Cũ người nhưng vẫn “mới ta”?!
Ý tưởng này của các thành viên trong mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã, đang nhận được nhiều hưởng ứng tích cực của các nhà khoa học, nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch và di sản.
PGS.TS Trương Ngọc Lân, Phó trưởng Khoa Kiến trúc quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, chuyên gia chuyên về lịch sử kiến trúc, một trong số các thành viên tham gia khảo sát các nhà máy cũ của Hà Nội, thuộc mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết: Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện nay, trong những khu vực đắt đỏ của Hà Nội có 92 nhà máy thuộc diện phải di dời đi. Nhóm đã bước đầu thực hiện nhiều đợt khảo sát, thống kê, phân loại, thu thập tư liệu và tư liệu hóa những gì có thể được, sau đó đánh giá, phân tích xem trong 92 nhà máy, cái nào có tiềm năng để bảo tồn…
Hình ảnh công nhân làm việc trong nhà máy dệt Nam Định xưa. |
Nhóm phát hiện, những nhà máy cũ Hà Nội là những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử. Chúng đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Một số nhà máy đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp ở Hà Nội.
Đây còn là những công trình kiến trúc hiện đại nhất và đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc (dựa trên quan điểm mỹ học của Chủ nghĩa Hiện đại) trong thời điểm được xây dựng. Nhiều nhà máy trở thành những dấu ấn về kỹ ức và hình ảnh đô thị ở Hà Nội.
Cụ thể, những nhà máy sau năm 1954 ở khu vực Thượng Đình – nơi vẫn được gọi một cách quen thuộc là “Cao – Xà – Lá”, Hà Nội. Đi kèm theo với các nhà máy tại đây là cả một quá trình đô thị hóa rầm rộ và thay đổi lối sống, ra đời một loạt các hình thức sống như các khu tập thể cơ quan, các tiểu khu nhà ở như là Thanh Xuân.
Nó làm thành một diện mạo đô thị hoàn toàn mới, một dấu ấn như là các dấu chân của thời đại đặt vào đó. Những hình ảnh đấy đã trở thành ký ức của rất nhiều thế hệ. Có những nhà máy như là một di sản khai sinh ra một ngành công nghiệp ở Việt Nam, ở một địa phương. Điển hình là nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ngọc Lâm, Long Biên.
Nhà máy này cùng với nhà máy xe lửa ở Bình Dương được xây dựng cùng lúc với khai sinh ra ngành đường sắt giai đoạn ấy. Đây còn là những công trình kiến trúc đẹp nhất ở trong thời điểm mà nó được xây dựng. Trong khi đó, nhà máy bia Hà Nội là nhà máy Bia đầu tiên ở Hà Nội và thứ 2 ở Việt Nam (đầu tiên là Bia Larue năm 1875 ở Sài Gòn). Nhà máy bia Hà Nội đã thay đổi ẩm thực đường phố Hà Nội hiện đại.
Khu điều hành gồm các biệt thự nhỏ 2-3 tầng trên địa hình dốc nhẹ, cảnh quan đẹp. Khu sản xuất là các công trình xây dựng trong nhiều thời kỳ, nổi bật là 3 biệt thự theo phong cách địa phương Pháp và 3 nhà xưởng xây dựng trước năm 1945.
Theo ông Lê Quang Bình, điều phối viên – thành viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, lâu nay chúng ta quan niệm, cái gì cũ thì phá đi, xây cái gì đó khác to, hoành tráng hơn. Nhưng các nhà máy cũ có vai trò lịch sử, vai trò di sản, vai trò kể chuyện về một thời của thành phố. Riêng tại Hà Nội, nhóm đã khảo sát 92 nhà máy được cho là sẽ di dời, trong đó có khoảng 10 nhà máy có những giá trị cần phải xem xét bảo tồn, phát huy như các di sản văn hóa công nghiệp.
Về vấn đề này, PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho hay: Di sản công nghiệp là những gì còn sót lại của là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” (như các giá trị lịch sử, công nghệ, xã hội, kiến trúc hay khoa học..., và những giá trị khác). Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự thông thái được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.
Di sản công nghiệp có giá trị lịch sử, là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp, đã và đang tiếp tục để lại những hệ quả sâu sắc đến ngày nay. Về mặt xã hội, di sản công nghiệp phản ánh (một phần) bức tranh cuộc sống của những người công nhân bình thường ở một nơi, và như vậy, nó tăng khả năng nhận diện những “đặc trưng của địa phương”.
Ngoài ra, di sản công nghiệp còn có giá trị về công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, kỹ thuật, xây dựng; giá trị thẩm mỹ của các công trình công nghiệp… Trên thế giới đã có rất nhiều nhà máy cũ – di sản công nghiệp được bảo tồn theo hướng tái sử dụng thích nghi, từ đó mở ra các hướng khai thác thú vị.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm. Điển hình là Nhà máy Dệt ở Nam Định. Nhà máy được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX bởi người Pháp. Năm 1954, nhà máy được tiếp quản bởi nhà nước và là một cái tên gắn với thành phố Nam Định. 13.000 công nhân viên chức đã từng làm việc trong nhà máy này. Có những thời điểm, 1/4 dân số thành phố Nam Định làm trong Nhà máy Dệt Nam Định.
Nhà máy dệt Nam Định gắn với đời sống, tâm thức của rất nhiều thế hệ người dân Nam Định, đã mang tính biểu tượng khi trên đồng tiền 2.000 của Việt Nam có hình ảnh của nhà máy này. Nhưng tiếc là nhà máy đã bị phá bỏ để thay thế bằng một khu đô thị mới, tạo ra một quỹ đất 24ha, một số biệt thự và phân lô theo một phong cách rất mới nhưng có thể thấy ở rất nhiều nơi tại Việt Nam…
“Chúng ta đã phá đi một di sản gắn với lịch sử hàng trăm năm của thành phố để đổi lấy 24ha một khu đô thị mới… Điều này sẽ rất bình thường nếu chúng ta không quan tâm đến câu chuyện di sản công nghiệp. Nhưng nếu chúng ta biết thế giới người ta đã nhận thức cái này đầy đủ như thế nào thì chúng ta mới cảm thấy xót xa. Khi chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ thì chúng ta không có nhận định kịp thời và chúng ta mất mát những di sản đáng quý”, TS Phạm Thúy Loan cảnh báo.