Thầy giáo làng đam mê sưu tầm cổ vật
Kể về “duyên” đưa đẩy mình đến với niềm đam mê cổ vật, thầy Phương nhớ lại, khoảng 37 năm về trước, khi đó ông còn trong quân ngũ, một lần tình cờ ghé quán nước đối diện cổng doanh trại, ông bị “hớp hồn” bởi chiếc bình rượu cổ tại đây. Từ đó, ông thường xuyên lui tới quán nước, chủ yếu là để ngắm nghía những món đồ cổ và nghe chủ quán kể về giá trị văn hóa, lịch sử của từng cổ vật.
Thầy giáo Võ Thanh Phương trong “kho tàng” đồ cổ của mình. |
Ban đầu xuất phát từ sự tò mò, dần dần ông đam mê cổ vật từ lúc nào không hay. Để thỏa lòng đam mê sưu tầm cổ vật, ông đã dành dụm, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc đi dạy, gom góp lại chỉ để đi tìm và mua các món đồ cổ có giá trị. “Càng tìm hiểu, càng tiếp xúc, càng mê mẩn không thể nào dứt ra được. Vậy nên suốt bao nhiêu năm tôi đổ công sức và tiền bạc để sưu tầm cổ vật, chưa một lần đắn đo hay chán nản”, ông trải lòng.
Thầy Phương dành hầu hết thời gian rảnh của mình để đi khắp nơi tìm kiếm và sưu tầm cổ vật. Căn nhà cấp 4 đơn sơ của ông được tận dùng hầu hết không gian để trưng bày đồ cổ, nhiều món cổ vật quý hiếm có tuổi đời hàng nghìn năm được “góp mặt”, như mảnh Trống Đồng có hoa văn chim bay ngược tuổi đời 4.000 năm, chóe đồng tiền - men lam Huế (chóe Cung đình thời Khang Hy), lư đồng Pháp Lam thời nhà Thanh, ấm trà Tử Sa đời nhà Minh...
Ngoài sưu tầm các món đồ cổ gốm sứ, ông còn có một tủ trưng bày các loại tiền xu, tiền giấy xưa. Như đồng tiền Gánh Dưa có hình Hoa hậu Nam Phương hơn 100 năm tuổi, tờ tiền Đông Dương, đồng tiền Pháp (1908), tiền xu Mỹ (1877) cùng hàng chục đồng hồ cổ có giá trị...
Ông nói rằng, việc sưu tầm cổ vật không chỉ vì đam mê, mà còn mang rất nhiều ý nghĩa. Mỗi món đồ cổ đều thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ và tài nghệ công phu của các nghệ nhân xưa. Hơn nữa, mỗi cổ vật đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử khác nhau, nhìn vào mỗi món đồ có thể thấy được sự phát triển văn hóa của từng giai đoạn, hiểu thêm về những giá trị tinh thần mà người xưa để lại. “Sưu tầm cổ vật cũng là một cách để gìn giữ và lưu lại những giá trị cổ xưa, thứ mà thời đại bây giờ không thể dùng tiền để mua được”, thầy Phương trải lòng.
Ngắm nghía “kho tàng” nhỏ của mình, thầy Phương tâm sự: “Để sưu tầm cổ vật, tôi phải vất vả ngược xuôi từ Bắc chí Nam, phải tìm đến tận nhà thuyết phục người dân bán lại, một lần không được thì phải lui tới nhiều lần, trò chuyện, kết thân, thậm chí là năn nỉ thì họ mới đồng ý. Khó khăn là vậy, nhưng khi ngắm nhìn những món cổ vật ấy, tôi lại cảm thấy mọi công sức của mình bỏ ra chẳng nhằm nhò gì”.
Đến nay, “kho tàng” nhỏ với hơn 1.000 món cổ vật của ông đã được nhiều người trong giới chuyên môn đầu ngành ghi nhận và đánh giá cao. Những người chơi đồ cổ cũng thường xuyên ghé nhà ông giao lưu, học hỏi và trao đổi cổ vật với nhau. Ngôi nhà ông còn là địa điểm mà khách du lịch ghé thăm, họ đều là những người có chung đam mê đồ cổ và thích tìm hiểu những giá trị xưa cũ.
“Tôi mong muốn ngày càng có nhiều người am hiểu và sưu tầm đổ cổ hơn, để góp phần gìn giữ những tinh hoa văn hóa lịch sử xa xưa, để con cháu sau này có thế hiểu và trân trọng những giá trị vô giá mà cha ông để lại”, thầy Phương bày tỏ.