Xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hàng hóa vi phạm dịp cuối năm
Càng cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tình trạng tàng trữ, sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn tại nhiều địa phương càng diễn biến phức tạp. Tại Thừa Thiên Huế, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các địa phương đóng trên địa bàn đã thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Tại các ngôi chợ truyền thống như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu tại TP Huế… mỗi ngày có hàng nghìn lượt người tập trung mua sắm các loại hàng hóa, thực phẩm. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp gần Tết Nguyên đán nên một số chủ cơ sở kinh doanh đã lợi dụng để sản xuất hoặc tàng trữ các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, độc hại, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, thực hiện kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trước dịp Tết Nguyên đán năm nay, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (Cảnh sát kinh tế) Công an TP Huế đã tổ chức kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm đóng trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện, bắt quả tang một số cơ sở có hành vi vi phạm.
Mới đây nhất, vào ngày 20/12, Công an TP Huế bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh giá đỗ tại địa chỉ 7/1/56 Duy Tân, phường An Cựu, TP Huế do ông Lê Thanh Vũ (SN 1957) làm chủ. Dù không có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng ông Vũ vẫn tiến hành sản xuất giá đỗ với số lượng lớn. Kiểm tra tại xưởng sản xuất, lực lượng Công an phát hiện có 4 can nhựa màu trắng loại 4 lít không có tem, nhãn mác chứa dung dịch chất lỏng màu trắng và hàng chục thùng nhựa cỡ lớn được xếp chồng lên nhau dùng để ủ giá đỗ.
Ông Lê Thanh Vũ thừa nhận, dung dịch chất lỏng là hoá chất 6-Benzylaminopurine (chất kích thích tăng trưởng) được mua tại TP Hồ Chí Minh. Số hóa chất này được cơ sở ông Vũ hòa với nước, sau đó tưới lên giá đỗ, kích thích cho thân giá đỗ phát triển bọng nước, ngắn rễ rồi bán ra thị trường tiêu thụ kiếm lời.
Đại úy Hồ Toàn Thành, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế cho biết, hóa chất 6-Benzylaminopurine nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Con người khi sử dụng thực phẩm có ngâm tẩm hóa chất này có thể bị ngộ độc cấp tính, gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp, gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Do đó, sau khi có kết quả kiểm định giá đỗ tại cơ sở của ông Lê Thanh Vũ sản xuất có hóa chất 6-Benzylaminopurine, hiện đơn vị đã tham mưu, đề xuất cấp trên xử phạt hành chính chủ cơ sở này số tiền 45 triệu đồng. Đồng thời tiêu hủy 750kg giá đỗ và tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này 2 tháng theo quy định pháp luật”, Đại úy Hồ Toàn Thành thông tin.
Trước đó, khám xét kho hàng hoá thực phẩm đông lạnh do ông Lương Hùng Minh (SN 1971, trú ở thôn La Khê, phường Hương Vinh, TP Huế) làm chủ, cơ quan Công an cũng phát hiện có 3 tấn thịt lợn, nội tạng lợn nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hàng hóa, không có giấy tờ chứng nhận đảm bảo ATTP, không thực hiện đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt gia súc hoặc dán tem vệ sinh thú y.
Ngay sau đó, cơ quan Công an lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm. Kết quả xét nghiệm vi khuẩn hiếu khí theo tiêu chuẩn Việt Nam 4884:2005 (Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi - Phương pháp định lượng vi sinh vật trên đĩa thạch - Kỹ thuật đếm khuẩn lạc ở 30 độ C) của 2 mẫu phổi động vật và 3 mẫu thịt lợn tại kho thịt đông lạnh trên cho thấy, cả 5 mẫu đều không đạt mức ATTP. Trong đó có mẫu kiểm tra vượt mức giới hạn cho phép từ 2,2 đến 3,9 lần.
Ngoài các cơ sở kinh doanh thực phẩm, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tích cực phối hợp với Công an các địa phương đóng trên địa bàn tỉnh kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu sản xuất hàng giả, hàng nhái, kinh doanh hàng nhập lậu để đảm bảo bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Gần đây nhất, vào ngày 19/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và Công an huyện Nam Đông tiến hành khám xét cơ sở kinh doanh do Hoàng Đình Khánh (SN 1987, trú tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) làm chủ.
Qua đó phát hiện, thu giữ hơn 800 túi xách nhãn hiệu Gucci và nhiều túi xách, thắt lưng, ví da được làm giả nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Coach, Burberry. Đồng thời thu giữ các loại máy móc như máy cắt da, máy in laser, máy dập vân, máy dập, máy may được chủ cơ sở dùng để sản xuất hàng giả. Qua điều tra bước đầu, cơ quan Công an xác định, đối tượng Hoàng Đình Khánh đã thuê nhiều công nhân làm việc tại xưởng để in, dập, may các nhãn hiệu nổi tiếng lên sản phẩm sau đó bán ra thị trường kiếm lời.
Để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hiện lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền đến các chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATTP.
Trong đó yêu cầu chủ các cơ sở thực hiện vệ sinh môi trường tại điểm kinh doanh, đặc biệt không sử dụng hóa chất, phụ gia độc hại, không rõ nguồn gốc vào chế biến, sản xuất thực phẩm. Đồng thời yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những trường hợp vi phạm sẽ bị cơ quan Công an xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.