Cụ bà Cơ tu “truyền lửa” nghề dệt thổ cẩm

Thứ Tư, 27/05/2020, 09:34
Dù đã bước sang tuổi 70, song bà Zơ Rum Rem vẫn rất nhanh nhẹn khi căng sợi vải, hướng dẫn các phụ nữ trong làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu…

Một ngày cuối tháng 5, trong ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng làng Za Ra, xã Tà Bhing, huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam), khi hàng chục phụ nữ Cơ tu của Hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra, đang miệt mài dệt sợi, dệt cườm và định vị hạt cườm, thì bà Zơ Rum Rem lại lo việc căng sợi. Việc căng sợi là công việc đầu tiên của dệt thổ cẩm, có ý nghĩa rất quan trọng, nên chỉ những người sành sỏi với nghề dệt mới có thể làm được. 

Vừa căng sợi, bà Rem vừa chia sẻ với chúng tôi rằng, trước khi biết đến các loại trang phục bằng bông vải, người Cơ tu sử dụng vỏ cây để che thân. Sau này, bông bắt đầu được người Cơ tu sử dụng và được nhuộm tự nhiên để tạo ra các màu sắc truyền thống của người Cơ tu. 
Bà Zơ Rum Rem dạy cách dệt vải cho chị Ria Viết.

Nguồn gốc và lịch sử nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu có từ khi nào, bà Rem cũng không biết rõ, chỉ biết rằng từ nhỏ, bà đã được mẹ cùng các phụ nữ lớn tuổi trong làng truyền dạy nghề dệt rồi. Với kinh nghiệm của mình, bà Rem cho rằng để có sản phẩm dệt đẹp thì phải chọn được sợi vải có màu đậm, bền, các hạt cườm phải đều nhau, không có hạt to, hạt bé. Và quan trọng nhất là sự dụng tâm của người dệt. 

“Người Cơ tu dệt thủ công với bộ dụng cụ truyền thống gồm các thanh tre, nứa riêng lẻ và có thể được bó nhỏ gọn, cất đi khi dệt xong. Chị em vừa dệt vải vừa dệt hoa văn cườm. Cườm được xâu vào sợi chỉ, rồi được định vị chính xác để tạo hoa văn. Mỗi hoa văn đều có 1 ý nghĩa riêng, tượng trưng cho cuộc sống thường nhật, thiên nhiên và văn hóa của người Cơ tu, chẳng hạn như người múa ya ya, thú rừng, lá cây,…”, bà Rem tâm sự.

Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ tu bao gồm khố cho nam; váy, áo, thắt lưng cho nữ, tấm địu trẻ nhỏ. Những sản phẩm này đã tạo nên một phần quan trọng trong văn hóa Cơ tu, là điểm tạo sự khác biệt giữa người Cơ tu với các dân tộc khác ở nước ta. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn nghề dệt truyền thống luôn được người phụ nữ Cơ tu chú trọng. 

Tại làng Za Ra, nhiều phụ nữ trẻ đã tranh thủ thời gian những lúc rảnh rỗi để học cách dệt vải truyền thống của dân tộc mình, trong đó có chị Zơ Rum A Péch (28 tuổi). 

Chị Péch cho biết, chị học nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được hơn 2 năm nay. Được sự giúp đỡ, truyền dạy tận tình của bà Rem và một số phụ nữ lớn tuổi khác trong làng, đến nay chị đã khá thành thạo khi dệt vải cũng như dệt hoa văn hạt cườm. 

Ngồi cạnh chị Péch, chị Ria Viết (32 tuổi) đang mày mò để dệt hạt cườm cho hay, chị mới học nghề dệt truyền thống được khoảng 6 tháng nay. 

“Mình học dệt để giữ gìn nghề truyền thống của người Cơ tu mình. Sau này, khi con mình lớn lên, mình sẽ dạy lại cho con mình. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Cơ tu sẽ nối tiếp nghề dệt thổ cẩm truyền thống, không để bị mai một”, chị Viết nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, một người phụ nữ Cơ tu giỏi nghề dệt thổ cẩm và cũng là Chủ nhiệm HTX dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra, cho biết HTX được thành lập từ năm 2011, với mục đích chính là bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Cơ tu. 

Sau khi có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về phát triển du lịch cộng đồng thì HTX dệt thổ cẩm truyền thống Cơ tu - Za Ra cũng đã đón tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề dệt tại đây. Điều đó cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho các phụ nữ hội viên HTX.

“Đến nay HTX có 28 người tham gia. Trong số đó, bà Rem lớn tuổi nhất, tham gia HTX từ những ngày đầu mới thành lập, được xem là người “truyền lửa” nghề dệt truyền thống ở địa phương. 

Lúc trước chúng tôi chỉ dệt các sản phẩm truyền thống như khố, áo, nhưng vài năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và cũng để bán cho du khách có nhu cầu, tạo nguồn thu nhập cho các phụ nữ tham gia HTX, chúng tôi đã tạo ra gần 30 sản phẩm dệt thủ công truyền thống như ví, ba lô, túi xách, khăn trải bàn… Trong đó sản phẩm túi xách của chúng tôi đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm) 3 sao. 

Ngoài ra, những sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của HTX còn được gửi bán nhiều nơi tại Hà Nội, Đà Nẵng,… và được khách hàng đón nhận. Nhờ đó đã tạo thêm thu nhập mỗi tháng từ 400-500 nghìn đồng cho mỗi người phụ nữ tham gia HTX, góp phần động viên, khích lệ thế hệ trẻ phụ nữ người Cơ tu hăng say hơn với nghề dệt truyền thống của dân tộc mình”, bà Lan cho biết thêm.

Ngọc Thi
.
.
.