Tha thứ nhưng đừng bao giờ lãng quên

Chủ Nhật, 12/06/2016, 16:01
Cả tuần nay, dư luận ồn ào với rất nhiều luồng quan điểm đối nghịch nhau xoay quanh chuyện cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerry được lựa chọn làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Sự ồn ào xuất phát từ chuyện ông Bob Kerry liên quan trực tiếp đến vụ thảm sát Thạnh Phong, Bến Tre năm 1969 trong vai trò chỉ huy...


Có những người cho rằng tội ác của Bob Kerry là không thể tha thứ. Có những người lại phản bác rằng hận thù không nên kéo dài mãi, mà hãy để thứ tha làm nền tảng cho phát triển tương lai. Quan điểm nào cũng có logic, có luận cứ chặt chẽ cả và chính sự logic, chặt chẽ ấy sẽ khiến tranh luận về đề tài này không thể nào chấm dứt, kể cả khi ông Bob Kerry từ chối nhận trách nhiệm làm Chủ tịch FUV.

Thực tế, trước câu chuyện điển hình kể trên, chúng ta nên nhìn theo một hướng khác, tách rời hẳn khỏi cuộc tranh luận kể trên, để nhận thức rõ lại những gì chúng ta đang nghĩ, đang làm, và soi chiếu nó đến vô vàn những tranh luận tương tự về giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc suốt 30 năm, kể từ năm 1946 cho tới năm 1975.

Câu hỏi đặt ra đầu tiên là Đại học FUV là một trường phi lợi nhuận nhưng nó có chủ đầu tư cụ thể và chuyện bổ nhiệm ai cho vị trí điều hành một tổ chức như thế là quyền hạn lựa chọn của chủ đầu tư. Chúng ta chẳng có quyền phản đối mà chúng ta chỉ có duy nhất một quyền: có lựa chọn học trường đó hay không, hoặc có lựa chọn cho con, cháu mình học trường đó hay không mà thôi.

Cuốn hồi ký mang tên “When I was a Young Man” của Chủ tịch Đại học Fulbright Bob Kerrey.

Lựa chọn của chúng ta sẽ thể hiện chính kiến, thái độ của mình về việc chủ đầu tư của FUV quyết định bổ nhiệm một người có nhân thân ra sao vào ngôi trường của họ. Vấn đề ở đây không còn nằm trong giới hạn của sư tha thứ hay không, mà nó chính là nền tảng cần xây dựng cho một xã hội dân chủ, tức là một xã hội mà mọi công dân đều phải biết tôn trọng khác biệt song song với việc thể hiện thái độ đúng đắn của mình.

Nhưng, vượt trên tất cả những điều đó chính là một sự nhức nhối thực sự mà chúng ta cần phải nói rõ với nhau, một nhức nhối tồn tại từ rất lâu rồi, tồn tại một cách thản nhiên trong xã hội ngày càng đánh mất đi sự quan tâm và lòng trắc ẩn. Đó chính là việc tại sao không mấy ai nhớ đến vụ thảm sát Thạnh Phong suốt bao nhiêu năm qua mà chỉ chợt quan tâm quá mức đến địa chỉ ấy khi câu chuyện liên quan đến Bob Kerry và Fulbright được công bố.

Ông Kerrey khi còn là chỉ huy đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh CBS News

Thêm vào đó, trong những người bày tỏ quan điểm tha thứ hay không tha thứ đối nghịch lẫn nhau suốt thời gian qua, có bao nhiêu người thực sự muốn, và thực hiện ý muốn tới Thạnh Phong để xem đồng bào của mình đã phải sống như thế nào bao nhiêu năm qua, đã phải nếm trải nỗi đau dai dẳng như thế nào suốt cả một cuộc đời trở trăn, đằng đẵng.

Nhiều người trong chúng ta đã quên Thạnh Phong, quên Mỹ Lai, quên rất nhiều địa danh đau thương từ lâu rồi. Chỉ khi nào có nhu cầu cần chứng minh rằng mình cũng là một người có tri thức, có quan điểm, có thái độ, biết lập luận, chúng ta mới mượn nhờ vào những điểm tựa lịch sử ấy mà thôi.

Cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerry .

Đất nước cả một thế kỷ phải oằn mình dưới bom đạn chiến tranh chắc chắn là một đất nước mang rất nhiều thương tích, mất mát, bi kịch, và đau thương. Chúng ta không chỉ có những địa danh nổi bật như Thạnh Phong, Mỹ Lai, Quảng Trị, Đồng Lộc… mà còn vô vàn những nơi khác nữa đã chứng kiến máu của đồng bào ngấm một cách lặng thầm vào đất, và tan vào trong lãng quên một cách đầy vô tâm, vô tình và giỏi ngụy biện của không ít người những thế hệ đi sau, những thế hệ đã, đang và sẽ làm chủ nhân của dải đất hình chữ S này.

Nhiệm vụ của những thế hệ ấy là cải cách, là tái tạo, là xây dựng lại quê hương giàu và đẹp hơn và để thực hiện nghĩa vụ ấy, sự mở lòng, sự bao dung, lòng hướng thiện là điều rất quan trọng. Thứ tha chính là một trong những hành động cần có của mở lòng, của bao dung và hướng thiện nhưng thứ tha không có nghĩa rằng chúng ta cho phép mình lãng quên đi những gì đã xảy ra bởi đơn giản, lãng quên chính là tội ác lớn nhất, một tội ác không được thực hiện bằng bất kỳ vũ khí nào trong tay cả.

Đây là một ống cống của gia đình ông Bùi Văn Vát, chứng tích của vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đêm 25/2/1969. Ba đứa trẻ là cháu nội ông Vát (10 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi) ẩn nấp trong ống cống này đã bị lính biệt kích Mỹ phát hiện, bắt và hành hình dã man. Năm 2009, kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của các nạn nhân,gia đình ông Vát đã tặng lại Bảo tàng làm hiện vật trưng bày. Ảnh: vov

Nếu trở về Huế, vào dịp tháng 5 âm lịch hàng năm, chúng ta sẽ biết rằng tuần lễ từ 23 đến 30 tháng 5 âm lịch, người Huế cúng cả tuần, coi đó là tuần lễ giỗ chung của người Huế. Đó là tuần lễ tưởng niệm sự kiện Thất thủ kinh thành năm 1885, khi Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn phò Đức Vua Hàm Nghi đánh lại giặc Pháp và thất bại. 

Pháp tràn vào kinh thành, thảm sát. Vua Hàm Nghi lên rừng khởi chiếu Cần Vương. Đó là tuần lễ dạy chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta đã là bạn bè của người Pháp, đặt quan hệ ngoại giao cấp cao nhất, thực hiện những dự án văn hóa, kinh tế với nhau trong nhiều thập niên rồi nhưng người Huế không bao giờ quên những tháng ngày thương đau kia, dù sự kiện đã xảy ra hơn 130 năm nay.

Tha thứ sẽ mở ra một vài cánh cửa. Còn quên lãng sẽ đóng sập tất cả mọi cánh cửa của quốc gia, của dân tộc mình.

Hà Quang Minh
.
.
.