Những bi kịch ám ảnh sau con chữ
“Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình” là cuốn sách viết về 13 tử tù của nhà báo Đặng Huyền (chuyên đề ANTG, Báo CAND). 13 tử tù ấy từng là thủ phạm gây ra những vụ án chấn động dư luận một thời, như: Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyễn Thế Đô, Trương Văn Tuất, Hà Thị Tiến… Nhưng trong cuốn sách này, nhà báo Đặng Huyền đã tiếp cận họ ở phía sau bản án, với những số phận, những bi kịch. Ở đó, người đọc vẫn nhận thấy dù là rất nhỏ thôi, chút tính thiện bẩm sinh của con người mà trong ai cũng sẵn có. Và đó là một trong những điều quan trọng, tạo nên sự thành công của cuốn sách.
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND, kể lại kỉ niệm lần đầu tiên gặp nhà báo Đặng Huyền khi chị đến xin chuyển công tác từ Báo An ninh Hải Phòng về Báo ANTG, ông đã yêu cầu chị nộp cho ông 2 bài báo. “Sau khi đọc 2 bài báo ấy, tôi thấy đây là con người có chữ nghĩa sạch sẽ, bài viết có bản sắc và tính nhân hậu nên đồng ý nhận về làm việc” – Nhà văn Hữu Ước nói.
Nhận xét về “Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình” của nhà báo Đặng Huyền, nhà văn Hữu Ước khẳng định, đây là một cuốn sách tốt, có chất lượng, thể hiện rất rõ tính nhân văn của người viết.
Nhà văn Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND, Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới, người trước đây từng có thời gian dài phụ trách trực tiếp chuyên đề ANTG kể rằng, ông bắt đầu làm việc với nhà báo Đặng Huyền từ ngày chị còn ở tờ An ninh Hải Phòng.
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước phát biểu tại buổi tọa đàm, giới thiệu sách của nhà báo Đặng Huyền. |
Trải qua hơn 20 năm gắn bó trong công việc, ông nhận thấy, cái khác của nhà báo Đặng Huyền nói riêng và những người viết phóng sự của chuyên đề ANTG nói chung, đó là họ biết quan sát, biết phát hiện và chọn lọc ra được những chi tiết điển hình. Hơn thế, ngồi trước đống tư liệu, người viết phải biết “giày vò” thì mới ra được những tác phẩm để tạo nên được cuốn sách như thế này.
Từ góc nhìn của một nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét, ông may mắn có thời gian làm việc dài tại chuyên đề ANTG Giữa tháng – Cuối tháng của Báo CAND nên rất hiểu về nhà báo Đặng Huyền.
Dưới sự chỉ đạo và khuyến khích của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, những người viết như ông và nhà báo Đặng Huyền được phát huy hết khả năng văn chương của mình, được viết những tác phẩm báo chí bằng phong cách văn chương.
Viết trong lời tựa của cuốn sách này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, có đoạn: “Trong mỗi trang viết của Đặng Huyền, tôi nhận thấy sự giày vò của chị. Sự giày vò giữa sự nổi giận với cái ác và lòng xót thương với chính số phận của những con người mắc tội. Bởi thế, chị đã dựng nên được phần nào cái cốt lõi của thế giới phức tạp của con người. Đó cũng là dựng nên con đường khó khăn của việc làm người. Bởi, mỗi chúng ta luôn luôn phải đi nhón chân trên cái ranh giới vô cùng mỏng manh và mơ hồ giữa thiện và ác. Đó là tất cả những gì mà mỗi người cầm bút đều cần phải đi tới”.
Kể lại việc gặp những tử tù trong khu giam tử hình, nhà báo Đặng Huyền, chia sẻ: Khi tôi vào gặp và nói chuyện với những tử tù, chính họ cũng thừa nhận, tội của họ xứng đáng phải nhận bản án cao nhất của pháp luật. Vì thế, tôi không quá quan tâm đến hành động họ gây tội như như thế nào, chém bao nhiêu nhát khi giết người… mà tôi tập trung vào lý giải vì sao họ lại hành xử như vậy, trước, trong và sau khi phạm tội thì họ ra sao… để rút ra được những bài học có ích. Vì thế, tuy có nhiều cách tiếp cận với các vụ án, với câu chuyện của các phạm nhân, nhưng tôi và tờ báo của tôi chọn cách nhìn sao cho nhân văn nhất.
Ngày 22-1, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi giới thiệu cuốn sách “Những cuộc trò chuyện trong khu giam tử hình” – NXB Văn Học của Thượng tá, nhà báo Đặng Huyền, Phó trưởng Ban chuyên đề An ninh Thế giới (ANTG), Báo CAND. Nhiều nhà văn, nhà báo uy tín, lãnh đạo Ban Biên tập Báo CAND cùng đông đảo bạn bè, đồng nghiệp của nhà báo Đặng Huyền đã đến dự và chia sẻ những cảm xúc về cuốn sách. Tất cả các ý kiến đều có chung đánh giá rằng tác giả đã thành công khi khai thác một đề tài vốn gai góc nhưng hấp dẫn với cái nhìn nhân văn, điều đó đã giúp cho những phóng sự vượt qua được tính thời sự báo chí, để lại những cảm xúc cho bạn đọc… |