Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi:

Cấp phép phim phát hành trong rạp, hậu kiểm với phim trên không gian mạng?

Thứ Sáu, 15/01/2021, 08:53
Việc xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi lần này là một trong số những nỗ lực để hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, trong đó có hoạt động phát hành, phổ biến phim, từ đó thúc đẩy điện ảnh phát triển.

Liên quan đến vấn đề cấp phép hay không cấp phép phổ biến phim – câu chuyện vẫn gây tranh cãi nhiều năm trở lại đây và được kỳ vọng sẽ được giải quyết thấu đáo hơn tại Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, hiện tại, vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Ngay cả ý kiến của các thành viên trong Ban soạn thảo dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cũng chưa hẳn hoàn toàn thống nhất.

Với phim phổ biến trên không gian mạng, tại dự thảo Luật Điện ảnh lần 3 được đưa ra mới đây, Ban soạn thảo vẫn đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là phim chỉ được phổ biến khi có giấy phép phổ biến và phân loại phim hoặc đã có quyết định phát sóng, hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh – truyền hình. 

Nhưng phương án này bị nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi. Vì nhiều phim phát hành trên không gian mạng nhưng máy chủ ở nước ngoài, khó kiểm soát được. Số lượng phim cũng rất nhiều, khó cấp phép hết. Hiện tại, các ý kiến đang nghiêng về phương án là sẽ chỉ hậu kiểm đối với phim phát hành trên không gian mạng. 

Tức là không tiến hành cấp phép phim phát hành trên không gian mạng nhưng phim vẫn phải đảm bảo đủ điều kiện như: Có bản quyền hợp pháp, nội dung phim không quy định điều cấm của Luật Điện ảnh, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim… 

Tuy nhiên, ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã thống nhất là phim phát hành trong hệ thống rạp chiếu phim và trên hệ thống truyền hình phải được cấp phép. Tức là sẽ thực hiện tiền kiểm với các phim này. Dù rằng, với tư cách cá nhân, ông Vi Kiến Thành và một số người khác vẫn mong muốn sẽ chỉ hậu kiểm với phim phát hành ngoài hệ thống rạp.

Nhiều phim Việt có sự chuyển biến về chất lượng và doanh thu. Ảnh có tính minh họa.

Cũng theo ông Vi Kiến Thành, hiện nay, nhiều người vẫn lo lắng việc sản xuất phim phần lớn do tư nhân đảm nhận. Phim sản xuất chủ yếu là giải trí, chạy theo thị hiếu của khán giả, phục vụ mục đích doanh thu là chính. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông thì phim cũng là một hàng hóa, dù là hàng hóa đặc thù thì cũng phải chịu sự điều tiết của thị trường, phải thu hút, hấp dẫn được người xem. 

Nhiều nhà sản xuất phim, đặc biệt là các nhà sản xuất phim phía Nam thời gian qua đã rất nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, nhu cầu của khán giả. Trong giai đoạn giao thời, khi các nhà sản xuất làm phim vừa phải lo doanh thu, vừa tìm hướng đi cho mình thì điện ảnh sẽ có nhiều hiện tượng, nhiều vấn đề nảy sinh như phim nhảm, phim nhạt, chất lượng thấp ra rạp. 

Nhưng khi các nhà sản xuất phim đã lớn mạnh, đủ thực lực, nhất định họ sẽ buộc phải đầu tư các phim có dấu ấn, có chất lượng nghệ thuật cao, vừa là để đáp ứng nhu cầu khán giả, vừa là để xây dựng và giữ thương hiệu cho chính họ. 

Sự chuyển biến về chất lượng lẫn doanh thu của nhiều phim Việt hiện nay đã dần khẳng định điều đó. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là hoạt động này sẽ được thả nổi hoàn toàn cho thị trường điều tiết, mà vẫn phải có sự định hướng về mặt chính sách của Nhà nước. 

Việc xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi lần này là một trong số những nỗ lực để hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, trong đó có hoạt động phát hành, phổ biến phim, từ đó thúc đẩy điện ảnh phát triển. 

Nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này đã mở rộng hơn về đối tượng nhập khẩu phim. Theo đó, các đơn vị có chức năng này đều có quyền nhập khẩu phim mà không cần phải có rạp chiếu phim như quy định của Luật Điện ảnh hiện hành.

Về những ý kiến còn băn khoăn quanh sự thiếu cởi mở của Hội đồng thẩm định phim phát hành trong hệ thống rạp, đặc biệt là đối với phim Việt Nam thời gian qua, ông Vi Kiến Thành thừa nhận đúng là có thực tế này. 

Sau sự việc để lọt phim phát hành ngoài rạp có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo của đất nước, khiến một số cá nhân bị kỷ luật, các thành viên của Hội đồng thẩm định làm việc trong tình trạng căng thẳng, lo lắng nên kiểm duyệt càng chặt hơn. 

Dù rằng, với tư cách Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông đã động viên Hội đồng, trừ những nội dung vi phạm về chủ quyền đất nước, tư tưởng chính trị, đi ngược lại chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì phải tuyệt đối cấm, thì nên cởi mở hơn trong thẩm định… 

Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được thay đổi trong thời gian tới, trong nhiệm kỳ tới với Hội đồng thẩm định mới…Riêng về Luật Điện ảnh sửa đổi, theo kế hoạch dự kiến, Ban soạn thảo sẽ phải hoàn thiện, trình Chính phủ vào tháng 10/2021. 

Nếu thuận lợi được thông qua, Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2022. Khi đó, nhiều hạn chế của Luật Điện ảnh cũ, trong đó những bất cập trong các quy định về phát hành phổ biến phim sẽ được khắc phục.

N.Nguyễn
.
.
.