Chuẩn bị “cứu” giếng Thiên Quang trong di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
- Tu bổ cấp thiết khu vực giếng Thiên Quang tại Văn Miếu
- Lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Nhật hoàng thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám
Ngày 16-7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, ngay trong tuần này, trung tâm sẽ nộp báo cáo lên Sở Văn hóa - Thể thao, UBND thành phố Hà Nội và Bộ VH-TT&DL. Sau khi phương án tu sửa được duyệt thì sẽ tiến hành ngay các công việc theo kế hoạch.
Trước đó, vào ngày 27-3, tại khu vực giếng Thiên Quang đã xảy ra hiện tượng móng của đoạn tường lan can (dài khoảng 10m) bao quanh hồ, khu vực đối diện với cổng Đại Trung bị trôi ra, làm cho đoạn tường có nguy cơ bị đổ xuống.
Khu vực giếng Thiên Quang trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Hiện tượng này cũng diễn ra tại khu vực đối diện với Khuê Văn Các vào ngày 28-3. Nếu chịu thêm những tác động bất lợi hoặc không được xử lý chống đỡ kịp thời, công trình có thể bị phá hủy. Đặc biệt, nếu thành và móng giếng bị đổ sập thì các hạng mục xung quanh như Khuê Văn Các và hệ thống Văn bia tiến sĩ cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, mới đây, trung tâm đã phối hợp với trung tâm kiểm định xây dựng tiến hành khảo sát, kiểm định đánh giá chất lượng công trình giếng Thiên Quang. Quá trình khảo sát ban đầu cho thấy, hiện tượng trôi móng tường lan can bao quanh giếng được xác định là do cấu tạo móng xây bằng gạch vồ, vữa vôi, không có xi măng cốt thép, để trong nước lâu năm nên bị xuống cấp. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, cộng với nền đất khu vực giếng Thiên Quang rất yếu, nên đã dẫn đến hiện tượng sụt lún trên.
Việc trôi móng tường lan can bao quanh giếng Thiên Quang, nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm cho hệ thống tường lan can bao quanh giếng sụp đổ, gây nguy hiểm cho khách tham quan và ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan của di tích. Mặt khác, trọng lực do quá trình di chuyển của du khách đi qua khu vực giếng Thiên Quang tác động lên bề mặt nền đất yếu cũng khiến mặt nền bị lún sụt.
Quan sát tại giếng Thiên Quang ở thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy các hàng gạch lát trên đường dạo xung quanh giếng nhiều chỗ đã bị lún, nứt mạch. Ông Lê Xuân Kiêu khẳng định, mức độ nghiêm trọng của việc xuống cấp công trình giếng Thiên Quang và các hạng mục liên quan phụ thuộc cơ bản vào thời gian xử lý. Nếu để lâu không xử lý thì ảnh hưởng lớn đến an toàn của chính hạng mục đó. “Quan trọng nhất bây giờ là thời gian. Phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục” – Ông Lê Xuân Kiêu cho biết.
Theo phương án tu sửa cấp thiết do đơn vị tư vấn đề xuất, để công trình bền vững lâu dài, di tích cần được tiến hành cải tạo tổng thể trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững. Cụ thể là giữ nguyên các bộ phận công trình chưa bị hư hỏng, gia cố toàn bộ móng, kè bờ bằng các phương pháp: xây chèn đá hộc vào đế móng; bơm bê tông vào các chỗ rỗng, hở; chắn đất, chống sạt lở chân móng…
Quá trình thi công cần có biện pháp chống đỡ nhằm bảo đảm an toàn cho con người và công trình cũng như cần thường xuyên theo dõi, quan trắc, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm để có biện pháp xử lý. Đây là phương án đã được một số nhà khoa học thảo luận và đóng góp ý kiến dựa trên thẩm định hiện trạng của Trung tâm tư vấn và kiểm định xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội.
Hiện tại, khu vực giếng Thiên Quang đã được che bạt, làm hàng rào quanh công trình, đồng thời tổ chức phân luồng, đặt biển cảnh báo khách tham quan không lại gần khu vực đang xảy ra sự cố. Những giải pháp tình thế này được thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho du khách cũng như hạn chế những tác động có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự tồn tại của di tích.