Lập lờ những trang mạng mạo danh lực lượng CAND (Bài 1)
Chỉ cần tìm kiếm trên Google trong vài giây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm trang mạng, tài khoản xã hội gồm Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram có hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng CAND… Những trang web với nội dung thật, giả lẫn lộn khiến không ít bạn đọc nhầm tưởng đó là các trang chính thống của lực lượng CAND...
Thời gian qua, nhiều đơn vị trong lực lượng CAND đã thiết lập các kênh trên không gian mạng để tuyên truyền, tương tác với người dân. Các trang mạng, tài khoản này được các cơ quan, đơn vị sử dụng như kênh chính thức trên không gian mạng, phục vụ tuyên truyền hoạt động của ngành; phổ biến pháp luật; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; đồng thời, tiếp nhận tin báo của người dân về tình hình ANTT, các hành vi vi phạm pháp luật…
Tuy nhiên, cùng với các trang mạng chính thống đã xuất hiện các tài khoản mạo danh, sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh lực lượng CAND để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, ngoài việc quản lý chặt chẽ của các chức năng, đòi hỏi “công dân mạng” phải là những người dùng tỉnh táo để nhận diện các trang web.
Chỉ cần tìm kiếm trên Google trong vài giây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm trang mạng, tài khoản xã hội gồm Facebook, Youtube, Zalo, Tiktok, Instagram có hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng CAND… Những trang web với nội dung thật, giả lẫn lộn khiến không ít bạn đọc nhầm tưởng đó là các trang chính thống của lực lượng CAND. Từ đó, không ít đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Để “tận mục sở thị”, tôi search Google, với cụm từ CSGT… Và chỉ trong vài giây đã có thể dễ dàng tìm thấy hàng chục kết quả, trong đó có những trang web có hàng nghìn người theo dõi. Và quả thật, nếu là một người tham gia Facebook bình thường sẽ rất khó để phân biệt đâu là tài khoản chính thống của lực lượng CAND, còn đâu là tài khoản mạo danh. Với việc đưa các hình ảnh về lực lượng CSGT rồi sử dụng chiêu trò “lập lờ, đánh lận con đen” cùng lúc đưa cả thông tin tích cực và thông tin tiêu cực, người dùng dễ dàng bị đánh lừa.
Điển hình trên trang Facebook “Yêu Cảnh Sát Giao Thông”. Khi truy cập vào trang fanpage này, chúng tôi thấy có đăng tải thông tin về công tác chỉ đạo của Giám đốc Công an của một tỉnh A cùng với thông báo: Nhằm tuyên truyền tố cáo về cán bộ CSGT tiêu cực. Kể từ hôm nay nếu phát hiện CSGT tỉnh tiêu cực, mãi lộ như nhận hối lộ, tác phong hành động hay lời nói không đúng chuẩn mực của người chiến sĩ, hay như lập chốt không đúng quy định... xin báo về đường dây nóng Công an tỉnh A theo số điện thoại 0251.882… hoặc phòng CSGT theo số 0693.480… Thông tin cung cấp gồm: Thời gian, địa điểm, số xe, số tiền, tên cán bộ cảnh sát nhận mãi lộ. Nếu có clip ghi âm, hình ảnh, biển số xe tuần tra càng tốt. Cuối cùng thông tin là dòng chữ, hy vọng tất cả người dân sẽ tích cực giám sát tố cáo, khi phát hiện sai phạm để góp phần loại trừ những cán bộ chiến sĩ KHÔNG PHẢI VÌ DÂN. Hãy chia sẻ cho người dân được biết các bạn nhé!
Một trang khác có tên là “Cảnh sát nhân dân”, các đối tượng cũng đưa ra cảnh báo sai sự thật với nội dung: Mong cộng đồng mạng bỏ ra 5 giây chia sẻ bài viết, đặc biệt là chị em gái.
Trong bài viết này, đối tượng viết: Nạn bắt cóc phụ nữ giờ còn có chiêu này, chị em hãy cảnh giác. Khi đang đi xe máy, thấy có người đi gần mình và vỗ vào người mình thấy như kim châm thì chị em phải dừng xe ngay hoặc vào nhà dân gần nhất nặn hết máu non vừa bị châm đó và nói với mọi người biết mình bị châm…, vì bọn tội phạm đâm kim có thuốc mê. Khi đâm xong bọn nó sẽ đi cùng và để ý mình có dấu vết bất thường là bọn chúng lấy danh nghĩa người nhà chở đi cấp cứu. Nhưng chúng không chở đến bệnh viện mà chở đến nơi chúng đã có kế hoạch sẵn rồi. Nên chị em hãy cảnh giác… Những thông tin bịa đặt sai sự thật, thiếu căn cứ như trên, nếu là người tỉnh táo sẽ dễ dàng nhận biết được. Nhưng khi thông tin được đăng trên trang mạng xã hội có hình ảnh của CSGT thì nhiều người đã tin. Sau đó, bình luận với nhiều nội dung.
Ngoài ra, một số đối tượng còn có thủ đoạn là lập các web[1]site có hình ảnh giao diện giống hệt với các trang thông tin của Bộ Công an. Trên các trang web này, các đối tượng sử dụng các hình ảnh, thông tin chia sẻ giống với các trang thông tin chính thức của các đơn vị Công an.
Với thủ đoạn này, đối tượng sẽ khiến người dùng nhầm lẫn nếu không để ý đến tên miền.
Trước đó, vào ngày 24/4/2020, Công an TP Hà Nội đã đưa ra những cảnh báo về các trang thông tin giả mạo Công an TP Hà Nội. Nội dung cảnh báo cho biết đang làm rõ những thông tin trình báo của người dân về việc bị các đối tượng giả danh Công an TP Hà Nội để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng tài khoản Zalo có tên liên quan đến lực lượng Công an để nhắn tin và gửi kèm đường dẫn "Congan.113hanoi.com" (là trang web giả danh Trang thông tin điện tử của Công an TP Hà Nội) tới tài khoản Zalo của nạn nhân; thông báo rằng nạn nhân có liên quan đến vụ án đang điều tra về tội buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và yêu cầu nạn nhân truy cập vào trang web giả.
Khi nạn nhân đăng nhập số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, trang web sẽ hiển thị hình ảnh "lệnh bắt tạm giam" có tên nạn nhân. Từ đó, các đối tượng đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để "phục vụ điều tra" rồi chiếm đoạt. Có nạn nhân đã bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng vì mắc lừa bởi thủ đoạn trên.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thiết bị, phần mềm chuyển số giả mạo các số điện thoại công khai (số máy trực ban, số máy tiếp dân) của lực lượng Công an, nghe máy và tự xưng là cán bộ điều tra của Công an TP Hà Nội đang điều tra các vụ án có liên quan đến nạn nhân, sau đó cũng yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản chỉ định để chiếm đoạt. Công an TP Hà Nội cảnh báo, nếu có dấu hiệu nghi ngờ về các thủ đoạn như trên, người dân cần thông báo đến cơ quan Công an để phối hợp làm rõ.
Được biết, từ cuối năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phát hiện 372 trang tin giả mạo Cổng thông tin điện tử, trang thông tin của Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương.
Hiện Bộ Công an đang lập kế hoạch đấu tranh, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mạo danh lực lượng CAND trên không gian mạng.
Từ thực tiễn, Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm mạng; tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Không cung cấp thông tin nhân thân, tài khoản ngân hàng, tài khoản thư điện tử, mạng xã hội của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh trực tuyến khác nếu chưa xác minh chính xác thông tin người nhận, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan Công an.
Ngoài ra, một số đối tượng còn thu thập thông tin cá nhân người dân trái phép gồm căn cước công dân, số điện thoại và ngân hàng. Một số mạo danh cơ quan đơn vị Công an để mua bán trang phục CAND, công cụ hỗ trợ, thiết bị phòng cháy chữa cháy; quảng cáo bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó, lợi dụng uy tín của lực lượng Công an để chia sẻ bài viết từ trang thông tin điện tử không phép nhằm thu lời từ quảng cáo; phát tán thông tin “giật tít”, “câu like”; sử dụng ngôn từ, hình ảnh phản cảm, thông tin xấu độc, sai sự thật… Những hoạt động này gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND cần có biện pháp đấu tranh, xử lý.