Xuất khẩu khó, doanh nghiệp tìm hướng đi mới

Thứ Bảy, 04/03/2023, 09:09

Trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN)tiếp tục gặp khó khăn về việc thiếu đơn hàng xuất khẩu (XK). Tình hình không mấy sáng sủa này dự báo còn kéo dài sang quý II/2023 đã khiến các DN chuyển hướng tìm kiếm thị trường mới thay thế hoặc quay trở lại khai thác thị trường nội địa…

Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam công bố sẽ không tái ký hợp đồng với hàng ngàn lao động có hợp đồng lao động từ 1-3 năm khi hết hạn hợp đồng cũ. Trước đó, cuối năm 2022, DN này cũng thông báo sắp xếp làm việc luân phiên đối với khoảng 20 ngàn lao động tại nhà máy ở quận Bình Tân. Tình hình này cũng đã xảy ra tại nhiều DN, tập trung chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động như chế biến gỗ, giày dép, dệt may... kể từ quý III/2022 kéo dài cho đến nay.

334890925_1272833419998603_6205324131249592932_n.jpg -0
Nhiều doanh nghiệp dệt may quay lại khai thác thị trường nội địa khi xuất khẩu gặp khó khăn.

Với ngành chế biến gỗ, theo chia sẻ của bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM&SX Sao Nam thì thị trường Mỹ chiếm đến khoảng 90% sản lượng XK của DN. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ giảm, nên trong những tháng đầu năm nay, DN chỉ XK sang thị trường còn 60 - 65%. Để bù đắp sự sụt giảm từ thị trường XK chính, DN đã nhanh chóng chuyển hướng sang khai thác các thị trường khác như Úc, Canada… Hiện DN đang gia công cho khách hàng Úc, nguyên liệu là của khách hàng. Mặc dù tỷ trọng tham gia vào sản phẩm không nhiều, nhưng với tình hình hiện nay việc gia công cho đối tác cũng bù đắp phần nào khi thị trường Mỹ đang khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2023 chỉ đạt 806 triệu USD, giảm gần 49% so cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là nhiều thị trường lớn trên thế giới vẫn đối mặt với lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, đơn hàng giảm.

Tương tự, với mặt hàng dệt may kim ngạch XK tháng 1/2023 giảm đến 38,5% so cùng kỳ. Trong khi đó, hai thị trường XK chính của DN dệt may là Mỹ và EU giảm mạnh tới 60% nên nhiều DN đã quay lại khai thác thị trường nội địa.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, từ tháng 7/2022 trở đi tình hình XK bắt đầu gặp khó khăn. Thời điểm này, Việt Thắng Jean bị kẹt cảng không lấy hàng ra được, nhưng khi lấy được hàng ra thì thị trường EU sụt giảm rất mạnh. Riêng mặt hàng denim của DN, sức mua tại thị trường EU giảm đến 60-70%, các mặt hàng khác giảm 30-40%, thị trường Mỹ giảm khoảng 30%, các thị trường xung quanh cũng giảm, thời điểm tháng 8, 9, 10/2022 DN chỉ hoạt động khoảng 50% công suất thiết kế.

Để duy trì sản xuất và giữ việc làm cho người lao động, DN vừa tập trung sản xuất nội địa vừa phát triển các thị trường mới. So với XK, thị trường nội địa của Việt Thắng Jean hiện chỉ chiếm khoảng vài % nhưng doanh thu từ thị trường nội địa đã bù đắp một phần trong tổng doanh thu của DN trong bối cảnh XK gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2022, mức tăng trưởng doanh thu nội địa khoảng 300% và DN cũng xác định đây là thị trường rất tiềm năng. Trong năm 2023, DN cố gắng nâng thị phần nội địa lên 5% và 7% trong năm 2024.

Cũng hướng đến phát triển thị trường trong nước, cuối 2022 Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến đã mở Trung tâm Viettien Mall tại quận 12, TP Hồ Chí Minh. Đây là trung tâm đầu tiên sau chuỗi cửa hàng Viettien House của Việt Tiến. Nếu như chuỗi cửa hàng Viettien House bày bán sản phẩm các thương hiệu của DN, thì Trung tâm Viettien Mall ngoài bán sản phẩm của DN còn có các thương hiệu quốc tế thuộc nhiều phân khúc khách hàng như trang phục công sở, dạo phố, thể thao …

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến khẳng định, chất lượng sản phẩm của DN đã có vị thế trên toàn cầu, nên sẽ cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước.

Việc về lại “sân nhà” của các DN may mặc XK hiện cũng đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng nước ngoài đã bám rễ sâu tại Việt Nam như:  Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Topshop, CK, Nike… Tuy nhiên, ông Phạm Văn Việt vẫn lạc quan và cho rằng, NTD Việt Nam hiện nay nhìn nhận về thời trang cũng khác trước rất nhiều. Xu hướng tiêu dùng hiện nay là những sản phẩm nào đáp ứng thời trang, chất lượng, đặc biệt là giá cả phù hợp, thì sẽ được ưa chuộng nhiều chứ họ không mua thương hiệu như trước. Chỉ một số ít NTD có tiền thì chuộng mua hàng thương hiệu. Để cạnh tranh, DN buộc phải đa dạng dòng sản phẩm, phải nghiên cứu kỹ khách hàng trong nước và có sự chuẩn bị nguồn tài chính lớn để duy trì hoạt động trong khoảng 3-5 năm đầu phát triển hệ thống.

Để hỗ trợ DN, ông Vũ Đức Giang cho biết, VITAS tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các DN trong nước với nhau tạo thành chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường XK. Bên cạnh đó, để giữ vững thị trường nội địa thì DN cần giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên liệu trong nước. Đặc biệt, khuyến khích DN bán hàng theo thiết kế, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

T.Hà – H.Giang

.
.
.