Xuất khẩu tôm ứng phó linh hoạt trong dịch bệnh
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những diễn biến khả quan, dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 sẽ cán đích ở mức 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020; năm 2022 sẽ đạt 4,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.
Tháng 11/2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 367 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 11 tháng của năm nay đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm; tôm sú đạt kim ngạch trên 568 triệu USD, chiếm tỷ trọng 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm; còn lại là các loại tôm biển khác đạt hơn 244 triệu USD.
Xuất khẩu tôm tăng nhờ nhu cầu hồi phục cao tại thị trường Mỹ, EU, Úc, Canada và nhiều thị trường mà Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng liên tục trong nhiều tháng qua, với mức tăng từ 11-49%. Dự báo, xuất khẩu tôm sang các thị trường Mỹ, EU, Úc sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới, trong đó Mỹ vẫn là thị trường chi phối tăng trưởng của ngành tôm xuất khẩu.
Cũng theo VASEP, tôm Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để xuất khẩu nhờ chất lượng tốt, sản phẩm chế biến đa dạng, phù hợp nhiều phân khúc thị trường. Nước ta cũng có sản phẩm tôm sinh thái được thế giới quan tâm, có năng lực chế biến sâu các sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng cao. Mặt khác, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu ngày càng tăng, nguy cơ bị mất thị phần khi nhiều nước như Ấn Độ, Ecuador… tăng năng lực xuất khẩu tôm. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có các giải pháp, chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho người nuôi, người lao động và doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu tôm.
Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng việc nuôi trồng, khai thác thủy sản ở Sóc Trăng ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi, diện tích thả nuôi tôm đạt năng suất cao. Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, mùa vụ nuôi tôm năm 2021 của tỉnh thành công về diện tích, sản lượng. Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 tiếp tục đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp, các ngành liên quan, địa phương nuôi tôm cần xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt sản xuất trong tình hình dịch bệnh. Quản lý chặt 3 yếu tố: đầu vào, tổ chức sản xuất và liên kết đầu ra sản phẩm; thành lập các tổ hợp tác thu hoạch, vận chuyển tôm; đánh giá các mô hình nuôi tôm ao bạt; thực hiện công tác quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh. Tiếp tục đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và kỹ thuật cho hộ nuôi tôm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP chế biến XNK thủy sản Minh Cường (Cà Mau) cho biết, sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đồng loạt đẩy mạnh sản xuất nên xảy ra khan hiếm nguyên liệu, sau đó thì ổn định lại. Xuất khẩu tôm năm nay khó trong nhưng thuận ngoài. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch làm chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển tăng. Thuận lợi là các nước trên thế giới đồng loạt mở cửa, thị trường rộng mở.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau cho biết, chủ trương của tỉnh trước tiên là chống dịch hiệu quả, sau đó đảm bảo hoạt động sản xuất. Thế mạnh của tỉnh là con tôm nên rất được quan tâm. Theo ông Nam, năm nay xuất khẩu của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn nhưng cũng có thuận lợi nhất định. Cụ thể, Chính phủ đã kịp thời ban hành chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nước ta tham gia ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA…) giúp tạo lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường. Trong bối cảnh bị dịch bệnh tác động nặng nề, việc duy trì được chuỗi cung ứng, các hoạt động sản xuất đến xuất khẩu đã giúp ngành tôm trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh năm nay ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra…
Thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội để nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài. Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, với các FTA mà Việt Nam tham gia là cơ hội thuận lợi nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi; truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn…