Nhiều thách thức trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội

Thứ Hai, 14/06/2021, 09:29
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Hà Nội vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam của Chính phủ, vừa là quyết tâm của TP Hà Nội trong thực hiện cam kết với UNESCO về xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”. Nhưng, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội còn nhiều khó khăn, thách thức.


“Đã 2 năm, Hà Nội được UNESCO công nhận là “thành phố sáng tạo”, nhưng danh hiệu đó mới chỉ được những người liên quan, nằm trong hệ thống chính quyền và các cơ quan tham gia vào tiến trình vận động quan tâm. Không hiếm người đặt câu hỏi vì sao Hà Nội được chọn. Ngay cả “công nghiệp sáng tạo (CNST)”, “CNVH” là gì cũng rất nhiều người chưa hiểu đúng. 

Đó là khẳng định mới đây của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa ở trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây. 

Múa rối nước Thăng Long – một trong số ít địa chỉ thu hút khách du lịch đến Hà Nội.

Ông Vinh cũng cho hay, ông đã thực hiện một khảo sát bỏ túi trên mạng Facebook, với 471 người trả lời, thì có đến 67,9% chưa hề biết rằng Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo, trong đó 14,6% trả lời chưa biết “thành phố sáng tạo” là cái gì? Trong khi đó, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo cho Hà Nội phải bắt đầu từ tìm một bản sắc riêng biệt, chứ không phải là thiết kế cho nó một cái biểu tượng (logo) để làm truyền thông. Như thế cũng đồng nghĩa với việc phải tìm cho được giá trị dẫn dắt thương hiệu thành phố sáng tạo, làm cho giá trị đó in đậm trong tâm trí, nhận thức của các đối tượng liên quan, thông qua việc dẫn dắt họ trải nghiệm những hoạt động mang tính “thiết kế sáng tạo” của Hà Nội.

Phát triển CNVH, CNST tại Hà Nội còn nhiều thách thức. Đó cũng là khẳng định của nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà quản lý tại tọa đàm. Nhạc sĩ Quốc Trung nhận định, nhiều năm qua, Hà Nội vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu những hoạt động văn hoá nổi bật, các mô hình nhỏ lẻ, nội dung và chất lượng nghèo nàn. 

Với một thành phố gần 10 triệu dân cùng hàng trăm nghìn lượt du khách tới Hà Nội mỗi năm, Hà Nội có nhiều tiềm lực để phát triển du lịch văn hóa, nhưng khó khăn vì thiếu sự phát triển bền vững. Một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước cần được đầu tư về mọi mặt và cần có tuổi đời hoạt động từ 5-10 năm. 

Việc tuổi đời các dự án nghệ thuật thường rất ngắn khiến giá thành sản xuất rất cao dẫn đến việc đầu tư về mọi mặt không đủ, qua loa và yếu ớt. Cho đến giờ Hà Nội chưa có một dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế.

“Không gian văn hoá trước tiên cần được quy hoạch để xây dựng nên một không gian công cộng, giúp tạo thói quen mới, nếp sống mới, từ đó trở thành một biểu tượng văn hoá của thành phố. Hà Nội tuy còn thiếu nhưng không phải không có những không gian như vậy, nhưng đa phần các không gian đó thiếu tính quy hoạch để chào đón công chúng, thiếu tính quy hoạch để nó trở thành không gian của cộng đồng. 

Phố đi bộ Hồ Gươm sẽ trở thành một biểu tượng văn hoá với những hoạt động thực sự mang lại đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân nếu không có những dịch vụ biến nó trở thành sân đua xe điện của trẻ em. Các hoạt động nghệ thuật ở đây cũng cần được quy hoạch và lên chương trình có chọn lọc và dài hơi hơn, tránh việc ô nhiễm tiếng ồn và thiếu nghiêm túc, xuồng xã trong các hoạt động nghệ thuật”, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.

Cũng theo nhạc sĩ Quốc Trung, để phát triển CNVH, Hà Nội nên mạnh dạn giao các dự án cho các đơn vị tư nhân có uy tín và năng lực, xây dựng các chế độ quản lý chất lượng, chế độ ngân sách tài chính để các đơn vị ngoài nhà nước được quyền tham gia và sử dụng ngân sách của thành phố.

Về vấn đề này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Bùi Huyền Mai cho biết, Đảng bộ TP Hà Nội đã quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô.

Trước đó, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và CNVH nói riêng. Tuy nhiên, để hiện thực hóa việc phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, trong thời gian tới, Hà Nội còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Thành ủy Hà Nội mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức và cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…

N.Nguyễn
.
.
.