Cấm sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc được không?

Thứ Tư, 23/05/2018, 16:35
Liên quan đến kiến nghị của Liên minh châu Á vì động vật với Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch về việc cấm sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, ngày 23-5, nhiều nghệ sĩ gắn bó lâu năm với nghệ thuật biểu diễn xiếc thú Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.

NSND Tạ Duy Ánh, giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, mới vài tháng trước, Liên đoàn đã có buổi làm việc với Hiệp hội bảo vệ động vật. Sau khi tham quan tất cả khu vực nuôi dưỡng, tập luyện và biểu diễn của Liên đoàn và đối thoại cởi mở, thẳng thắn với đội ngũ nghệ sĩ, những người làm quản lý tại đây, Hiệp hội này đã thừa nhận các con thú được nuôi dưỡng đạt chuẩn, kể cả động vật hoang dã đều có điều kiện sống tốt. Hơn thế, xiếc thú Việt Nam đã có hàng trăm năm. 

Một trong số các tiết mục xiếc kinh điển của Liên đoàn Xiếc Việt Nam 

Trong đó, xiếc thú của nghệ sĩ Tạ Duy Hiển đã thành lập, biểu diễn tại Hà Nội từ năm 1922, mở đầu cho trào lưu xiếc bản địa có quy mô lớn gồm nhà bạt, sân khấu tròn. Dàn diễn viên khi ấy đã khá đông đảo cùng đoàn xiếc thú gồm: Voi, hổ, gấu, ngựa, dê, chó, khỉ… 

Con đường mà nghệ sĩ Tạ Duy Hiển khai phá vẫn được Liên đoàn Xiếc Việt Nam duy trì, phát triển đến hôm nay. Hiện tại, Liên đoàn đang có hàng trăm con thú đang được nuôi dưỡng, huấn luyện và biểu diễn. Những năm qua, xiếc thú không chỉ được các khán giả yêu thích mà còn là một trong những mảng hoạt động hiệu quả về mặt nghệ thuật. 

Chất lượng nghệ thuật của xiếc thú đã được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng uy tín ở trong và ngoài nước. Vì vậy, nói xiếc thú, kể cả xiếc động vật hoang dã ít mang lại hiệu quả nghệ thuật và ít có tác động tốt đẹp đến cộng đồng xã hội là chưa thỏa đáng.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Tuy nhiên, cũng theo NSND Tạ Duy Ánh thì xu hướng sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn đang dần tự thu hẹp lại. Một trong số các lý do chính là phần nhiều động vật này đều thuộc danh mục cấm buôn bán, trao đổi trên thế giới nên rất khó để đưa về huấn luyện. 

Nếu được cho, tặng thì cũng phải vượt qua rất nhiều thủ tục pháp lý phức tạp. Chưa kể, việc nuôi dưỡng chúng vô cùng tốn kém, có khi nằm ngoài khả năng của đơn vị. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã từng rất nuối tiếc khi trao lại cả đàn sư tử cho Thảo cầm viên. Do nước bạn Đức trao tặng từ thời còn bao cấp, sau này, cặp sư tử này cho ra đời nhiều lứa sư tử con. Sư tử ăn thịt, nuôi rất tốn kém nên cuối cùng, ban lãnh đạo buộc phải chọn giải pháp trao đàn sư tử cho đơn vị bạn. 

Đến nay, trong các con thú được Liên đoàn nuôi dưỡng phục vụ biểu diễn vẫn có một số loài thuộc danh mục động vật hoang dã như voi, gấu, ngựa, trăn… Nhưng, vì các lý do nói trên nên nhiều năm trở lại đây, Liên đoàn cũng đang hướng đến nhiều động vật gần gũi với con người hơn như lợn, gà, vịt, chó, khỉ, đà điểu…

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng – “vua” xiếc trăn của Việt Nam và cũng là một trong những nghệ sĩ có nhiều năm tham gia các chuyến lưu diễn lớn trên thế giới  cho rằng, nếu bỏ xiếc thú, trong đó có các tiết mục biểu diễn của động vật hoang dã thì rất đáng tiếc. Ngoài việc tạo cảm giác mạnh, sự kịch tính cho tiết mục, xiếc thú giúp con người, đặc biệt là trẻ em biết yêu thương động vật hơn. Tính giáo dục trong các tiết mục xiếc thú cũng rất cao nếu được dàn dựng tốt, có chất lượng nghệ thuật cao. 

Để có được 1 tiết mục trên sân khấu, người nghệ sĩ phải làm bạn và thực sự hiểu tính nết, thói quen của con thú. Như thế, nghệ sĩ phải mất một thời gian rất dài “ăn, ngủ” cùng chúng. Tại Liên đoàn xiếc Việt Nam, các con thú đều được nuôi dưỡng theo các quy trình nghiêm ngặt. Thức ăn phải được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào. Đơn vị luôn duy trì khoảng 20 nhân công chăm sóc đội ngũ diễn viên đặc biệt này. Nếu thú có triệu chứng không ổn định về sức khỏe thì không chỉ bác sĩ thú y của Liên đoàn mà nghệ sĩ cũng vất vả theo.

Xiếc trăn - một trong số các "đặc sản" của xiếc Việt

 “Vua” xiếc trăn cũng cho hay, anh từng đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới và thấy xiếc thú được rất nhiều khán giả yêu thích. Có những đoàn xiếc thú lớn có hàng trăm con thú cùng tham gia một buổi biểu diễn. Ngay tại nước Mỹ, anh đã chứng kiến có những buổi biểu diễn xiếc thú rất lớn nhưng một bên là những đoàn người với các băng rôn ca ngợi xiếc thú còn một bên là đoàn người khác với các biểu ngữ phản đối quyết liệt biểu diễn xiếc thú vì họ cho rằng như thế là không tôn trọng quyền của con thú… 

Tại Việt Nam, lâu nay, biểu diễn xiếc thú phải đảm bảo những điều kiện nhất định về cơ sở vật chất.  Cùng với hệ thống chuồng trại, kinh phí và đội ngũ chăm sóc riêng đạt chuẩn thì sân khấu đảm bảo có khoảng cách nhất định với khán giả, có hệ thống rào chắn và đơn vị biểu diễn phải có các giải pháp đảm bảo an toàn cho khán giả. 

Tuy nhiên, vài năm gần đây, do nhu cầu thị trường giải trí, nhiều đoàn xiếc do các cá nhân, nhóm nhỏ lẻ hợp thành đi biểu diễn nhưng không đảm bảo cả về mức độ an toàn lẫn chế độ chăm sóc động vật, chất lượng nghệ thuật khiến nhiều người có cái nhìn lệch lạc về biểu diễn xiếc thú. Vì vậy, cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Nếu đơn vị, nhóm xiếc nào đủ điều kiện thì cho phép biểu diễn chứ không nên cấm một cách chung chung – Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng khẳng định.


N.Hoa
.
.
.