Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng nhờ hiệp định UKVFTA

Thứ Sáu, 24/06/2022, 08:50

Ngày 23/6, Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)”.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD (tăng 17,2% so với năm 2020). Trong đó, xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD (tăng 16,4%), XK của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Trong 5 tháng đầu năm 2022, do vẫn còn chịu các tác động của đại dịch COVID-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới, dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Vương quốc Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.

Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng nhờ hiệp định UKVFTA -0

Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Vương quốc Anh có 462 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD (chiếm 0,97% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam). Các nhà đầu tư Vương quốc Anh đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 120 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,6 tỷ USD (chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 23 dự án, tổng vốn đầu tư 1,04 tỷ USD (chiếm 26% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 7 dự án, tổng vốn đăng ký 701,44 triệu USD (chiếm 18% tổng vốn đầu tư). Các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực: Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Cấp nước và xử lý chất thải; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; Giáo dục và Đào tạo.

Ông Chris Milliken - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) cho hay, hiện nay kim ngạch XNK của Việt Nam - Anh đã phục hồi về mức trước dịch COVID -19. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà hiệp định UKVFTA mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam – Anh. Ông cũng tin rằng, hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng XNK của hai nước mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau.

Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam cũng đang có tiềm năng XK lớn vào thị trường Anh. Với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN XK của Việt Nam vẫn còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục XK cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về hợp đồng, thanh toán và cách phòng tránh.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, để gia tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh, DN Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Anh, nắm rõ thủ tục XK vào Anh, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cần chú ý đăng ký và bảo hộ thương hiệu tại Anh. Ngoài ra, cần tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới cộng đồng DN Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho DN Việt Nam, chủ động tiếp cận với các tập đoàn phân phối lớn của Anh để trở thành đơn vị cung cấp hàng hóa vào các chuỗi phân phối này.

Để hỗ trợ DN Việt Nam XK sang thị trường Anh, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, Bộ Công Thương luôn đồng hành với DN trong quá trình XK hàng hóa. Bà cũng nêu ra một số biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN Việt trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như những lưu ý để có thể tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.

Thuý Hà
.
.
.