Xuất khẩu hàng hóa có thể lập mốc lịch sử 400 tỷ USD
Kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2024 tiếp tục quá trình phục hồi của những tháng đầu năm, với nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực, trong đó với dấu ấn đậm nét của động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (XK), khi tổng kim ngạch XK hàng hóa cả năm nay có thể lập mốc lịch sử 400 tỷ USD.
Số liệu tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, XK hàng hoá tháng 8 và 8 tháng đang thực hiện vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với kim ngạch XK 8 tháng đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch XK mấy tháng gần đây đều đạt tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu duy trì được mức XK tháng sau cao hơn tháng trước trong 4 tháng còn lại của năm 2024 thì tổng kim ngạch XK hàng hóa năm nay ước lập mốc lịch sử mới 400 tỷ USD, vượt xa mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022.
Về cơ cấu nhóm hàng XK, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 2,92 tỷ USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 22,53 tỷ USD; nhóm hàng thủy sản đạt 6,31 tỷ USD.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua hiệp hội để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành đạt 26-27 tỷ USD kim ngạch XK cho năm 2024.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Nhiều tổ chức quốc tế đều nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1% và năm 2025, 2026 đạt 6,5%; UOB dự báo tăng trưởng vượt 6%; HSBC dự báo tăng 6,5%... Những kết quả nổi bật của kinh tế tháng 8 và 8 tháng thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp như: Tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm trong thời gian tới, thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội… Cùng với đó, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, nâng cao mức sống. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công...