Ký ức về dòng tranh dân gian Đông Hồ

Thứ Năm, 23/01/2020, 10:19
Trong bức tranh Tết nhiều sắc màu, màu đỏ của pháo, màu xanh của bánh chưng, màu vàng hoa mai và hồng của đào phai, đào bích, người Việt thường không thể thiếu việc trang hoàng nhà cửa bằng những bức tranh treo tường sống động và nhiều màu sắc. Những bức tranh Ðông Hồ đã từng là một lựa chọn. Và sở thích ấy vẫn không thay đổi với những ai yêu mến dòng tranh dân gian này.


Ký ức về dòng tranh Tết nổi tiếng

Ký ức trong tôi về dòng tranh dân gian Ðông Hồ từ ngày thơ bé là hai bức tranh Cá chép trông trăng rất to treo hai bên gian thờ nhà tôi. Ở giữa gian thờ, nhà tôi treo bức cuốn thư, hai bên cạnh là treo bức tranh cá chép. Còn chơi nhà hàng xóm, tôi lại thấy treo bức mục đồng thổi sáo. Và có lẽ bức tranh dân gian Ðông Hồ đều hiện diện trong mỗi gia đình thôn quê tôi ngày ấy. Ðể đến khi lớn lên, tôi mới biết đó là dòng tranh Ðông Hồ nổi tiếng.

Tranh Ðông Hồ hay được treo vào dịp Tết, khi ấy mùa màng cấy hái đã xong, và cũng xong một năm người nông dân vất vả. Người lớn được nghỉ ngơi, trẻ con được đi chợ Tết, và trong thứ quà Tết, không thể thiếu những bức tranh mua về treo trong nhà. 12 con giáp, mỗi năm một linh vật, cứ đến năm con vật nào lại mua tranh con vật ấy về treo: từ chó, mèo, lợn, gà, dê, chuột… Và cũng từ những con vật gần gụi ấy, người làm tranh luôn sáng tác ra một bức tranh đẹp, sống động nhưng lại mang một câu chuyện, một nội dung vừa trang trí vừa đầy ý nghĩa giáo dục.

Lịch năm mới Canh Tý 2020.

Làng Ðông Hồ cách quê tôi không xa, chỉ vào khoảng chưa đến 20km. Bắc Ninh quê tôi vốn được biết đến với nhiều làng nghề phụ ngoài nghề chính là làm lúa. Con người nơi đây vốn giỏi buôn bán, xoay xở làm ăn nên làng nào cũng có một nghề phụ. 

Cũng chính do việc phân theo địa giới hành chính nên thường cả làng làm một nghề, làng nào cũng có bí quyết làm nghề và đều có sự độc đáo riêng. Vì thế mà ngày xưa gái trai quê tôi thường chỉ lấy vợ trong làng, những ai phải đi lấy chồng ngoài thiên hạ (làng khác) là thuộc hàng những người không được người làng chọn, và còn một lý do nữa là không muốn gả vợ chồng ra làng ngoài để không lộ bí quyết làm nghề.

Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác xưa. Việc làm ăn, buôn bán giao thương khiến người ta phải luôn mở cửa, người làng Hồ đã đi khắp nơi làm ăn buôn bán và khi sự phát triển của nền kinh tế, rất tiếc người làng Hồ ít người còn làm tranh. 

Tuy nhiên, vẫn còn có những nghệ nhân đau đáu với nghề và làm sống lại một nghề cổ của làng, và một điểm còn đáng mừng hơn, nhiều người dùng giờ đây cũng quay lại với dòng tranh này, nhất là vào những dịp cuối năm khi Tết đến Xuân về, dòng tranh độc đáo,  nội dung mang lại sự hy vọng, những ước mơ giản dị trong đời sống, tiếp tục được nhiều người lựa chọn làm quà biếu và treo trong nhà ngày Tết.

Chỉ bằng những nguyên liệu tự nhiên sẵn có ấy mà người nông dân – họa sĩ làng tranh đã sản xuất, sáng tác ra không biết bao nhiêu bức tranh trong hành trình gần 500 năm tuổi nghề của làng như vậy. Nội dung tranh Ðông Hồ cũng vô cùng phong phú về chủ đề.

Vì làng nghề có tự lâu đời, người nông dân là những “họa sĩ” chính nên nội dung tranh Ðông Hồ là tất cả những gì phản ánh hiện thực cuộc sống, ước vọng của người nông dân, đối tượng tranh cũng là những gì gần gụi nhất với cuộc sống sinh hoạt của con người: đàn gà, đàn lợn, cậu bé chăn trâu thả điều, hay phản ánh cuộc sống như những bức tranh Hứng dừa, Ðám cưới chuột… Chỉ đơn giản thế thôi nhưng nhìn vào mỗi bức tranh Ðông Hồ ta thấy được sự tươi mới, rộn ràng và rất vui mắt trong từng bức tranh.

Gặp nghệ nhân tranh Làng Hồ

Nếu đến làng Hồ và nghĩ đến những nghệ nhân còn đau đáu với dòng tranh này, người ta nghĩ ngay đến nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế. Tuy nhiên cụ Chế năm nay đã già, và người tiếp nối nghề truyền thống của gia đình là những con trai, con gái và các cháu của cụ. Các con của cụ Chế khi tiếp nối nghề của cha ông, đã tập hợp cả gia đình lớn, thành lập hẳn một công ty sản xuất và giới thiệu tranh Ðông Hồ. Ðịa chỉ ấy được tọa lạc ngay dưới chân dốc từ đê xuống làng. Và đó là một khuôn viên khá đẹp, thanh mát, phía sau là những bờ tre, ao nước.

Trong không gian rộng được gia đình bày la liệt tranh và đồ dùng làm tranh. Những bản khắc gỗ, những bức tranh thành phẩm, những mực, những màu được xếp gọn lại khi kết thúc một ngày làm việc. 

Bên bộ tràng kỷ gỗ, anh Tâm, con trai cụ Chế cho biết, xưởng tranh gia đình gồm nhân công là các con cháu dâu rể của cụ Chế, mỗi người làm một công đoạn, người thì mài mực, người pha mực, người phết màu. Nghe thì đơn giản thế nhưng tất cả mọi công đoạn đều phải rất chuẩn chỉnh, và người làm phải rất có kinh nghiệm mới pha đúng màu mực, tô màu tranh  mới cho ra được một màu tranh Ðông Hồ tươi rói, đúng với màu chuẩn mà các cụ từ xưa vẫn hay dùng: màu xanh trong tranh được lấy từ lá tràm, màu trắng lấy từ vỏ sò điệp nghiền vụn ra, màu đen than gỗ xoan và màu đỏ của sỏi son…

Anh Tâm cho biết, ngoài khách quốc tế thì cũng có rất nhiều người Việt chơi tranh, hay họ mua làm quà. Cửa hàng đã mở mười mấy năm, số lượng hàng bán tương đối, còn xưởng tranh ở quê cũng được mở ra từ năm 2007. Xưởng làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tất cả con cháu cụ Chế tập trung làm ở xưởng, sau giờ làm việc thì nhà nào về nhà đó.

Với một người đau đáu với nghề như gia đình cụ Chế thì sự quan tâm của ngày càng nhiều người đến dòng tranh là một sự động viên vô cùng lớn. Anh Tâm cho biết khách Việt về thăm trung tâm đông, có đến hàng vạn người đến. Còn ngày hôm nay suốt từ sáng đến chiều anh Tâm đón tiếp khách tham quan.

Trong thơ văn, tranh Ðông Hồ cũng được đưa rất nhiều vào thơ văn, nhất là thơ văn phản ánh không khí ngày Tết: “Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Lòe loẹt trên vách bức tranh gà” hay  trong bài thơ Tết của nhà thơ Ðoàn Văn Cừ: “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán”. Ðó là những giá trị rất lớn để những thế hệ sau tìm hiểu, đọc sách và biết đến một dòng tranh dân gian nổi tiếng.

Năm 2020, năm Canh Tý còn gọi là năm con chuột, những gia đình làm tranh Ðông Hồ lại có một sáng tạo là làm lịch trên tranh. Bức tranh Ðám cưới chuột là bức tranh nổi tiếng, nói đến bức tranh, ai cũng biết đó là tranh làng Hồ. Một câu chuyện hết sức dí dỏm, về một đám rước dâu chuột hết sức long trọng, về câu chuyện giữa chuột và mèo, hai con vật được ví là “ghét nhau như chuột với mèo”. Người dân đã mượn câu chuyện chuột và mèo để làm nên một câu chuyện dân gian đầy ngụ í. Trạng chuột cưỡi ngựa đi trước. Cô dâu chuột ngồi kiệu theo sau với một đoàn tùy tùng dài không ngớt. Chỉ có điều, để cho tiệc cưới được diễn ra suôn sẻ, họ hàng nhà chuột đã phải hối lộ quan mèo rất nhiều của ngon, vật lạ.

Dí dỏm nhưng đầy ý nghĩa giáo dục, và màu sắc, dòng tranh dân gian Ðông Hồ sẽ sống mãi theo thời gian, và cho người ta một ký ức đẹp trong thú vui chơi tranh ngày Tết.

Ngô Chuyên
.
.
.