GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: Một đời bền bỉ với nghệ thuật múa dân tộc

Chủ Nhật, 12/03/2017, 10:18
Năm 2014, ở tuổi 81, NSND Lê Ngọc Canh lập kỷ lục khi trở thành giáo sư đầu tiên của nghệ thuật múa Việt Nam. Đầu năm 2017, ông vinh dự là một trong số các văn nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.


Ngôi nhà riêng nằm sâu trong ngõ nhỏ đường Láng Hạ, Hà Nội của Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân (GS.TS.NSND) Lê Ngọc Canh mang đến cảm giác bình yên và ấm áp lạ. Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông thật giản dị, ngăn nắp. NSND Lê Ngọc Canh cho biết, sức khỏe ông không được như xưa nên tốc độ làm việc cũng hạn chế. Cuộc đời như bóng chim qua thềm, thoáng đấy đã gần 85 năm. Chiếm 70 trong số 85 năm ấy, ông gắn bó với nghệ thuật múa.

Lục lại ký ức, NSND Lê Ngọc Cảnh cho biết, ông tham gia cách mạng từ năm 1946. 13 tuổi, ông vào Đội thiếu sinh quân quyết tử của Thủ đô, từng tham gia chiến đấu trong 60 ngày đêm tại Liên khu 1 Hà Nội. Cậu thiếu niên của gia đình nghèo trong làng Đa Sỹ, Kiến Hưng (Hà Đông) ngày ấy không thể ngờ, nhờ quân đội mà mình “bén duyên” với nghệ thuật múa.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh bên một phần “gia tài” của ông trong phòng làm việc tại gia.

Không bằng lòng với trình độ còn hạn hẹp của bản thân, vào quân đội, ông vừa công tác, vừa tranh thủ học văn hóa. Liên tiếp tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành văn học, Đại học Ngoại ngữ chuyên tu tiếng Nga, tiếng Bulgari, nghệ sĩ múa Lê Ngọc Canh trở thành một trong số nghệ sĩ múa hiếm hoi được chọn sang Bulgari để đào tạo tiến sĩ nghệ thuật học. 

4 năm miệt mài ở xứ người, vượt qua nỗi nhớ quê hương, những chuỗi ngày nhìn trời mênh mang tuyết trắng thương vợ, thương đứa con đầu lòng vắng cha khi mới 3 ngày tuổi, năm 1973, nghệ sĩ Lê Ngọc Canh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trở về nước, ông cứ nhớ mãi lời thầy hướng dẫn: Phát triển nghệ thuật múa phải bằng 2 chân, cả lý luận và thực tiễn, nếu không sẽ giống như người bị cà thọt, khó đi được xa…

Ghi nhớ lời thầy, về nước, ông vừa tham gia biểu diễn, vừa tranh thủ nghiên cứu, sáng tác. NSND Lê Ngọc Canh cho biết, con đường ông lựa chọn là biểu diễn – sáng tác – biên đạo – nghiên cứu không dễ đi. Nghệ sĩ múa vốn thiệt thòi, khoảng thời gian học thì dài, khoảng thời gian đứng trên sân khấu thì ngắn, khó làm giàu. Nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật múa lại càng không phải lĩnh vực giúp người theo đuổi nó phát triển kinh tế. Nhưng, ông may mắn có đồng lương ổn định và người vợ tần tảo chăm lo gia đình nên tập trung công tác, có điều kiện theo đuổi đam mê.

NSND chia sẻ rằng, ông đi nhiều, đi vì đam mê, vì yêu thích nên không cảm thấy mệt mỏi mà còn vui, thấy mình “được” rất nhiều. Càng đi, ông càng thấy kho tàng nghệ thuật múa dân gian, dân tộc của đất nước mình phong phú và càng thấy kết quả lao động của mình nhỏ bé. Chưa kể, rất nhiều cái “được” khác, là tình cảm mộc mạc, chân thành, là nhiệt huyết, đam mê của các nghệ nhân múa khắp các vùng miền Tổ quốc. Rất nhiều nghệ nhân phải tất tả lo toan công việc, sớm hôm ngoài đồng. Những buổi trao đổi có khi phải diễn ra vào tận tối khuya. Đổi lại, chủ và khách đều vui như tìm được người tri âm tri kỷ.

Những kiến thức thu nạp được, ngoài việc ghi chép làm tư liệu để dành, nghệ sĩ Lê Ngọc Canh luôn nỗ lực chuyển hóa vào tác phẩm. Trong “gia tài” của ông hiện nay có đến 174 tác phẩm múa các thể loại đã được dàn dựng, công diễn. Nhiều tác phẩm mang lại giải thưởng cao cho diễn viên, biên đạo trong nhiều liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp trong nước, quốc tế. 

Với 20 cuốn sách in riêng và 20 đầu sách in chung đã được xuất bản, có lẽ, đến thời điểm này, ông vẫn là nghệ sĩ múa Việt Nam có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa nhất. Trong đó, có không ít công trình đã, đang được giảng dạy trong các trường đào tạo chuyên nghiệp. Một số công trình đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước. 

Năm 2016, NSND Lê Ngọc Canh tiếp tục được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam chọn nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu lý luận múa để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. 

3 cuốn sách “Đại cương nghệ thuật múa”, “Nghệ thuật múa chèo” và “Nghệ thuật múa tộc người Mạ” đều vinh dự đạt giải A của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, được 100% hội đồng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cấp cơ sở, hội đồng chuyên ngành Nhà nước đồng ý và đạt 96,24% tỷ lệ phiếu bầu tại hội đồng cấp Nhà nước. 

Các công trình còn được đánh giá cao bởi đây là những “viên gạch” đầu tiên “góp phần hình thành cơ sở lí luận, văn hóa, khoa học và cơ sở thực tiễn chuyên ngành nghệ thuật múa ở Việt Nam”.

Chia sẻ về những thành quả của một đời cống hiến, đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý, GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh khiêm nhường tự nhận, ông chỉ có khoảng 40% đóng góp trong các thành tựu được ghi nhận. 60% còn lại là công sức của người vợ tảo tần và sự hỗ trợ hết lòng của đồng nghiệp, đặc biệt là các nghệ nhân vẫn đang lưu giữ nghệ thuật múa dân gian, dân tộc trên cả nước. 

Giải thưởng Hồ Chí Minh là vinh dự cho bản thân nghệ sĩ, gia đình nhưng cũng là vinh dự, thành quả chung cho nghệ thuật múa, đặc biệt là lĩnh vực phê bình lý luận nghệ thuật múa. 

Vị Giáo sư già trăn trở, đến thời điểm này, ông vẫn chưa tìm được bạn trẻ nào tâm huyết, kế cận, chịu dấn thân, tiếp nối ông trên con đường mà ông đã dành trọn đời theo đuổi -  nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật múa.


GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh bên một phần “gia tài” của ông trong phòng làm việc tại gia.
Ngọc Nguyễn
.
.
.