Hà Tĩnh nỗ lực ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên mạng

Thứ Tư, 27/07/2022, 07:56

Trước tình trạng đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, Công an TP Hà Tĩnh đã thiết kế và cho ra mắt bộ áp phích thông tin tóm tắt 14 thủ đoạn phổ biến và cập nhật nhất của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với đó, cán bộ được phân công đi đến từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, cảnh báo.

Trung tuần tháng 5/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của chị Lê Quỳnh T. (SN 1992, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) về việc trong thời gian ngắn, chị này bị một số đối tượng lừa đảo bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng. Các đối tượng hứa hẹn sẽ làm thủ tục cho vay tiền lãi suất thấp nhưng khách hàng phải nộp tiền bảo hiểm gói vay trước. Tin tưởng, chị T. đang nộp tiền để được vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, sau nhiều lần chị T. chuyển khoản với số tiền 57 triệu đồng nhưng không vay được tiền, biết bị lừa nên chị T. đã trình báo cơ quan Công an.

1.jpg -0
Công an TP Hà Tĩnh đến từng nhà tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Vào cuộc điều tra, Công an TP Hà Tĩnh đã xác lập chuyên án để đấu tranh. Qua một thời gian triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 17/6, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Tĩnh phối hợp với Công an quận 8 TP Hồ Chí Minh triệu tập, bắt giữ 10 đối tượng trú tại tỉnh Bình Phước và TP Hồ Chí Minh. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là lấy thông tin của nhiều người dân, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, hứa hẹn cho vay tiền với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành nhưng yêu cầu bị hại chuyển trước tiền bảo hiểm gói vay để chiếm đoạt. Với thủ đoạn này, chúng đã lừa đảo trót lọt khoảng 200 nạn nhân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2022, từ trình báo của một số bị hại trên địa bàn, Công an TP Hà Tĩnh cũng đã vào cuộc và nhanh chóng triệt xóa thành công ổ nhóm tội phạm chuyên lừa đảo bằng hình thức gọi điện thoại thông báo trúng thưởng tại Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt gần 30 tỉ đồng, bắt giữ 11 đối tượng liên quan. Cụ thể, theo trình báo của chị Nguyễn Thị S. (SN 1972, trú tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) về việc có người gọi thông báo trúng thưởng và yêu cầu chuyển tiền để mua các loại hàng hóa theo yêu cầu mới được nhận thưởng. Tin lời, chị S. đã chuyển 80 lần với tổng số tiền gần 900 triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo. Công an TP Hà Tĩnh đã vào cuộc và xác định, đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo này là Nguyễn Văn Hiếu (SN 1983, trú tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) nên đã tiến hành bắt giữ đối tượng cùng 10 nghi phạm liên quan.

Trung tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: Gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và địa bàn TP Hà Tĩnh nói riêng xuất hiện nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu do người dân không nắm rõ được thủ đoạn và nhẹ dạ tin vào lời dụ dỗ của các đối tượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra, số điện thoại đường dây nóng và trang tin Công an TP Hà Tĩnh thường xuyên nhận được tin báo, tin tố giác về việc người dân bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo bằng nhiều hình thức, thủ đoạn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiếp nhận, giải quyết 76 tố giác, tin báo về tội phạm. Qua đó, kiến nghị khởi tố, bắt tạm giam 62 đối tượng liên quan, điều tra xử lý 61 vụ với 97 bị can.

Mặc dù vậy, đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, hoạt động theo ổ nhóm, với nhiều chiêu thức biến tướng, nhằm vào người dân để chiếm đoạt tài sản. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tài sản có thể xảy ra, Công an TP Hà Tĩnh xác định việc nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và cung cấp đầy đủ thông tin thủ đoạn tội phạm cho người dân là biện pháp quan trọng, hữu hiệu nhất. Do đó, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo xây dựng, thiết kế áp phích bằng hình ảnh sinh động, ngắn gọn, kèm số điện thoại của trực ban Công an thành phố, Đội Cảnh sát hình sự, Công an phường, xã để người dân thuận lợi liên lạc khi có vụ việc xảy ra.

Trên cơ sở ý tưởng và sự chỉ đạo này, bộ áp phích thông tin tóm tắt 14 thủ đoạn phổ biến và cập nhật nhất của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được Công an TP Hà Tĩnh thiết kế và cho ra đời. Hình ảnh tuyên truyền này sẽ được đăng tải đồng loạt trên các kênh mạng xã hội của Công an TP Hà Tĩnh và 15 đơn vị Công an phường, xã. Ngoài ra, các nội dung sẽ được in thành tờ rơi dán tại các điểm công cộng, nhà dân và được sử dụng tuyên truyền tới người dân tại các buổi họp, tuyên truyền về pháp luật tại cơ sở. Các thủ đoạn phổ biến hiện nay được Công an TP Hà Tĩnh cảnh báo là hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và lãnh đạo, mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội, lừa đảo mua hàng trực tuyến, lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, giả chuyển tiền nhầm để ép vay…

Theo Trung tá Hùng, đây là những thủ đoạn mà quá trình đấu tranh thực tiễn, đơn vị đã đúc kết và thực tế có nhiều nạn nhân bị sập bẫy. Chính vì vậy, việc thiết kế bộ áp phích thông tin tóm tắt 14 thủ đoạn phổ biến để truyền tải đến tận người dân là việc làm kịp thời, thiết thực để cảnh báo cho nhân dân. Cùng với việc phát tờ rơi, dán tại các điểm công cộng, Công an TP Hà Tĩnh cũng đã cử cán bộ đến tận từng gia đình để tuyên truyền, qua đó giúp lan tỏa các nội dung phòng ngừa cho người dân thật sự hiệu quả.

Thời gian tới, Công an TP Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai biện pháp tuyên truyền bằng áp phích, đồng thời áp dụng các hình thức tuyên truyền khác để giúp nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm của người dân, đặc biệt đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thiên Thảo
.
.
.