Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh ở những thị trường chính

Thứ Năm, 06/10/2022, 08:48

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Brazil nằm trong top 4 thị trường nhập khẩu (NK) cá tra của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay (đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Mexico).

Sau khi giảm liên tục từ đầu năm xuống mức thấp nhất năm 2022 là gần 3,5 triệu USD trong tháng 5, XK cá tra sang thị trường Brazil đã lội ngược dòng, đến tháng 8 hồi phục tới 8,7 triệu USD, mức cao nhất trong 7 tháng qua. Tính đến hết tháng 8/2022, tổng giá trị XK cá tra Việt Nam sang Brazil tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. XK tăng chủ yếu do giá trung bình XK sang thị trường này cao hơn.

va.jpg -0
Xuất khẩu cá tra tăng mạnh.

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), giá trung bình cá tra Việt Nam NK vào Brazil trong 7 tháng đầu năm nay tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, trong khi khối lượng XK cá tra sang Brazil trong giai đoạn này giảm 5%, giá trị vẫn tăng 36%.

Với thị trường Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm, XK tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 413 triệu USD (tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021), nhưng so với những tháng đầu năm thì tăng trưởng chậm hơn. Cụ thể, trong 3 tháng 3,4,5, XK tôm sang Trung Quốc tăng trưởng 126%-140%, trong khi trong 3 tháng tiếp là 6,7,8, tốc độ tăng chỉ đạt từ 13% - 32%.

Tuy nhiên, do nhu cầu NK tôm của Trung Quốc luôn cao, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng tôm sản xuất nội địa của Trung Quốc trong năm nay sụt giảm nên XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc thời gian tới vẫn còn nhiều cơ hội. “Mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ nhưng rất khó để cạnh tranh ở phân khúc chế biến với các nhà chế biến nội địa, do đó các DN cần tập trung duy trì thị phần tôm sơ chế”, bà Kim Thu - Chuyên gia thị trường tôm của VASEP cũng khuyến cáo DN.

Thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển nhưng quy định về hàng NK đông lạnh vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho DN. Cũng theo bà Kim Thu, các nhà NK tôm của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chính sách hạn chế để phòng dịch COVID-19 của nước này, chi phí vận chuyển tăng, đồng nhân dân tệ mất giá. Do vậy, nếu áp lực tài chính của các nhà NK tôm Trung Quốc không được giải tỏa, NK tôm nói chung của Trung Quốc có thể giảm trong thời gian tới.

Theo VASEP, tính đến hết quý III/2022, XK thuỷ sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, XK tôm đã mang về gần 3,4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021, cá tra cũng thu về gần 2 tỷ USD, tăng 82% và các sản phẩm hải sản đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Về thị trường, XK thuỷ sản sang EU đã vượt 1 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ. Mỹ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 1,8 tỷ USD, tăng 22% và XK sang các nước CPTPP đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 41%. Trung Quốc vẫn là thị trường có tăng trưởng cao nhất 76% đạt 1,35 tỷ USD.

T.Hà
.
.
.