Xử lý mạnh tay, thị trường pháo lậu vẫn diễn biến phức tạp
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, thực hiện cao điểm Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm về pháo. Tuy nhiên, tội phạm vi phạm pháp luật về pháo tăng cao, do đó cần tăng cường đấu tranh với tội phạm này, nhất là trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Nhận định về nguồn pháo, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, chủ yếu được thẩm lậu qua biên giới Lào, Campuchia, nhất là biên giới các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Bình Phước, Long An; hoạt động chế tạo, sản xuất pháo xảy ra nhiều, đối tượng chủ yếu là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, nhiều vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong hơn 1 tháng cao điểm (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 28/1/2024), Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ trên 1 nghìn vụ, hơn 2 nghìn đối tượng, thu trên 26.000kg pháo (các vụ, đối tượng, tang vật thu giữ đều tăng so với cùng kỳ năm 2022).
Đơn cử, qua công tác nắm tình hình địa bàn, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn móc nối với nhau để mua bán trái phép pháo nổ số lượng rất lớn từ nước ngoài về Việt Nam. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4/1, tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, Công an huyện Nghi Lộc phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn An (SN 1998) và Ngô Xuân Trường (SN 1993), cùng trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An về hành vi buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép. Tang vật thu giữ với hơn 1,4 tấn pháo các loại… Ngày 8/1, em P.G.B. (SN 2010), Đ.N.H. (SN 2009) và P.Đ.T (SN 2009) cùng ngụ tại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đem các chất nổ mua trên mạng xã hội ra tự chế tạo pháo trái phép. Sau tiếng nổ, em P.G.B và Đ.N.H. văng ra xa, toàn thân bị thương nặng. Tiếp đó, ngày 19/1, Công an xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra và phát hiện 2 thiếu niên N.V.N (SN 2008) và V.T.V (SN 2009), trú tại xã Ninh Phúc đang có hành vi chế tạo pháo nổ.
Tại thời điểm phát hiện, cơ quan Công an thu giữ 105 cuộn giấy hình trụ, 1,9kg giấy dòng kẻ ngang, 4 túi chất bột trọng lượng 3,08kg (tiền chất dùng để chế tạo pháo); dây dẫn (ngòi pháo) và nhiều vật dụng khác liên quan. Tại cơ quan Công an, 2 thiếu niên này khai, đã lên mạng xã hội tìm học cách chế tạo pháo và đặt mua các tiền chất như KCLO3 (Kali clorat); lưu huỳnh… về để chế tạo pháo nổ.
Nhằm phòng, chống những vi phạm về pháo, đặc biệt là tình trạng tự chế thuốc, cuốn pháo trong thanh, thiếu niên, học sinh, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã tuyên truyền các quy định pháp luật về pháo trên VNeID trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, nhấn mạnh về các hành vi bị nghiêm cấm như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ; trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Trong dịp cận Tết, nhà trường và các bậc phụ huynh cần theo dõi quản lý trẻ em sát sao hơn, kiểm soát những nội dung trên mạng internet, không để con, em, người thân xem và thực hiện theo clip hướng dẫn làm pháo tự chế bởi nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy nổ rất cao. Khi phát hiện những tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo, đốt pháo trái phép hãy tố giác ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đề nghị các Cục nghiệp vụ tiếp tục chỉ đạo hệ lực lượng tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nghiệp vụ đấu tranh hiệu quả với các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép, ngăn chặn nguồn pháo thẩm lậu vào Việt Nam tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khẩn trương áp dụng điều tra theo thủ tục rút gọn đối với các vụ án về pháo, phối hợp với VKSND, TAND cùng cấp đưa ra truy tố, xét xử điểm, lưu động trước Tết Nguyên đán để răn đe giáo dục, phòng ngừa chung.
Về phía Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện và thực trạng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo tại một số địa phương trọng điểm, phức tạp, có tuyến biên giới; phối hợp với Cục Quản lý, khám chữa bệnh Bộ Y tế tổng hợp số người tai nạn về pháo trong dịp Tết Nguyên đán để phân tích nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của Công an các cấp; theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của Công an các đơn vị, địa phương.
Công an các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều biện pháp, nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng vùng miền, địa bàn, khu vực, chủ động xây dựng phóng sự, tin bài phát trên các đài truyền hình, đăng trên các báo điện tử, trên ứng dụng VNeID; phối hợp với các nhà mạng, trang mạng gửi tin nhắn tuyên truyền trên thuê bao di động, tài khoản zalo, facebook; phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên đến học sinh, sinh viên...