VN-Index thủng mốc 1.000 điểm
Nhà đầu tư tiếp tục bị ảnh hưởng tâm lý và đua nhau bán tháo, khiến cho chỉ số chính của thị trường chứng khoán đã chọc thủng mốc 1.000 điểm
Phiên giao dịch ngày 24/10, thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến thành quả của 2 năm vừa qua bị mang “đổ sông đổ biển” khi mốc hỗ trợ 1.000 điểm đã không thể giữ được.
Cụ thể, sau phiên cuối tuần trước rơi tới gần 39 điểm, VN-Index tiếp tục mở cửa tuần mới trong sắc đỏ bao trùm. Tâm lý nhà đầu tư càng trở nên bi quan và dòng tiền bắt đáy không có dấu hiệu nhập cuộc.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 45 mã tăng và 430 mã giảm (160 mã giảm sàn), VN-Index giảm 33,67 điểm (-3,3%), xuống 986,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 654,94 triệu đơn vị, giá trị 12.072,32 tỷ đồng, giảm 11,75% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 21/10.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 107,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.091,88 tỷ đồng, trong đó MSN đóng góp gần 11,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 888,5 tỷ đồng và TCB đóng góp 26,9 triệu đơn vị, giá trị gần 618,75 tỷ đồng.
430 mã giảm điểm, trong đó có 162 mã chốt phiên ở giá sàn, và chỉ có 45 mã tăng giá vẫn chưa nói hết sự bi đát, khi trên bảng điện tử, rất nhiều mã vẫn còn dư bán giá sàn cả triệu cổ phiếu khi kết phiên, cho thấy áp lực bán vẫn còn rất lớn.
Mức giảm hơn 3% cũng khiến VN-Index lọt top những chỉ số chứng khoán “tệ” nhất châu Á trong phiên hôm nay 11/10. Đồng thời, vốn hóa của sàn HoSE đã bị "thổi bay" hơn 134.000 tỷ đồng chỉ sau một phiên, giá trị còn lại rơi về mức 3.934.048 tỷ đồng. Tính từ thời điểm đỉnh cao tháng 4/2022 tới nay, vốn hóa HoSE đã “bốc hơi” hơn 2 triệu tỷ đồng vốn hóa.
Trên sàn HNX, thị trường cũng nới rộng đà giảm trong phiên chiều khi có hàng loạt mã lớn bé đua nhau nằm sàn.
Đóng cửa, sàn HNX cũng có tới 177 mã giảm (69 mã giảm sàn), gấp tới gần 6 lần số mã tăng (chỉ 31 mã), HNX-Index giảm 7,91 điểm (-3,64%), xuống 209,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,9 triệu đơn vị, giá trị 940,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,73 triệu đơn vị, giá trị 169,51 tỷ đồng.
Trên UPCoM, thị trường bật hồi đôi chút về cuối phiên nhưng UPCoM-Index cũng trong trạng thái chung giảm khá mạnh.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 2,12 điểm (-2,7%) xuống 76,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,35 triệu đơn vị, giá trị 443,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 79,4 tỷ đồng.
Như vây, tổng cộng cả ba sàn có tới 823 mã giảm trong đó có tới 249 mã giảm hết biên độ.
Trong báo cáo cập nhật tuần mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá bối cảnh nhiều những thông tin tiêu cực về các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp không thể trả được nợ gốc và lãi đến hạn, thậm chí bán tháo tài sản để lo thanh khoản,… đã phủ bóng đen lên thị trường, bất chấp mùa kết quả kinh doanh quý 3 ghi nhận nhiều điểm tích cực.
Theo BSC, khi thị trường không còn phản ứng với thông tin tích cực mà chỉ phản ứng với thông tin tiêu cực thì áp lực giảm điểm vẫn đang rất lớn. BSC khuyến nghị nhà đầu tư tranh thủ giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn, chưa vội vàng bắt đáy và nên chờ các tín hiệu thị trường rõ ràng hơn.