Làm thế nào để Nhà hát Lớn Hà Nội hấp dẫn khách du lịch?

Chủ Nhật, 07/05/2017, 08:27
Theo dự kiến, từ tháng 6-2017, Nhà hát Lớn Hà Nội (Nhà hát Lớn) sẽ mở cửa đón khách du lịch phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện chủ trương khai thác Nhà hát Lớn làm nơi biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng của Bộ VH,TT&DL, bảo tồn nghệ thuật truyền thống và xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đưa vào biểu diễn thường xuyên tại “thánh đường nghệ thuật” này.

Trước thông tin này, các doanh nghiệp lữ hành đều hoan nghênh chủ trương đưa Nhà hát Lớn trở thành một điểm tham quan phục vụ khách du lịch bởi nhà hát là một điểm tham quan tiềm năng với các du khách trong nước và khách du lịch châu Á nhờ dấu ấn về kiến trúc mô phỏng kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với kiểu lâu đài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris và giá trị lịch sử là nơi diễn ra buổi mít tinh của Tổng hội viên chức và ngay sau đó đã biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh... 

Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa đón du khách kỳ vọng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn.

“Đây sẽ là điểm đến hút khách và hấp dẫn, nhưng cần có sự sắp xếp hướng dẫn tham quan để du khách hiểu thông tin, đặc biệt phải giữ được nguyên vẹn nét cổ kính của nhà hát trăm tuổi. Với các đơn vị lữ hành việc mở cửa phải có lịch theo định kỳ và không thay đổi để các công ty du lịch đưa vào sản phẩm dành cho du khách khi đến với Hà Nội”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Saigontourist cho biết.

Theo ghi nhận của các đơn vị lữ hành thì trên thế giới có rất nhiều chương trình tour đã đưa các nhà hát, bảo tàng nổi bật vào làm điểm tham quan hấp dẫn du khách. Hầu hết những điểm tham quan này đều có quy mô lớn, được đặc trưng kiến trúc và chứa đựng nhiều tác phẩm trưng bày có giá trị hoặc là nơi biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng thế giới. 

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, Nhà hát Lớn hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ cao nhằm mang lại trải nghiệm tìm hiểu tham quan hấp dẫn hơn cho du khách như dùng phim tư liệu 3D tái hiện lịch sử, kính thực tế ảo tham quan nhà hát nhìn từ trên cao, nắm tay diễn viên hoặc đại sứ du lịch...  thay vì chỉ đơn thuần đi tham quan như bình thường.

"Chúng ta cần tạo nét đặc sắc riêng cho điểm đến. Hơn nữa, điều này cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch với các nước trong khu vực", ông Lê Công Năng nói.

Ông Nguyễn Công Hoan- Phó Tổng giám đốc Hanoiredtour cho rằng, ý tưởng mở cửa đón khách du lịch vào thăm Nhà hát Lớn kết hợp với các chương trình show diễn là một ý tướng mới rất hay giúp du khách vừa có thể tham quan các công trình kiến trúc vừa thưởng thức được những show diễn đặc sắc. 

Quan trọng là chương trình như thế nào để thành công, thu hút được nhiều khách vào thăm. Nếu chỉ trông vào kiến trúc, lịch sử ra đời và phát triển hay các cơ sở vật chất thì Nhà hát Lớn không có gì quá đặc biệt so với các bảo tàng ở Hà Nội và tất nhiên đó không phải là lợi thế cho Nhà hát Lớn.

Về chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ khách du lịch, hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, nhà hát nên chọn những gì tinh túy nhất, đại diện cho Hà Nội, chẳng hạn như ca trù, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể để biểu diễn phục vụ du khách. Có thể ca trù mang tính hàn lâm nhưng nó xứng tầm với Nhà hát Lớn. 

Trong khi đó, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị & Truyền thông Công ty Fiditour cho rằng, để các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách đạt được hiệu quả, sản phẩm nghệ thuật cần ngắn gọn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời vừa có tính giải trí, nhẹ nhàng, để giúp du khách có những giây phút vui vẻ, thư giãn khi lưu lại Thủ đô.

Theo nhận định của các đơn vị lữ hành, việc mở cửa đón khách du lịch vào Nhà hát Lớn là rất tốt tuy nhiên hiện tại để đánh giá tiềm năng thu hút khách vào điểm đến Nhà Hát Lớn là không hề dễ dàng vì chưa biết chương trình cụ thể vào thăm bên trong như thế nào, những phần nào sẽ được giới thiệu, những phần nào không.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, để sản phẩm du lịch mới này được triển khai thành công, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Nhà hát Lớn trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên, giới thiệu những nét kiến trúc đặc sắc, đáng tự hào của nhà hát đến du khách. Tổng cục cũng sẽ giới thiệu đến các công ty lữ hành, khách sạn về sản phẩm du lịch này đồng thời sản xuất ấn phẩm, vật phẩm, tờ rơi để giới thiệu rộng rãi chương trình đến các công ty lữ hành. 

Bên cạnh đó, tổ chức hội thảo mời các đơn vị lữ hành đến trải nghiệm, góp ý cho tour sao cho chương trình vừa giới thiệu được văn hóa Việt Nam nhưng cũng phù hợp với nhu cầu của du khách.

Việc Nhà hát Lớn mở cửa cho du khách sẽ tạo thêm cơ hội tốt cho ngành Du lịch, nhất là trong thời điểm ngành này đang bị cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Nhà hát Lớn, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các công ty lữ hành, đặc biệt là phải có một cách làm bài bản, chuyên nghiệp và cả sự đầu tư có tính chất dài hạn.

Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội và Tổng cục Du lịch đã kết hợp xây dựng chương trình nghệ thuật đưa vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn, đưa Nhà hát thành một điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Dự kiến, sẽ có hai chương trình dành cho du khách đến tham quan Nhà hát Lớn gồm: Tham quan nhà hát; tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật.

Ở chương trình tham quan nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật, du khách sẽ được trải nghiệm lô VIP, được tiếp đón trong phòng Gương, thưởng thức trà, được giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, tham quan không gian trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật gắn với nhà hát cũng như các sự kiện diễn ra tại đây… Sau đó, du khách sẽ xuống tầng 1 xem biểu diễn nghệ thuật.

Nếu không có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, du khách có thể chọn sản phẩm tham quan nhà hát. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu kiến trúc, lịch sử nhà hát.

Lưu Hiệp
.
.
.