Xuất khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu, doanh nghiệp nên tìm hiểu thị trường ngách
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, gạo là mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây vào Bắc Âu. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thuỵ Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, do thị trường gạo Bắc Âu khá nhỏ. Ngoài việc cạnh tranh các loại gạo thông thường với Thái Lan và Campuchia, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu thị trường ngách, đối với những loại gạo có ít cạnh tranh hơn. Ví dụ, trong thời gian vừa qua, Thương vụ đã thành công trong việc bước đầu đưa gạo Japonica vào thị trường Thụy Điển.
Hiện nay, doanh nghiệp khu vực này thường mua gạo Japonica từ các nước trồng gạo trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Ý, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, gạo Japonica Việt Nam chất lượng không thua kém gạo cùng loại của Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý nhưng giá chỉ từ 1/3-1/2. Do vậy, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với loại gạo này của Việt Nam.
“Hiệp định EVFTA công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý với một số loại gạo của Việt Nam. Gạo ST24, ST25 được giải thưởng gạo ngon thế giới. Các doanh nghiệp có thể nghiên cứu đưa các loại gạo này vào thị trường Bắc Âu với thương hiệu Gạo đặc sản Việt Nam” – Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chỉ rõ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cố gắng tạo ra nhiều loại sản phẩm độc đáo, kết hợp một giống lúa độc đáo với các phương pháp sản xuất hữu cơ, bền vững và tác động đến kinh tế xã hội. Đồng thời nhận thức rằng thị trường cho loại gạo đặc sản này còn rất nhỏ và đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Gạo đặc sản có chứng nhận hữu cơ hoặc thương mại công bằng cũng sẽ làm tăng giá trị sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường Bắc Âu.
Ngoài việc tập trung vào các thị trường ngách, Việt Nam tại Thụy Điển còn nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường Bắc Âu, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm còn phải tuân thủ rất nhiều các qui định của thị trường.
Theo đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến gạo. Đồng thời, xem cơ sở pháp lý của Ủy ban châu Âu về ngũ cốc và gạo để biết tổng quan về các văn bản và quy định pháp lý. Kiểm tra các cập nhật quy định bằng cách sử dụng ứng dụng web Appryza của Liên đoàn các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM), cung cấp thông tin quy định cập nhật về các thị trường xuất khẩu châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác.
“Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường có thể được hiểu là yêu cầu tối thiểu, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ” – Thương vụ lưu ý.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đặc biệt lưu ý, xu hướng sản xuất và kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện làm việc, sử dụng nước, quản lý chất thải... Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững.
Do đó, khi xuất khẩu gạo vào thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp nên chú trọng đến các sản phẩm nêu bật được các lợi ích sức khỏe cũng như nhấn mạnh yếu tố hữu cơ và không có hóa chất luôn được quan tâm tại thị trường Bắc Âu.