Xuất khẩu nông sản mùa vụ: Làm gì để tránh tình trạng “được mùa mất giá”?

Thứ Bảy, 01/06/2024, 06:51

Nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu (XK) như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt.

Vì vậy, để hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường, các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược dài hơi trong việc đầu tư chất lượng sản phẩm, công nghệ, thị trường và chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm.

z5424216556697_1623c1ef571429738e7399dba73441d7.jpg -0
Dư địa thị trường xuất khẩu nông sản Việt là rất lớn cho các doanh nghiệp.

Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/5, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều sớm Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5, dự kiến kết thúc cuối tháng 7/2024.

Theo ông Tấn, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay giảm gần tới 50% so với năm trước do thời tiết không thuận lợi. Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm 2024 khoảng gần 100.000 tấn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25-70 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, XK vải thiều qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) được nhanh chóng thuận lợi. Hiện, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều XK sang Hoa Kỳ được thực hiện tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để XK vải thiều sang các thị trường quốc tế…

Ông Tấn cho biết, Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ XK với diện tích gần 17.200ha và 40 cơ sở đóng gói quả vải tươi XK. Ông Tấn kiến nghị thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; thông tin các chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, các sản phẩm chế biến từ vải; quảng bá, giới thiệu quả vải thiều Bắc Giang với người tiêu dùng tại các nước; giới thiệu các doanh nghiệp, thương nhân đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều trong mùa vụ 2024.

Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, các thương vụ đều gửi thông tin về nhu cầu, yêu cầu mới đối với sản phẩm nhập khẩu, đầu mối là Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp có thể tham khảo.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK tháng 5 đạt 32.81 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch XK tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Bá Phú cho rằng, dư địa thị trường XK là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia XK ngày càng khốc liệt. Để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp XK và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

“Rau củ quả, trái cây Việt Nam được nhà nhập khẩu nước ngoài đánh giá rất cao trong những lần nhập khẩu đầu tiên, sau đó thì hay bị hụt sản lượng, chất lượng không đồng đều, do vậy để đủ sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần có tính ổn định trong chất lượng và sản lượng, giá cả, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư công nghệ chế biến sâu để gia tăng giá trị”, ông Phú cho hay.

Về thị trường, các ý kiến cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường XK, tập trung vào những thị trường mới, như Đông Bắc Á, Trung Đông, UAE, để không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Các địa phương cũng nên dành ngân sách cho doanh nghiệp trong tỉnh tham dự các hội chợ lớn để tìm nhà nhập khẩu, khách hàng; đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động tham dự các hội chợ quốc tế và chuyển nhanh sang XK chính ngạch, vừa được giá và bền vững.

Được mùa mất giá, được giá mất mùa là đặc tính thời vụ, do vậy để tránh tình trạng được mùa mất giá, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cần tổ chức, sắp xếp lại khâu sản xuất, thành lập các HTX hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy hoạch, theo thị trường, tuân thủ quy trình quy phạm, an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap, GlobalGap...) để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và đúng theo nhu cầu thị trường; nghiên cứu để giảm bớt tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp như rải vụ, trái vụ giảm bớt áp lực cho tiêu thụ và nâng cao lợi nhuận; đầu tư nhiều hơn cho công nghệ sau thu hoạch, máy móc thiết bị, phương tiện thu hoạch, bảo quản, vận chuyển phù hợp với các sản phẩm rau quả để giảm bớt tỷ lệ hư hỏng (35-40%); khuyến khích đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản để giảm tỷ trọng xuất tươi, xuất thô. Xây dựng các liên kết sản xuất tiêu thụ thực chất, ổn định, bền vững. Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị sản phẩm trong nước và tại các thị trường trọng điểm để có nhiều khách hàng hơn, thị phần lớn hơn.

Lưu Hiệp
.
.
.