Xử lý nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm

Thứ Ba, 19/11/2024, 16:25

Trong gần 2 năm qua, các địa phương trên cả nước đã phát hiện 85.551 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.

Thực phẩm chức năng được mua bán rầm rộ từ hàng sản xuất trong nước, nhập khẩu, đến hàng xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo Bộ Y tế, trước đây, nước ta có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Từ năm 2019, áp dụng tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt trong sản xuất thực phẩm (GMP), chỉ có 201 cơ sở đạt quy chuẩn.

Xử lý nhiều thực phẩm chức năng vi phạm -0
Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện nhiều thực phẩm chức năng kém chất lượng.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%; cấp 201 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe. 

Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng bởi đây là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao, đặc biệt một số sản phẩm còn bán theo kiểu đa cấp, thổi phồng công dụng và giá trị để thu lợi. Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lợi dụng thị hiếu của người tiêu dùng để trà trộn hàng không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ.  

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, phát hiện 85.551 cơ sở vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng, phát hiện vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả như giả về chất lượng, thương hiệu và nguồn gốc, xuất xứ. 

Tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như thuốc chữa bệnh nở rộ trên các trang mạng xã hội, thậm chí còn sử dụng người nổi tiếng, người bệnh để quảng cáo thổi phồng sự thật, đang gây nhức nhối trong dư luận.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Sở Y tế các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn. Trong đó tiếp tục tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh tại các địa phương. 

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng; khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm.

Đặc biệt, công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, một trong những khó khăn của việc quản lý thực phẩm chức năng là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Trước đó, không ít chuyên gia đã nêu ý kiến, việc doanh nghiệp tự công bố sản phẩm mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý, khi sản phẩm vào thị trường, nhiều khi hậu quả đã xảy ra mới tiền kiểm, lúc đó sản phẩm kém chất lượng đã được người tiêu dùng mua sử dụng rồi. 

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng này do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cá nhân còn kém, vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của nước ngoài, cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng thống nhất giữa các quy định pháp luật, tháo gỡ những khó khăn bất cập trong quản lý, đáp ứng thực tiễn. Đồng thời, sửa đổi Luật Quảng cáo để khắc phục các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng.

Hiện nay, trên website của Cục An toàn thực phẩm thường xuyên công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm và xử phạt cơ sở, đơn vị vi phạm để người dân biết, tránh mua thực phẩm chức năng giả, chứa chất cấm, hoặc thổi phồng công dụng...

Tuy nhiên, để dẹp nạn bát nháo thực phẩm chức năng như hiện nay, cần tăng chế tài xử phạt, bổ sung hành vi và tăng mức tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để bảo đảm tính răn đe. 

Đồng thời các địa phương, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý nghiêm vi phạm. Công tác hậu kiểm rất quan trọng nên không thể buông lỏng, cần phải bám sát địa bản quản lý, tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện thực phẩm chức năng kém chất lượng, làm giả, chứa chất cấm để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Trần Hằng
.
.
.