Thu Bồn - Người đa đoan, mẫn cảm
1- Tôi vẫn tự nhận mình là thằng đàn em may mắn vì có khoảng thời gian sống chung với các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc và nhà thơ Thu Bồn - ba tác giả viết về Tây Nguyên đều có những tác phẩm xuất sắc, đóng góp lớn cho nền văn học cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt là nhà thơ Thu Bồn, cho tới bây giờ, có lẽ chưa có nhà thơ nào viết được hay và nhiều về Tây Nguyên như ông. Ông yêu Tây Nguyên từ trong máu lửa, từ trong sống còn của cuộc chiến tranh.
Vào những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, ông đã có mặt ở chiến trường này và những bài thơ đầu tiên ông viết cũng về vùng đất này.
Cũng những năm đó, ở ngoài Bắc, cuộc sống khá êm đềm và sôi động trong hoà bình với các phong trào thi đua yêu nước xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN non trẻ và tươi đẹp.
Nhưng ở trong miền Nam thì cuộc sống của nhân dân chìm ngập trong một không khí đen tối chưa từng có với những đạo luật tố Cộng, tìm diệt, giết lầm hơn bỏ sót, đặc biệt trước đó, Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm với lưỡi lê và máy chém đã khiến nhiều cán bộ cách mạng, nhiều phong trào cách mạng ở miền Trung bị đánh bật lên rừng Tây Nguyên.
Thu Bồn chính là một thiếu sinh quân, một chiến sĩ trẻ trung nhưng dạn dày kinh nghiệm sống và chiến đấu trong các phong trào cách mạng của Tây Nguyên thời kỳ đó. Và trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” được ra đời cũng quyết liệt và hồn nhiên như chính Thu Bồn có mặt sớm cùng nhân dân.
Nó được viết ra từng trang, từng chương dưới ánh lửa bếp nhà sàn trong các buôn làng Tây Nguyên. Nó được cùng tác giả tham gia những trận đánh và những lần chống bố ráp của quân thù, sau đó được “hành quân” theo bước chân của nhà thơ Thanh Hải đi bộ ra Bắc, về tới báo Văn Nghệ và ngay lập tức “Bài ca chim Chơ Rao” được in trang trọng như một tờ phụ trương.
Nhà thơ Thu Bồn. |
Có thể nói trường ca “Bài ca chim Chơ Rao” của Thu Bồn đã đánh thức đúng lúc một thể loại văn học nhiều năm trước đó gần như bị bỏ quên. Nó được đón nhận nồng nhiệt không chỉ đối với giới sáng tác mà ngay lập tức, nó được giới trí thức trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên vô cùng ngưỡng mộ.
Hai nhân vật chính của trường ca là Hùng và Rin nhanh chóng được biết đến như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết Kinh- Thượng.
Những năm sau này, Thu Bồn đến ở căn phòng nào, chỉ trong thời gian ngắn, căn phòng ấy biến thành không gian của Tây Nguyên. Ông say sưa với những cuộc cải tạo phòng, nhà. Ông trần lưng khuân đất đá, chặt, đẽo ghế bàn, sửa sang bếp núc.
Ông không phải người có lối sống lập dị, nhưng nhìn dàn thớt dài hàng chục chiếc như dàn chinh chiêng Tây Nguyên từ cái to nhất đến cái nhỏ nhất treo trên tường bếp nhà ông, không thể không thán phục con người có nhiều ý tưởng độc đáo và yêu Tây Nguyên đến kỳ lạ này.
2- Thu Bồn tự nhận mình là kẻ “đánh đu cùng dâu bể”, cái dâu bể sâu nặng ân tình đối với đồng đội, nhân dân, chính nó đã tạo nên vẻ đẹp thơ ông, cái vẻ đẹp phong trần, nhuốm bụi đời vừa gian nan khúc khuỷu vừa ngạo nghễ kiêu hùng và lãng mạn, với một lối viết hoành tráng tuôn trào, luôn luôn gắn liền với số phận đất nước, bằng một phong cách cuồn cuộn sức sống, cuồn cuộn cảm xúc, không ngừng nghỉ.
Thơ ông rất thời sự và cũng không vì tính thời sự mà thời gian dễ dàng làm lu mờ đi những gì ông để lại. Ông là người không chờ cảm xúc mà cảm xúc luôn luôn chờ ông sẵn để sẵn sàng cùng ông vào cuộc. Thơ Thu Bồn gắn liền cùng thời đại. Ở thời điểm nào ông cũng có những trường ca hay, những bài thơ hay, những câu thơ cực hay.
Ông cùng với trường ca, chiếc ba lô, bộ quân phục, cây bút và cây súng đi hết chặng đường chống Mỹ thăng trầm của đất nước, cho đến tận sau này. Ở chặng đường nào ông cũng có những cái mốc đáng kể, kể cả trường ca và thơ ngắn.
Đối với Thu Bồn, ông viết như một nhu cầu sống. Trường ca hay thơ trữ tình, tiểu thuyết hay truyện ngắn, tất cả đều do nhu cầu của đời sống, chính vì thế cảm xúc thơ ông lúc nào cũng tươi, cũng mới.
Mọi ý tưởng, mọi ý đồ kết cấu đều được cảm xúc đưa đón, không nề hà câu nệ. Đặc biệt ở trường ca, ông quan niệm trường ca là một toà lâu đài thơ, vì vậy người viết trường ca cũng phải là một kiến trúc sư thiết kế nên toà lâu đài đó.
Ông lại cho rằng, “vật liệu” làm nên trường ca cũng phải khác các thể loại khác, mặc dù “vật liệu” ấy vẫn là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có thể làm nên tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ dài, diễn ca, nhưng ở trường ca nó vẫn phải khác với ngôn ngữ làm nên thơ dài, truyện thơ và diễn ca..
Thu Bồn luôn luôn có ý thức về cấu trúc tác phẩm của mình, mặc dù cái cấu trúc ấy được hình thành thông qua nguồn cảm xúc chắt ra hay bung phá ra đều từ sự va chạm giữa tình cảm cá nhân với tình cảm cộng đồng.
Ông nuôi dưỡng cảm xúc nghệ thuật của mình bằng chính nguồn sống của trái tim nồng nhiệt của ông đối với Đảng, với nhân dân. Ông quan niệm, cảm xúc cũng là một loại “vật liệu” làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nghệ thuật, nhưng nó là một thứ “vật liệu” đặc biệt, một thứ “vật liệu” chỉ xuất phát từ trái tim nghệ sĩ.
Người nghệ sĩ càng sống chân thành, tận tâm tận lực với trách nhiệm công dân của mình, với tình thương yêu gia đình, người thân, bạn bè, quê hương, đồng đội, thì cảm xúc càng mạnh mẽ. Quan niệm ấy được thấy rõ nhất trong bài thơ “Gởi lòng con đến cùng Cha”.
Trong tất cả những bài thơ viết sau khi Bác mất, theo tôi, bài “Gởi lòng con đến cùng Cha” là bài thơ hay nhất. Nó hay nhất không phải vì tác giả có ý tưởng gì mới mẻ, có cách thể hiện gì cao sang, độc đáo, hoặc thống thiết, hoặc cứng cỏi mà chỉ bởi nó chân thành, mộc mạc, tự nhiên, tự đáy lòng tác giả, tự đáy lòng người dân đối với lãnh tụ.
Từng câu thơ, từng lời thơ nếu “trích ngang” sẽ thấy thậm chí nó còn cũ, còn thô, nhưng cái “cũ” ấy, cái “thô” ấy mới chính là tấm lòng tác giả, và cũng chính là tình cảm của nhân dân miền Nam: “...Tiếc rằng trước lúc chia ly/ Con chưa được thấy dáng đi của Người/ Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/ Có nguyên vẹn một khoảnh trời phương Nam...”.
3- Thu Bồn bề ngoài có vẻ hùng hổ, ngang tàng, nhưng bên trong ông rất hiền từ, phục thiện, cởi mở và thơm thảo. Dáng vóc ông to cao lực lưỡng nhưng con người ông lại hiền lành, dễ thương.
Ông giỏi chặt cây làm lán; ông giỏi kiếm măng, kiếm nấm; ông giỏi nấu ăn, say sưa làm đồ ăn tiếp bạn, tiếp khách. Ông thích tụ tập bạn bè, đọc thơ, tán dóc, như câu thơ ông đã viết: “Nhà tôi thung lũng mù sương/ Ai chê cũng đón ai thương cũng mời”.
Rất ít khi thấy Thu Bồn yên tĩnh. Anh Ngô Thảo có lần bảo tôi: “Khoảng cách giữa hai trận đánh, Thu Bồn làm thơ. Khoảng cách giữa hai đợt tránh bom pháo, Thu Bồn làm thơ.
Thu Bồn làm thơ khi đang hành quân, khi đang yêu, khi đang đói, khi đang say và cả khi đang nhọc nhằn nhưng say mê đào đất, khuân đá làm nhà. Thu Bồn làm thơ khi bán xe, bán nhà, tiêu tiền, làm lịch. Vui chơi hay làm việc gì, kể cả viết tiểu thuyết, kể cả việc chẳng ra việc gì, thực ra cuối cùng rồi cũng chỉ để nuôi thơ”.
Trong cuộc sống, Thu Bồn là một người đa đoan, mẫn cảm. Ở đâu ông cũng có bạn, ông đến đâu cũng quyến rũ được tình cảm của nhiều người bằng sức mạnh của chân tình, của sự nhiệt tâm sôi nổi. Những năm cuối đời, mỗi lần Thu Bồn ra Hà Nội, bên ông bao giờ cũng là nhà phê bình Ngô Thảo, bên anh Ngô Thảo và tất nhiên, còn có rất nhiều bạn bè văn nghệ khác.
Ông bao giờ cũng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Ông đọc thơ, hát thơ, ngâm thơ hồn nhiên, mạnh mẽ, hết mình. Ông là người luôn luôn sống quanh bạn bè, sống cùng bạn bè.
Suốt cả cuộc đời ông là một cuộc hành quân dài từ quê hương đất Quảng đến Tây Nguyên và từ đó đến mọi miền của đất nước. Ông ra Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển, nơi đâu cũng rộn rã bạn bè. Kể cả khi ông tới Tây bán cầu đọc thơ cùng các nhà văn Á Phi, sau những ngày vui nhận giải văn học Lotus, về nước, ông toàn kể chuyện về bạn bè đủ các màu da.
Ông đến Ăng Ko hát cùng bè bạn, thánh thần, sau cuộc chiến đánh bại bọn diệt chủng phi nhân tính của đất nước này. Và ông làm thơ. Làm thơ và kết bạn. Kết bạn và làm thơ. Cuộc đời của nhà thơ Thu Bồn chính là bản du ca về tình bạn và tình người.
Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh ngày 1-12-1935, tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong những năm chiến tranh, ông làm phóng viên chiến trường Liên khu V. Sau đó ông về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà thơ Thu Bồn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Ngoài thơ, Thu Bồn còn viết tiểu thuyết, nhưng ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó “Bài ca chim Chơ Rao” được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông. Ông mất ngày 17-6- 2003. Ngày 19-4-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho nhà thơ Thu Bồn (với các tác phẩm: Tiểu thuyết "Chớp trắng", "Vùng pháo sáng" và tập truyện ngắn "Dưới tro"). Đây là đợt xét tặng bổ sung cho Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật đợt V. |