Trang phục truyền thống Việt: Câu hỏi chưa có lời giải

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:07
Nếu như dư luận xã hội nhanh chóng đồng tình chọn chiếc áo dài làm trang phục truyền thống nữ, thì trang phục truyền thống nam lại vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải, sau 3 năm Bộ VHTTDL phát động cuộc thi thiết kế Lễ phục Nhà nước. Vì thế, trong các sự kiện đối ngoại, Việt Nam chưa có quốc phục để mặc, gây nên nhiều tình huống khó xử.

Không chỉ thế, trong điện ảnh, khi chiếu phim lịch sử Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người cứ nghĩ là phim Trung Quốc, phim Đài Loan. Rõ ràng, trang phục thuần Việt đã trở thành một vấn đề văn hóa lớn, nhất là trong thời hội nhập. 

Đó là lý do để cuộc tọa đàm về trang phục truyền thống Việt đã diễn ra tại Hà Nội ngày 29/9, do Trường Đại học Văn hóa phối hợp với nhóm di sản Đình làng Việt tổ chức

Có lẽ, đây là lần hiếm hoi, vấn đề trang phục Việt được đặt ra nghiêm túc với cả một bộ sưu tập trang phục nam - nữ Việt truyền thống được trình diễn, là những bộ trang phục đã được sử dụng trong các phim lịch sử: “Trò đời”, “Long Thành cầm giả ca”, “Số đỏ”, “Lều chõng”, “Người cộng sự”… giúp người xem hình dung được phần nào hành trình phát triển của trang phục truyền thống. 

Cuộc tọa đàm còn thu hút các tên tuổi trong làng điện ảnh như NSND Nguyễn Thanh Vân, NSƯT Trần Lực, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (con trai nhà văn Kim Lân) vv… cùng nhiều nhà làm phim, nhà nghiên cứu và các ý kiến đều thống nhất rằng, đây là những trang phục truyền thống không thể làm đẹp và chuẩn hơn. Không chỉ thế, những họa sĩ, những khách mời, trong đó có PGS.TS. Nguyễn Văn Cương, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ VHTTDL) đều đến dự trong trang phục thuần Việt truyền thống.

Nhiều văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong trang phục truyền thống Việt.

Đạo diễn Thanh Vân đưa ra ví dụ khi làm phim về Điện Biên Phủ, đạo diễn người Pháp đã không đồng ý lựa chọn trang phục đúng của thập kỷ 50 thế kỷ 20 cho diễn viên, vì cho rằng, không phù hợp với gương mặt diễn viên. Ông yêu cầu cái đẹp được đặt lên trên, tuy trang phục vẫn phải giữ được cái cốt của lịch sử.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người đã thiết kế trang phục cho nhiều bộ phim cổ trang Việt như  “Trò đời”, “Long Thành cầm giả ca”, “Lều chõng”, cho rằng, trong nhiều bộ phim, trang phục là đạo cụ rất quan trọng, thể hiện được từng tính cách, hoàn cảnh, thành phần và từng tình huống của nhân vật. Vì thế, phải có sự cảm thụ sâu sắc, theo đuổi kỳ công mới đi đến được tinh thần Việt khi thiết kế các bộ trang phục cho các bộ phim. Trong điện ảnh, người nghệ sĩ có quyền sáng tạo trong thiết kế trang phục, nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt của Việt Nam.

Tìm tiếng nói thống nhất trong trang phục truyền thống, cũng là mong muốn của Bộ VHTTDL. Bởi, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, cuộc thi thiết kế Lễ phục Nhà nước cho đến nay vẫn không chọn được mẫu lễ phục nào, vì không có được tiếng nói đồng thuận, dù đã có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, văn hóa và lịch sử và các nhà thiết kế trang phục hàng đầu. Do đó, nhiều nước qui định Đại sứ đến trình Quốc thư phải mặc trang phục truyền thống, nhưng các Đại sứ Việt Nam loay hoay không biết chọn trang phục nào. 

Có Đại sứ đành đi thuê một bộ vest đuôi tôm dài để mặc đến trình Quốc thư. Hoặc mới nhất, trong một chương trình giao lưu nghệ thuật ở Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc mặc quốc phục của Hàn lên giao lưu, còn Bộ trưởng Bộ VHTTDL và Bộ Ngoại giao Việt Nam thì mặc comple lên, quả không phù hợp! Vì thế, hy vọng tọa đàm sẽ thêm một tiếng nói để tháo gỡ những lúng túng trong việc chọn quốc phục hiện nay.

Thanh Hằng
.
.
.