Tìm khán giả cho sân khấu - Cần bắt đầu từ người trẻ?!
- Sân khấu bội thu giải thưởng dù khó khăn do COVID-19
- Sân khấu Lệ Ngọc: Điểm sáng trong nền sân khấu đương đại
- Đạo diễn sân khấu: Tín hiệu "chuyển giao thế hệ"
Từ nhiều năm trước, khi Giám đốc sân khấu kịch Idecaf, TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Anh Tuấn từng đề cập về vấn đề đào tạo khán giả kế cận cho sân khấu, có lẽ, không hẳn nhiều người đồng thuận. Đại ý, cái lý của ông bầu nổi tiếng lâu năm trong giới sân khấu này là khán giả trẻ đến với sân khấu không nhiều, trong khi lực lượng khán giả trung thành với sân khấu đã lớn tuổi, ngày càng già đi. Sân khấu cần có lớp khán giả kế cận lực lượng này. Muốn điều đó trở thành hiện thực, người làm sân khấu cần có những chương trình để thu hút khán giả thiếu nhi đến rạp. Trẻ cần được biết khi nào vỗ tay cổ vũ nghệ sĩ…
Thực tế, Idecaf cũng là một trong số không nhiều đơn vị chịu đầu tư cho sân khấu thiếu nhi. Rất nhiều chương trình, kịch mục dành cho đối tượng khán giả này được dàn dựng, thu hút người xem. Không chỉ trẻ em thích mà phụ huynh cũng bị thuyết phục. Thành công của chuỗi chương trình nhạc kịch “Ngày xửa ngày xưa” là một điển hình…
Thu hút khán giả trẻ đang là thách thức của đơn vị sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống. |
Tại khu vực phía Bắc, vài năm trở lại, khi câu chuyện về “bầu sữa” ngân sách dành cho các đơn vị sân khấu công lập ngày càng có chiều hướng hạn hẹp. Các đơn vị chuyển dần hoặc buộc phải chuyển dần sang cơ chế tự chủ, việc thu hút khán giả đến với sân khấu được quan tâm hơn. Nhiều đơn vị chủ động hơn trong đầu tư cho hoạt động quảng bá, đưa chương trình, vở diễn tiếp cận số đông công chúng hơn. Ngoài vận hành và cung cấp thông tin vở diễn trên các trang web của đơn vị, ngày càng nhiều đơn vị sân khấu tận dụng nhiều kênh thông tin khác, ngoài các kênh chính thống, nhằm đầu tư quảng bá, tiếp thị cho chương trình, tác phẩm.
Mạng xã hội, trong đó có facebook bắt đầu được tận dụng, dù rằng, các trang này chưa thực sự trở thành một “kênh” có lượng tương tác cao như các fanpage của các nghệ sĩ nổi tiếng. Khá nhiều hoạt động khác nhằm tiếp cận nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, quen sử dụng công nghệ là bán vé online đã bắt đầu được một số đơn vị sân khấu, trong đó có Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam triển khai vài năm gần đây… Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên của các đơn vị sân khấu chưa đủ để kéo sân khấu thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhiều năm qua và rất có thể còn trong nhiều năm tới.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, từ năm 2001, Cục Biểu diễn nghệ thuật và một số cơ quan liên quan phối hợp cùng các địa phương triển khai dự án Sân khấu học đường. Thông qua việc giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc trong nhà trường, giảng dạy các kiến thức về bộ môn nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch cho học sinh, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu được những cái hay, cái đẹp, những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc. Từ đó, thanh, thiếu niên sẽ yêu thích, biết trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Sau nhiều năm triển khai, đến nay, thành quả của dự án cũng có vẻ vẫn giống như “muối bỏ biển”.
Không thể phủ nhận, những năm qua, người làm nghệ thuật và cơ quan quản lý đã có những nỗ lực nhất định nhằm đưa sân khấu đến gần hơn với người trẻ, nhưng, những chương trình, kịch mục chưa thực sự nhiều và mức độ quan tâm đầu tư nuôi dưỡng đội ngũ khán giả cho sân khấu chưa tương xứng. Về vấn đề này, trong buổi triển khai công tác năm 2021 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội, NSND Trịnh Thị Thúy Mùi cũng khẳng định, đầu tư phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là nội dung mà Ban chấp hành IX và đông đảo các hội viên, người làm nghề rất quan tâm, trăn trở.
Để góp phần giải quyết bài toán khó này, năm 2021, Hội sẽ xây dựng đề án phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu. Theo đó, đề án sẽ có nhiều hội thảo, tọa đảm về phát triển khán giả trẻ cho sân khấu. Đồng thời, Hội sẽ có nhiều hoạt động triển khai trong thực tế như phát động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu nhi, tổ chức giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống trong hệ thống các trường học. Liên hoan các vở diễn đề tài thiếu nhi cũng sẽ được tổ chức vào tháng 9/2021 tại Hà Nội…
Tuy nhiên, những giải pháp nói trên cũng mới chỉ là những nỗ lực từ phía của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, những người yêu mến và dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật sân khấu. Để sân khấu Việt thực sự thoát khỏi khủng hoảng và khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đến với sân khấu nhiều hơn, yêu mến, trân trọng, tự hào và cùng góp phần gìn giữ những tinh hoa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống thì sẽ cần nhiều hơn thế. Đó là sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật và cả cộng đồng dân cư ở các địa phương vốn là những cái nôi của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Dân ca kịch…