Chế độ với người lao động khi doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất

Thứ Tư, 29/09/2021, 07:50

Hỏi: Trong thời gian doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu người lao động bị ốm, thai sản hay nghỉ hưu có được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội không? (Nguyễn Thu Hằng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương).

Trả lời: Theo quy định tại Chương II Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thì người sử dụng lao động đủ điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đóng đầy đủ vào các quỹ bảo hiểm xã hội còn lại, bao gồm: Quỹ ốm đau, thai sản; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, trong thời gian doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nếu người lao động bị ốm đã nộp đủ hồ sơ và đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 25 và Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, sinh con trong thời gian này sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đã nộp đủ hồ sơ và đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 31 và Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Trường hợp trong thời gian doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nếu người lao động nghỉ hưu: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ, hoặc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ban KT-PL
.
.
.