Hai mươi năm dấu ấn di sản Mỹ Sơn
Trải qua hơn 1.400 năm hình thành, thế nhưng có thời gian khu đền tháp Mỹ Sơn bị chìm trong lãng quên hàng thế kỷ, mãi đến năm 1885 mới được phát hiện và bắt đầu các cuộc phát quang, quan tâm của các nhà nghiên cứu sau đó.
Sự phát hiện này đã tạo những bước khởi đầu cho chặng đường hồi sinh mạnh mẽ sau này, nhất là từ sau khi khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Danh hiệu di sản văn hóa thế giới đã mang đến nhiều cơ hội cho Mỹ Sơn, nhất là thu hút được các nguồn lực trong và ngoài nước vào công tác bảo tồn di sản.
Khách du lịch tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn ngày một tăng cao. |
Theo ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới bởi những giá trị nổi bật toàn cầu đại diện văn hóa của nhân loại. Việc tổ chức quản lý, bảo tồn giá trị di sản này đều phải diễn ra theo đúng thông lệ bảo tồn quốc tế, cụ thể là Công ước bảo tồn, Hiến chương Liên hiệp quốc và luật định Việt Nam.
Trong 20 năm qua, nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản được triển khai đạt được những kết quả hết sức tích cực, có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống kiến trúc nghệ thuật đặc biệt tại đây, giúp di tích bước qua thời kỳ đổ nát sang thời kỳ ổn định và phát triển bền vững. Trong các hoạt động diễn ra ở Mỹ Sơn tiêu biểu nhất là công tác hợp tác quốc tế trong trùng tu di tích.
Trong 20 năm, khu di sản Mỹ Sơn đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước, như: Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Tổ chức Jica (Nhật Bản), Lerici Fondation (Italia), Trường Đại học Milan, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Viện ASI (Ấn Độ)…, các cơ quan liên quan của Trung ương như Viện Trùng tu di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di tích danh thắng Quảng Nam… thực hiện nhiều dự án trùng tu, tu bổ di tích, các nhóm tháp đã từng bước được bảo tồn thành công.
Nổi bật là dự án trùng tu nhóm tháp G kéo dài trong 10 năm (2003-2013) với tổng kinh phí hơn 1,3 triệu USD đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G.
Ngoài ra còn có các dự án như dự án khai quật khơi thông dòng suối Khe Thẻ, dự án nâng cấp khu vực cảnh quan di tích Mỹ Sơn, dự án Ấn Độ trùng tu nhóm tháp K, H, A, dự án Dịch thuật văn bia Chăm, các dự án với tổ chức ILO xây dựng làng du lịch cộng đồng Homestay Mỹ Sơn (hoàn thành 2013)…
“Cho đến hôm nay, chúng ta có thể khẳng định đây là thành công lớn nhất trên lĩnh vực đối ngoại văn hóa mà tỉnh Quảng Nam đạt được dành cho Mỹ Sơn. Nhà nước và các tổ chức quốc tế, cũng như từng cá nhân và bạn bè trong và ngoài nước đều dành cho Mỹ Sơn những tình cảm tốt đẹp. Từ hỗ trợ kinh phí bảo tồn, cử chuyên gia đến trùng tu, đến công tác nghiên cứu khoa học, phát huy giá trị di sản… Rất nhiều những chương trình, kế hoạch, dự án trên lĩnh vực bảo tồn, trùng tu, nghiên cứu khoa học được triển khai trong thời gian qua đạt được những thành công vượt bật. Chính những thành công này đã góp phần để di tích phát triển bền vững”, ông Hộ nói.
Song song với những thành công về công tác trùng tu, trong những năm trở lại đây, không gian di sản cũng đều được quy hoạch, hệ thống hạ tầng được đầu tư, sản phẩm du lịch được tăng cường, nâng cao chất lượng…
Các dịch vụ như trải nghiệm di sản bằng xe điện, xem biểu diễn văn nghệ tại không gian dưới chân đền tháp, chụp hình qua vé tham quan làm lưu niệm, xem bảo tàng Mỹ Sơn, tái hiện dệt thổ cẩm Chăm, đưa vào khai thác các gian bán hàng lưu niệm với sự đa dạng các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm Chăm và địa phương… cũng đưa vào hoạt động. Từ đó lượng khách tham quan cũng ngày càng tăng lên.
Từ lượng khách từ 20 năm trước chỉ vài trăm lượt, đến nay số lượng khách đạt được trên 400 nghìn lượt (năm 2018 là 380 nghìn lượt, 6 tháng đầu năm đạt 230 nghìn lượt, dự báo năm 2019 là trên 400 nghìn, trong các năm trở lại đây tăng trung bình trên 10%).
Ông Hộ cho biết, lượng khách đạt được luôn vượt chỉ tiêu hằng năm so với mức đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo đời sống và thu nhập ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản. Ngoài ra, Ban Quản lý hằng năm đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thực hiện công tác an sinh, xóa đói giảm nghèo tại địa phương...
Cùng với di tích, việc bảo vệ diện tích rừng xung quanh đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực rất lớn. Ngoài vấn đề về bảo tồn, công tác phát huy cũng gặp những bất lợi do di tích nằm trong địa bàn xa dân cư, việc phát triển các loại hình du lịch gắn với cộng đồng gặp khó khăn, yếu tố cảnh quan, không gian di sản cũng đòi hỏi sự thận trọng trong việc chọn lựa sản phẩm du lịch phù hợp. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây bất lợi đến tâm lý du khách, đặc biệt trong những tháng cao điểm nắng nóng trong năm và lũ lụt mùa mưa, bão.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ dịch chuyển không gian biểu diễn văn nghệ khỏi vùng lõi di tích kết hợp với việc nâng cao chất lượng thương hiệu múa Chăm, đầu tư đưa xây dựng các sản phẩm mới như múa rối, trình diễn nhạc cụ dân tộc Chăm, ra đời sản phẩm dịch thuật văn bia Chăm… vào phục vụ du khách.
Thực hiện tăng cường quảng bá trên các tuyến đường, trên Internet, làm việc với đối tác về áp dụng công nghệ 3D trong bảo tồn và thu hút khách…
Ngoài ra, lĩnh vực du lịch cộng đồng cũng được Ban quan tâm chăm lo bằng việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương như chè vối, chè lá dung, chuối hột.. đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu dầu chổi Mỹ Sơn và bao tiêu sản phẩm để người dân tham gia làm du lịch, góp phần bảo vệ di sản”, ông Hộ bày tỏ.