"Gia đình văn hóa" và những giá trị thực

Thứ Tư, 16/12/2015, 22:08
Một tờ báo uy tín nọ giật tít: "Gần 19 triệu gia đình văn hoá, vẫn lo về văn hoá". Phải chăng tờ báo này có cái nhìn bi quan quá đà, không phản ánh đúng cái thực chất văn hoá và trình độ văn hoá của người Việt.

Cả nước ta hiện nay có 22 triệu gia đình trong đó có 19 triệu gia đình đạt chuẩn "Gia đình văn hoá", đạt tỉ lệ 85, 03 %. Theo số liệu này, chứng tỏ số lượng gia đình văn hoá của ta đã tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế mà mới đây, một tờ báo uy tín nọ giật tít: "Gần 19 triệu gia đình văn hoá, vẫn lo về văn hoá". Phải chăng tờ báo này có cái nhìn bi quan quá đà, không phản ánh đúng cái thực chất văn hoá và trình độ văn hoá của người Việt.

Văn hoá là cái gì? Khó để trả lời câu hỏi mang tính kinh điển này, bởi Đông Tây kim cổ xưa nay có tới hơn 300 cái định nghĩa khác nhau, và định nghĩa nào nghe cũng rất có lý. Vấn đề đặt ra là: phải chăng cũng có thể đưa ra tới hơn 300 cái định nghĩa về "Gia đình văn hoá" khác nhau? Nếu thế, chưa biết chừng một kẻ cực đoan nào đó sẽ định nghĩa thế này: "Gia đình văn hoá là một khái niệm không tin được!". Giả dụ có một định nghĩa như thế thì bạn nghĩ sao? Đồng tình hay phản đối?

Những chiếc biển được gắn một cách phản cảm trước cửa nhà một số hộ dân.

Hôm qua mở báo thấy bảo con đường này đội vốn tới vài chục triệu USD, sáng nay mở báo lại thấy vụ một tay giàu sụ nọ xây hẳn một cái "biệt phủ" rộng 1.411 mét vuông trên đỉnh đèo Hải Vân, trong một khu vực được quy hoạch là "rừng đặc dụng", và ngày mai mở báo sẽ lại thấy vụ một tổ chức xã hội từ thiện kia dám ăn chặn của ngay cả những...bệnh nhân tâm thần. Trời ạ, ăn chặn của người nghèo đói bình thường, trong những phong trào quyên góp, từ thiện bình thường đã là vô nhân, vậy thì ăn chặn của ngay cả những người tâm thần - những người không còn khả năng suy nghĩ và hành động như một thực thể sống bình thường có lẽ phải gọi là đại vô nhân, là táng tận lương tâm không để đâu cho hết?

Những chuyện to lớn, đại sự thì như thế, những chuyện đời thường, vụn vặt thì nay ta thấy một nhóm nữ sinh này rút guốc nện đầu nhau, mai lại thấy một nhóm nữ sinh nọ cào cấu, xé áo nhau. Tất cả những cái như thế, từ đại sự đến tiểu sự có thể gọi là gì đây? Là văn hoá hay phản văn hoá? Và tất cả những người tham gia những màn trò phản cảm như thế đang sống trong 85,03 % những gia đình văn hoá, hay chỉ sống trong 2% những gia đình chưa được đánh giá là "chuẩn văn hoá" (chẳng nhẽ lại gọi thẳng là thiếu văn hoá, hay chưa chuẩn văn hóa) còn sót lại?

Trò chuyện với những người đã sống trong cái thời bao cấp nghèo khổ, thiếu thốn ngày xưa, bao giờ cũng nghe được một điệp khúc lặp đi lặp lại: "Thời ấy nghèo khổ, nhưng con người sống tử tế, có tình với nhau". Tò mò hỏi: Thế thời ấy có bao nhiêu "Gia đình văn hoá" nhỉ? Thời ấy nghèo đến mức người ta chỉ lo đến cái ăn cái mặc thôi, chứ chẳng cần nghĩ tới những danh xưng "Gia đình văn hoá" làm gì? Hay là thời ấy dù nghèo, dù đói nhưng người ta vẫn coi sự tồn tại của văn hoá, đặc biệt là văn hoá ứng xử là một lẽ đương nhiên, là cái tất lẽ dĩ ngẫu của đời sống nên chẳng cần nghĩ ra cái danh xưng bóng bẩy, sáng choang ấy làm gì cho mất thời gian?

Lùi lại thời phong kiến, dễ thấy các nhà nước phong kiến xưa nay cũng không đề cập tới khái niệm "Gia đình văn hoá", nhưng "con người văn hoá" thì có, và những "con người văn hoá" một khi đã được xác tín, tôn vinh thì luôn nhận được sự tôn trọng tuyệt đối của bàn dân thiên hạ. Tấm bảng "Tiết hạnh khả phong" mà triều đình phong kiến phong tặng cho những người phụ nữ chung thuỷ, thủ tiết thờ chồng chính là sự tôn vinh hình tượng con người văn hoá ấy.

Wikipedia viết về lễ gia phong danh hiệu cao quý một thủa này: "Lễ rước biển có trống đánh và kèn thổi, đám rước sẽ dừng lại trước nhà thờ họ chồng để tiết phụ lễ bái tổ tiên nhà chồng, sau đó đám rước có thêm nhiều đám tháp tùng và cùng tiến về nhà thờ họ. Trên đường đám rước đi qua, ở đầu mỗi làng đều có thiết lập hương án cung kính đón chào, khắc ghi cho đông đảo người xem một ấn tượng khó phai mờ về sự tôn vinh mà xã hội dành riêng cho tiết hạnh của người quả phụ. Bản thân người tiết phụ được người dân tôn kính, còn gia tộc 2 bên nội ngoại đều vô cùng tự hào vì đã làm rạng rỡ Gia phong tổ tiên. Tấm biển sẽ lưu lại nhà thờ họ, để gia tộc người tiết phụ lấy đó làm tấm gương răn dạy cháu con".

Bao giờ thì tấm biển "Gia đình văn hoá" của chúng ta bây giờ cũng được nhìn nhận với đầy sự tin tưởng và trân quý như tấm biển "Tiết hạnh khả phong" thời phong kiến? Bao giờ thì "gần 19 triệu gia đình văn hoá", chiếm tới hơn 80% gia đình, 80% dân số Việt Nam mới khiến những trí thức Việt Nam (là những trí thức thực có văn hoá thực sự, chứ không phải trí thức giả nhan nhản ngoài đường) mới thực sự hết lo ngại về tình trạng văn hoá nước nhà?

Thật hoang mang với sự tồn tại của "gần 19 triệu gia đình văn hoá" trong một khí quyển văn hoá như bây giờ!

Phan Đăng
.
.
.