Hàng loạt họa sĩ nổi tiếng bức xúc vì tranh bị làm giả

Thứ Sáu, 16/03/2018, 17:36

Bức xúc trước vấn nạn tranh giả, tranh nhái, ngày 16-3, một loạt các họa sĩ nổi tiếng từ nhiều vùng miền trên cả nước đã mời các nhà văn hóa, nghiên cứu, luật gia…  cùng lên tiếng nhằm vận động minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam. Từ đây, nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc ăn cắp bản quyền bắt đầu rục rịch được triển khai.





Nổi tiếng là tranh bị làm giả?!

Họa sĩ Đặng Tiến đến từ Hải Phòng cho biết, vấn nạn chép tranh, nhái tranh ở Việt Nam đã diễn ra từ lâu nhưng hiện nay diễn ra ngang nhiên, trắng trợn. Anh phát hiện tranh của mình bị làm giả từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Cơ sở làm tranh ghép lấy tác phẩm của anh sản xuất, hồn nhiên giới thiệu trên truyền hình. Có triển lãm, tác phẩm vừa trưng bày, bạn bè đã báo là bị chép, bày bán ở Hà Nội. 

Họa sĩ Đặng Tiến tố tranh của anh bị ăn cắp bản quyền rồi rao bán trên mạng

Mới đây nhất, nhà phê bình Hoàng Anh, Tổng biên tập tạp chí Mỹ Thuật tìm tư liệu viết bài, thấy tranh của anh giới thiệu trên 1 trang web, thắc mắc vì sao bán tranh phá giá thị trường? Lúc ấy anh mới biết một số tác phẩm của mình vẫn được giữ tại nhà hoặc  1 số nhà sưu tập đã mua bị làm giả, ngang nhiên chào bán trên mạng. 

Anh liên lạc theo số điện thoại trên facebook thì tổng đài báo số này không có thực. Anh gửi email. 1 họa sĩ cũng ở Hải Phòng nhắn tin xin lỗi rồi gắn nội dung này trên trang web. Sau đó, nhiều họa sĩ vào xem thì phát hiện tranh nhái tác phẩm của họ cũng đang được rao bán công khai tại đây.

Cũng theo họa sĩ Đặng Tiến, xưa nay, các họa sĩ bị làm tranh giả một cách công khai có bức xúc nhưng chỉ nói cho hả giận!. Đây là lần đầu tiên các họa sĩ cùng tập hợp nhau lại để tìm tiếng nói, giải pháp chung, làm thế nào để bảo vệ mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ, ông đã rất chán nản vì vấn nạn tranh giả tranh nhái. Nhất là sau vụ tranh giả trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2017. Khi phát giác tranh trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” không phải là tranh gốc, ông và nhiều họa sĩ rất tích cực đấu tranh, không ngại tự bỏ công sức, tiền của đấu tranh vì hy vọng vật chứng còn đấy, nhân chứng còn đấy thì sẽ xử lý được. Nhưng đến nay, mọi nỗ lực đều không có kết quả. 

Cũng theo họa sĩ, tranh giải tranh nhái khiến hình ảnh về thị trường Mỹ thuật Việt Nam trở nên xấu xí trong con mắt của người thưởng lãm nghệ thuật trong và ngoài nước. Đây là mới là sự trả giá đắt nhất, khiến người làm nghệ thuật, yêu nghệ thuật đau xót.

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ rằng ông đã quá mệt mỏi vì tranh giả, tranh nhái

Họa sĩ Phạm An Hải cũng cho biết, anh từng phanh phui rất nhiều vụ giả tranh, nhái tranh của mình. Có vụ, báo chí lên tiếng nhưng từ chủ cơ sở sản xuất đến họa sĩ nhái tranh của anh chưa hề lên tiếng xin lỗi. Nhiều lần, tranh của anh vừa đưa ra giới thiệu đã bị đồng nghiệp nhái đến 80% rồi ký tên của họ. 

Tình trạng này khiến nhà sưu tập nghi ngại khi đầu tư vì họ không biết đây có phải là tác phẩm họa sĩ vừa mới vẽ không hay lại chép của ai đó? Bản thân các nhà sưu tầm của Việt Nam chưa có quá trình sưu tập lâu dài, chưa tìm hiểu cặn kẽ quá trình hoạt động của họa sĩ, không hiểu xu hướng sáng tác của từng họa sĩ đến đâu, có diễn biến như thế nào, khi gặp hiện tượng này thì càng hoang mang.

Cần tập hợp để đấu tranh bảo vệ bản quyền tác phẩm hội họa

Hy vọng việc tập hợp các họa sĩ lại cùng đấu tranh sẽ có hiệu quả hơn là chia sẻ của tất cả các họa sĩ tham gia buổi gặp gỡ. Rất nhiều giải pháp cũng được các họa sĩ, nhà nghiên cứu đề cập. Trong đó, phần nhiều các họa sĩ đều cho rằng, họ chỉ chăm lo về mặt chuyên môn, chưa trang bị kiến thức về mặt pháp lý. Khi phát hiện tranh bị làm giả thường chỉ nói cho hả giận. Một phần vì mất niềm tin, một phần vì thủ tục quá nhiêu khê. Thông qua cuộc gặp gỡ này, tất cả đều mong muốn, k hi mọi người cùng ngồi lại thảo luận sẽ tìm ra phương án để minh bạch thị trường mỹ thuật.  

Họa sĩ Thành Chương bên bức tranh "Trừu tượng" của ông nhưng bị mạo danh, đề tên danh họa Tạ Tỵ.  Ảnh: vne

Nhiều họa sĩ đều bày tỏ mong muốn, các cơ quan chức năng sẽ tích cực bảo vệ bản quyền tranh Việt hơn. Về phía các họa sĩ cũng sẽ có tổ chức bảo vệ quyền lợi của các tác giả mà trong đó Hội Mỹ thuật Việt Nam sẽ đứng ra chủ trì, bảo vệ quyền lợi của hội viên nếu có tranh chấp… Việc chép tranh cũng cần được kiểm soát, tuân thủ theo nguyên tắc quốc tế, tức là không chép đúng khuôn khổ chính xác của bản gốc, không được ký tên của tác giả…

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thì cho rằng, tranh giả, tranh nhái không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở các nước. Nhưng nếu ở nước ngoài, tranh giả chiếm 5% thì ở Việt Nam có thể lên đến trên 50%. Chống lại vấn nạn này, các họa sĩ không nên thụ động trông chờ vào cơ quan quản lý nhà nước. 

Luật sư Đinh Anh Tuấn: "Các họa sĩ nên thành lập tổ chức bảo vệ quyền tác giả như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). 

Hiện nay, bảo vệ bản quyền đã có Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngày 4-4, Nghị định 22  chính thức có hiệu lực. Đây là nghị định quan trọng, quy định rất chặt ché về các hành vi vi phạm… Vì vậy, việc xử lý vi phạm bản quyền sẽ rõ ràng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều đầu tiên vẫn phải là sự chủ động bảo vệ tác phẩm của chính họa sĩ. Nếu không am hiểu pháp luật, các họa sĩ có thể ủy quyền cho người có chuyên môn, tương tự như cách hoạt động của VCPMC và các nhạc sĩ…

Hoa Nguyễn
.
.
.