Nhân Ngày sách Việt Nam 2019, nghĩ về “văn hóa đọc” của giới trẻ hiện nay

Thứ Sáu, 26/04/2019, 11:20
Trước hết, chúng ta hiểu khái niệm “văn hóa đọc” như thế nào? Hiểu một cách khái quát, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước.

Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, gồm cả mặt tiêu cực và tích cực.Có một số ý kiến cho rằng một trong những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất đó chính là xuất hiện tình trạng xuống cấp trong văn hóa đọc của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thời gian trước, sách là phương tiện tốt nhất để chúng ta có thể tiếp nhận cũng như chuyển tải thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn ở hiện tại, xã hội ngày càng phát triển, mức sống con người ngày càng cao, nhu cầu hưởng thụ cũng gia tăng không ít khiến cho các sản phẩm phương tiện nghe nhìn hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến, đáp ứng đầy đủ mẫu mã chất lượng cho mọi đối tượng người dùng. Kênh nghe và nhìn có sức hấp dẫn hơn nhiều kênh đọc truyền thống là điều không ai có thể chối cãi được.

Việc internet ra đời đã tạo ra cho con người một thiết bị có thể chứa được lượng kiến thức gần như vô tận, một chiếc máy tính chứa được lượng thông tin bằng hàng ngàn, hàng vạn cuốn sách và có thể lưu giữ vĩnh viễn mà không sợ thời gian làm hư hỏng, mối mọt.

Tuy vậy, cùng với cuộc hiện đại, nó cùng đồng thời làm mất đi thói quen đọc sách của mọi người. Một chiếc smartphone vừa có thể nghe nhạc, xem phim, chơi game, đọc báo rõ ràng tối ưu hơn hẳn một cuốn sách cồng kềnh mà lại chỉ có duy nhất một nội dung không thay đổi. Người ta thường chỉ đọc sách vào thời gian rảnh, trong không gian yên tĩnh với sức tập trung cao độ. Điều này trở nên khó có thể thực hiện trong nhịp sống vội vã của xã hội hiện nay.

Thêm vào đấy, có thể thấy số lượng sách báo đang ngày càng gia tăng về số lượng, mẫu mã nhưng lại suy giảm rõ rệt về chất lượng.

Ngày nay, giới trẻ ít nhắc đến hay biết về những tác phẩm kinh điển hơn. Thay vào đấy, những cuốn truyện tranh với nội dung đơn giản và tiểu thuyết tình yêu thường được ưa chuộng hơn.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là giới trẻ đã lãng quên hoàn toàn những cuốn sách có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.Có thể thấy rằng một lượng lớn người có mặt trong Hội sách ở Công viên Thống Nhất tháng 4 vừa rồi ở Hà Nội là những học sinh, sinh viên trẻ tuổi.

Ngoài việc sắm cho mình những cuốn sách phù hợp với độ tuổi, cũng có rất nhiều bạn chọn mua cho mình những cuốn sách vàng như “Bố già”, “Cuốn theo chiều gió”, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”....

Có thể nói, không quan trọng chúng ta đọc gì, mà quan trọng là sau khi đọc, chúng ta đọng lại được những gì. Sách ngoài việc cung cấp kiến thức còn một chức năng khác, đó là giải trí. Thiết nghĩ những người trẻ lựa chọn sách hợp với tuổi tác là điều vốn dễ hiểu chứ không thể vì thế mà đánh giá rằng văn hóa đọc của họ đang trở nên “xuống cấp trầm trọng”.

Sở dĩ xuất hiện hiện tượng này ngoài do sự thiếu định hướng trong việc đọc của giới trẻ, ngoài ra chủ yếu là do vấn đề kiểm duyệt in ấn sách còn chưa hoàn toàn chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, chạy theo thị trường.

Để khắc phục những điều này, trước tiên cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục văn hóa đọc sách trong nhà trường. Không ở đâu xa, những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa vốn đã có những điểm khác so với suy nghĩ của người trẻ cần được chú trọng vào phương pháp giảng dạy để bài giảng trở nên lôi cuốn hơn, không còn máy móc khô khan dẫn đến tình trạng học đối phó, học để thi của học sinh.

Không chỉ ở nhà trường, việc giáo dục về việc đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Người lớn cần khuyến khích và định hướng con trẻ  từ khi còn nhỏ để có thể tạo cho con một nền tảng đúng đắn, giáo dục cho con lòng đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc.

Chúng ta cần phải cố gắng hình thành thói quen đọc, lấy phương tiện nghe nhìn để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, và khơi dậy niềm say mê đọc sách giúp cho họ hiểu được lợi ích của việc đọc sách.

Trong thời kỳ đất nước mở rộng giao lưu quốc tế, cần phải giữ vững tinh thần dân tộc và những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước con người Việt Nam. Trong giao lưu và tiếp thu văn hoá phải ngăn lại sự xâm nhập ồ ạt của những thứ văn hóa độc hại không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, xiết chặt kiểm duyệt với những chế tài xử phạt nghiêm khắc để “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Với bản thân mỗi người, văn hóa đọc chính là kĩ năng đọc sách của họ. Để nâng cao kĩ năng của mình, chúng ta cần lựa chọn đề tài sách phù hợp với bản thân, định hướng tài liệu cần tham khảo từ đó vận dụng được những gì mình đã đọc vào trong thực tế.

Hi vọng với việc ngày càng có nhiều những hội sách được tổ chức mỗi năm như hiện nay, giới trẻ sẽ được tạo cơ hội tiếp cận nhiều hơn với kho tàng sách quý của trong nước cũng như trên thế giới, qua đó nâng cao và định hướng được đúng đắn “văn hóa đọc”  cho giới trẻ nói riêng và cho người dân trong nước nói chung.

Trần Hồng Hạnh
.
.
.