng từ đây bắt đầu lan truyền trào lưu nhạc chế và họa thơ.
Đó là biến tấu những câu từ trong bài thơ đã phổ nhạc và hàng loạt bài nhận là “thơ họa”. Đáng nói, từ thơ gốc khi sang thơ họa thì các “nhà thơ” tha hồ tô vẽ, dựa trên câu đầu “đất nước mình” và mấy ý sau “ngộ quá, lạ quá, thương quá”, từ đó xới hàng loạt chuyện tiêu cực trong đời sống xã hội rồi quy kết mang tính phỉ báng chính trị (xuyên tạc đất nước nghèo nàn, lạc hậu, chiến tranh là do Đảng, do Chủ nghĩa Mác - Lênin, do đường lối sai lầm…).
Có bài chế dưới dạng đề thi Văn và bình: “Cô giáo Lam làm bài thơ nầy phải với cả tấm lòng trăn trở của một người yêu nước nồng nàn... Bài thơ đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam, cho dù là có 10 năm, hay 20 năm nữa thì cũng khó có thể đọc được một bài thơ thứ hai nói lên hết tâm trạng của người Việt Nam, của đất nước trong nghịch cảnh hôm nay…”.
Hôm rồi, ra quán cà phê, tôi nghe bàn bên cạnh có mấy người, già có, trẻ có xì xào đọc thơ “Đất nước mình” và các bài họa. Người đọc, người bình, tỏ ý tâm đắc lắm, nhất là khi nói về thói xấu của người mình, của nước mình. Hôm nữa, ở quán bia, tôi cũng thấy viễn cảnh như vậy…
Dường như từ chỗ người ta thích bài thơ, bài hát và sau nữa là say sưa với những bình chế, tỏ làm đắc ý. Những bình chế đó đều nhạo báng nước nhà, quê hương, nhạo báng chế độ, trong khi hiển nhiên nói đất nước mình là có mỗi cá nhân mình, nhạo nước mình cũng là nhạo mình. Thế là tại làm sao?
Tôi có suy nghĩ thế này: Về bài thơ của cô giáo Lam, đọng lại là thông điệp “ngộ, lạ, buồn, thương” như 4 ý nêu trong bài. Song là người làm thơ theo ngẫu hứng, như cô thừa nhận làm bất chợt rồi tung lên facebook “để cho vui”, chỉ sau khi thấy mọi người bàn tán nhiều quá nên đóng facebook lại nhưng thơ đã lan truyền quá nhanh, vượt mọi suy nghĩ người viết. Thế nên, chúng ta không đặt vấn đề người viết bài thơ “có ý đồ chính trị” hay như một số thông tin ban đầu còn bịa đặt chuyện cô giáo Lam “bị công an khởi tố, bắt giam” hòng gây nhiễu, gây nghiêm trọng vấn đề. Tuy nhiên, đây cũng là điều cần lưu tâm, suy nghĩ khi mình viết gì, đưa gì lên facebook bởi đó không còn là trang riêng tư như khi ta viết vào giấy, sổ mà tính lan truyền của nó nhiều khi rất khó lường.
Thứ hai, điều đáng nói là sự “bấu víu” của cộng đồng mạng. Tôi cho rằng, không phải những người tán dương, họa chế bài thơ dưới nhiều thể thức thì quy họ có vấn đề thế này, thế kia. Nhưng người mình vốn dĩ hay bị hút vào cái mới, cái lạ, cái mà người ta đang xôn xao, ồn ào và cũng dễ say với những ca thán, bình chế từ chuyện xã hội, đất nước đến chuyện tổ chức, cơ quan, chuyện gia đình hay đơn giản là… những cái xấu của bạn bè, đồng nghiệp. Cái ý “chém gió” là vì vậy, cứ xem trên facebook, nhiều người say sưa ca thán, phê phán trăm thứ chuyện mà quên mất rằng, điều mình cần làm trong ngày là gì. Các thế lực xấu thì nhân cái sự đó mà nhúng tay vào, rồi nhạo báng đủ trò, cố ý quy kết thành vấn đề chính trị, rằng đất nước nghèo nàn, lạc hậu, đất nước trải qua chiến tranh, mất mát là do Đảng thế này, Nhà nước thế kia. Từ đó, chúng đẩy sang thứ nguy hại hơn như kêu gọi xuống đường biểu tình, đập phá, cổ súy sự chống đối ngay từ bên trong. Bị “dạt” vào làn sóng bình chế trên facebook, chúng ta có thực sự tỉnh táo để nhận ra mình đang đứng ở đâu, có thực sự tỉnh táo để không bị hút vào chiêu trò của những kẻ xấu hay vẫn gõ bàn phím, gõ di động mà tự ngộ nhận mình “sáng suốt, tài giỏi, văn hay”?
“Tự diễn biến” là ở chỗ đó, nguy hại cũng từ những việc đó, đừng cho rằng là một thứ xa xôi…