Vĩnh Phúc quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI

Thứ Bảy, 06/07/2024, 10:22

Xác định thăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là thước đo quan trọng, khách quan nhất trong đánh giá chất lượng điều hành kinh tế - xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án nhằm cải thiện môi trường đầu tư; duy trì, thăng hạng PCI. Do vậy, năm 2024, để nâng hạng, quay trở lại vị trí top dẫn đầu PCI, tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều việc cần thực hiện.

image002.jpg -0
Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện thứ hạng PCI.

Tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư

Theo thống kê, trong 18 năm VCCI thực hiện công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc có 9 năm nằm trong top 10; 6 năm nằm trong top từ 10 - 20; 3 năm nằm trong top từ 20 - 50. Riêng năm 2023, PCI của tỉnh giảm cả về điểm số, thứ hạng và không đạt mục tiêu nằm trong Top 10 đề ra.

Cụ thể, năm 2023, Vĩnh Phúc đạt 68,81 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về PCI, giảm 0,1 điểm và 7 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, trong 10 chỉ số thành phần, chỉ có 4 chỉ số tăng điểm, tăng thứ hạng; 1 chỉ số giảm điểm nhưng tăng thứ hạng và 5 chỉ số giảm điểm, giảm cả thứ hạng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tụt hạng PCI là do chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp (DN).

bai 1 (2).jpg -0
​Vĩnh Phúc vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Từ việc xác định rõ các nguyên nhân, nút thắt khiến PCI của tỉnh tụt hạng, ngay sau hội nghị công bố kết quả xếp hạng của VCCI, các sở, ngành được giao chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc từng chỉ số thành phần PCI đã tập trung đánh giá nguyên nhân tụt hạng, nhất là đối với 5 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường, đạt 7,32 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành; chỉ số tính minh bạch, đạt 5,76 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành, tụt 18 bậc; chỉ số tính năng động, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành; chỉ số hỗ trợ DN xếp thứ 50/63 tỉnh, thành, giảm 46 bậc; chỉ số thiết chế pháp lý và ANTT, xếp vị trí 8/63 tỉnh, thành, tụt 3 bậc và không đạt mục tiêu xếp vị trí thứ 5 như đề ra.

Về các giải pháp để nâng hạng PCI, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Quang Thắng cho rằng, Vĩnh Phúc cần tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Chú trọng phát huy và triển khai hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận một cửa ở các địa phương. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với một số thủ tục hành chính.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư cả tại chỗ và ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu bộ tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh. Riêng đối với chỉ số gia nhập thị trường, Sở KH&ĐT sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN như rút ngắn thời gian đăng ký DN, điều chỉnh đăng ký DN; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện nhanh các thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ DN thực hiện đăng ký DN qua mạng; nâng cao trình độ, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ một cửa. Tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký DN.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cắt giảm các thủ tục hành chính đối với DN; thực hiện niêm yết, công khai các thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương và tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh tới các cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn; hỗ trợ các DN có nhu cầu xây dựng trang thông tin thương mại điện tử; giúp các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay.

Đôn đốc các chủ đầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư. Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo cơ hội cho các DN tiếp cận các thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của DN trên địa bàn để có giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, cơ sở sản xuất.

Để cải thiện thứ hạng, quay trở lại top 10 về PCI trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tại buổi làm việc với các sở, ban, ngành, điạ phương để đánh giá, tìm giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số Xanh sáng 16/5/2024, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu, các sở, ban, ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; tập trung xây dựng kế hoạch, giải pháp cải thiện đối với 10 chỉ số thành phần PCI.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, tổng hợp báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) hằng năm sớm hơn để có căn cứ triển khai những giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần PCI; hằng quý báo cáo UBND tỉnh về những khó khăn, vướng mắc của DN và đề xuất hướng giải quyết. Các sở, ban, ngành phụ trách theo dõi, đôn đốc các chỉ số đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chỉ số PCI để từ đó có những hành động, giải pháp thiết thục, góp phần cải thiện các chỉ số thành phần.

“Đi tắt, đón đầu” các nhà đầu tư chiến lược

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/5, trên địa bàn tỉnh cấp mới cho 22 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 154,2 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc, 4 dự án của các nhà đầu tư Đài Loan, 4 dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc và 5 dự án từ các nhà đầu tư khác. Chia theo ngành, lĩnh vực có 20 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và 2 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ.

Cùng với dự án cấp mới, từ đầu năm đến nay có 19 lượt dự án thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng là 259,8 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh vốn 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 414 triệu USD tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế trên địa bàn tỉnh có 472 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

bai 1 (3) - copy.jpg -1
​Chủ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc dành 20% quỹ đất để trồng cây xanh, mặt nước, xây dựng môi trường sản xuất xanh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, có được kết quả này là nhờ các sở, ban, ngành của tỉnh đã luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, công tác giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh được thực hiện phát huy hiệu quả, tỷ lệ được giải quyết xong trước và đúng hạn đạt trên 97%; 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và được thực hiện kịp thời; hỗ trợ pháp lý cho DN được thực hiện thường xuyên trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như trong quá trình hoạt động của dự án, giảm đáng kể thời gian tiếp cận thông tin và tạo niềm tin, sức hấp dẫn nhất định trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Để đạt và vượt mục tiêu thu hút đầu tư hơn 400 triệu USD vốn FDI, 5.000 tỷ đồng vốn DDI trong năm 2024, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư, lựa chọn, mời gọi đầu tư theo định hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn để làm hạt nhân, động lực kéo theo các dự án vệ tinh, hình thành các cụm liên kết về sản xuất - chế tạo - cung ứng - dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, hiện nay Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố, đây là cơ sở quan trọng và điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Nhận diện những khó khăn, thách thức, đề ra kế hoạch với các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và nỗ lực thực hiện. Tin tưởng rằng, thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục khởi sắc, với dòng vốn chất lượng, phù hợp với mục tiêu phát triển của tỉnh, củng cố vị thế là một trong những địa phương trọng điểm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội về kinh tế và thu hút đầu tư.

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm đầu tiên VCCI công bố chỉ số Xanh, Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 9 cả nước với 16,35 điểm và nằm trong nhóm có điểm số trung bình cao. Nỗ lực duy trì thứ hạng chỉ số Xanh, giữa tháng 7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 196 về việc cải thiện, nâng cao chỉ số Xanh cấp tỉnh đến năm 2025, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện điểm số, thứ hạng các chỉ số thành phần; phấn đấu duy trì nằm trong top 10 tỉnh, thành có chỉ PGI dẫn đầu cả nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN về sản xuất xanh; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường…

Lưu Hiệp – Minh Hiền
.
.
.