Trò chuyện Chủ nhật

Cần mạnh tay xử lý những lễ hội biến tướng để trục lợi

Chủ Nhật, 15/01/2017, 08:03
Nhân một mùa lễ hội mới sắp đến, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Vương Duy Bảo, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, người đã nhiều năm làm công tác quản lý lễ hội...

Những năm gần đây, nhiều lễ hội đang bị biến tướng, thương mại hóa. Hình ảnh hàng ngàn người cướp đồ lễ tại Lễ hội Khai ấn Đền Trần; hàng ngàn người tranh cướp quả phết ở Hội cướp phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ); hàng trăm thanh niên lao vào tranh cướp hoa tre tại lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn-Hà Nội); nhiều địa phương cố tình “lách luật” để tổ chức chọi trâu dưới tên gọi “thi trâu đẹp trâu khỏe”... là minh chứng cho sự lệch chuẩn văn hóa lễ hội. Làm thế nào để lễ hội mang đúng ý nghĩa là lưu giữ lịch sử, thắt chặt tính cố kết cộng đồng; khơi dậy lòng tự hào; tinh thần yêu nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa, làm cho cuộc sống thêm vui tươi?

Nhân một mùa lễ hội mới sắp đến, phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với ông Vương Duy Bảo, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, người đã nhiều năm làm công tác quản lý lễ hội...       

Ông Vương Duy Bảo.
 - PV: Biến tướng lễ hội để trục lợi luôn là vấn đề nóng trong những năm gần đây. Một ví dụ điển hình là có tới 14 địa phương ở phía Bắc tổ chức lễ hội chọi trâu. Là người nhiều năm làm công tác quản lý lễ hội, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Ông Vương Duy Bảo: Thực tế thì chỉ trong cả nước chỉ có 2 lễ hội chọi trâu là Đồ Sơn (Hải Phòng) và của Hải Lựu, Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Chọi trâu của Đồ Sơn, Hải Phòng còn gọi là đấu ngưu là một tập tục cổ, có từ xa xưa, một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng; diễn ra vào ngày 9-8 Âm lịch hàng năm; đã được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013 của Việt Nam. Đây là một lễ hội với lễ nghi trang trọng, rước kiệu thần, có lọng che, phường bát âm...

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô- Vĩnh Phúc) là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có chủ trương trong những lễ hội ấy không bán vé để thu tiền hoặc thu lợi bất chính từ những nguồn khác. Thực tế cho thấy, tất cả những lễ hội chọi trâu sau này đều là biến tướng.

Theo thống kê thì gần đây có nhiều địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La. Theo quy định, muốn tổ chức lễ hội phải làm hồ sơ báo cáo các tổ chức có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ phải được các nhà khoa học, các nhà quản lý xác nhận đây là lễ hội cổ truyền mới cho tổ chức. Chính quyền địa phương tự phê duyệt vấn đề này là trái quy định.

- Ngoài lễ hội chọi trâu thì còn nhiều lễ hội khác bị biến tướng và thương mại hóa trong những dịp đầu xuân năm mới, tranh cướp nhau lộc, ấn, thi nhau giắt tiền lẻ vào các nơi trang nghiêm, thờ tự các thần, Phật... là một người từng nhiều năm làm công tác quản lý văn hóa, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Rất phản cảm. Ngày xưa, việc đi chùa của người dân xuất phát từ nét văn hóa của cư dân lúa nước. Đến chùa, người dân chỉ mang theo hương, oản hay chỉ đơn giản là những sản vật được sản xuất từ gia đình. Chính vì thế, việc đi chùa mang ý nghĩa về mặt tâm linh hơn là nặng về hình thức như ngày nay. Việc mang vàng mã vào chùa, đốt và rải đầy các ban thờ không xuất phát từ đạo Phật, làm thế là sai. Mang tiền giắt vào tay tượng Phật, rải đầy dưới chân, dưới sàn là sự phỉ báng, hối lộ thánh thần. giắt tiền lẻ, tiền thật vào tay tượng Phật là sự hỗn tạp bây giờ mới có.

Người xưa luôn tâm niệm thần linh là một thế lực thiêng liêng của tầng trên, nên ứng xử với thần linh phải đạt được sự kính trọng và trong sáng chứ không ai ứng xử theo lối mua bán. Nếu như ngày xưa, người dân đi chùa để cầu may mắn, bình an, sức khỏe cho gia đình, thì ngày nay, nhiều người đi chùa để cầu vinh hoa phú quý, cầu làm ăn phát tài, thăng quan tiến chức…


Cần nâng cao ý thức của những người tham gia lễ hội. 

Một vấn đề lớn là các lễ hội ngày nay đã bị biến tướng và thương mại hóa rất nhiều. Lễ hội bây giờ phần lễ thì ít còn phần hội bày ra rất nhiều trò, mục đích chính để kiếm tiền. Nhiều người đua nhau đi lễ hội, chẳng hiểu nó là lễ hội gì cũng cứ đến. Người ta theo cái phong trào, chen chúc giẫm đạp lên nhau để vào.

Chính vì thế Bộ VH-TT&DL đã từng có văn bản chấn chỉnh lại các lễ hội, yêu cầu các nơi tổ chức làm phải có ban tổ chức, phải có đủ thành phần để xét duyệt, có phương án tổ chức trình các cấp thẩm quyền nhưng nhiều nơi làm chưa tốt; chính quyền địa phương không nghiêm túc thực hiện vấn đề này. Chính vì vậy, ở nhiều nơi, người ta đến không được xem những  đặc sắc của văn hóa lễ hội mà có chỉ thấy bày ra những trò chơi biến tướng như đá gà ăn tiền... Cái sai của ban tổ chức là như vậy, rất cần các cấp thẩm quyền nghiêm túc chấn chỉnh.

- Vậy, theo ông, làm thế nào để có thể Lễ hội trở về đúng mục đích?

- Theo tôi, để lễ hội trở về đúng ý nghĩa, cần sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước và sự thay đổi ý thức từ mỗi người dân.

Với cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại; dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực. Nên có thiết chế mạnh đối với các cấp ủy, chính quyền nơi tổ chức lễ hội ngoài mục đích lễ và hội. Cần thực sự có những tuyên truyền để người dân hiểu đúng tinh thần, bản chất lễ hội mình tham gia.

Một trong những giải pháp luôn cần thiết và không bao giờ cũ vẫn là tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi thành phần, đối tượng tham gia lễ hội. Khi mỗi thành tố của hoạt động lễ hội tự ý thức về trách nhiệm của mình thì tự khắc sẽ giảm những hành vi, hiện tượng vẫn bị lên án như bạo lực, phản cảm, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy...

Ngoài ra nên tổ chức nhiều sân chơi khác để người dân có nhiều lựa chọn. Thực tế nhiều năm nay, ngay ở Hà Nội, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết không có điểm vui chơi văn hóa nào ngoài Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Các sân khấu ca nhạc không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của nhân dân, đài truyền hình không có nhiều chương trình bản sắc dân tộc phục vụ người dân mà toàn các chương trình nhập ngoại. Vì người dân không có nhiều sự lựa chọn nên mới phải chen chúc đến các lễ hội.

Ngoài ra, người tham gia lễ hội cũng phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Những người lợi dụng lễ hội để đánh nhau, phá phách thì phải bị xử lý nghiêm.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.