Vì sao nhiều huyện nghèo vẫn ngại xuất khẩu lao động?
Thu nhập cao và ổn định, các chế độ phúc lợi tốt khi tham gia các chương trình xuất khẩu lao động. Thực tiễn đã chứng minh đây là cơ hội đổi đời, thoát nghèo cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là tại các huyện nghèo. Thế nhưng những năm qua, dù được Chính phủ rất quan tâm và có nhiều ưu đãi nhưng tỷ lệ lao động các huyện nghèo tham gia các chương trình đưa lao động ra nước ngoài làm việc vẫn còn thấp.
Đây cũng là nội dung rất được quan tâm tại hội thảo "Thúc đẩy đưa người lao động các tỉnh phía Bắc đi làm việc ở nước ngoài thông qua Chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định" do Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 24/11.
Người lao động tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập tốt, điều kiện phúc lợi bảo đảm. Ở nhiều địa phương, người dân xem đây là cơ hội để xóa đói, giảm nghèo. Theo ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập, điều kiện lao động tốt, thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ gia tăng đáng kể. Trong đó việc thực hiện các chương trình như chương trình EPS của Chính phủ Hàn Quốc, chương trình IM Japan, chương trình Osaka tại Nhật Bản, chương trình Đài Loan (Trung Quốc), chương trình Hand in Hand tại CHLB Đức… ngày càng phát huy hiệu quả.
Con số thống kê của Trung tâm lao động ngoài nước cho thấy, từ khi triển khai các chương trình, trung tâm đã đưa hơn 136 nghìn lượt người lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… Thế nhưng con số đáng chú ý là từ năm 2017 đến nay, chỉ có 4.260 người lao động thuộc huyện nghèo, các xã bãi ngang ven biển của cả nước đi làm việc tại nước ngoài. Con số này còn rất khiêm tốn dù đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Có nhiều huyện nghèo như tại Hà Giang (7 huyện), Cao Bằng (7 huyện), Điện Biên (7 huyện), Lai Châu (4 huyện), tỷ lệ người lao động đi làm việc tại nước ngoài vẫn còn hạn chế, chỉ có 169 người lao động.
"Các tỉnh miền núi phía Bắc có 41 trên tổng số 74 huyện nghèo, chiếm hơn 55% của cả nước. Nhà nước luôn rất quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động các huyện nghèo tham gia thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ tín dụng, tư vấn tiếp cận các chương trình, thị trường phù hợp. Ở nhiều địa phương, người dân xem xuất khẩu lao động là cơ hội để xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên tỷ lệ ở các huyện nghèo vẫn ở mức thấp nhất là tại vùng sâu, vùng xa do trình độ văn hóa, nhận thức và ý thức kỷ luật của người lao động chưa cao; một số đồng bào dân tộc không muốn con, em đi làm xa", ông Hồng cho biết.
Tham gia các chương trình phi lợi nhuận đưa lao động ra nước ngoài làm việc, lao động nghèo sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động huyện nghèo, kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số có thể tham gia các chương trình phi lợi nhuận như Chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS) có lương 1.400 - 1.800 USD/tháng, Chương trình đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản IM Japan lương dao động 1.200 - 1.400 USD/tháng…
"Chính sách rất tốt nhưng hiện nay tỷ lệ lao động huyện nghèo đi rất ít. Nguyên nhân có một phần chủ quan từ phía người lao động như có thể do trình độ văn hoá, nhận thức của người lao động chưa cao, khả năng tiếp cận thông tin còn thấp dẫn đến người lao động chưa mặn mà. Còn có nguyên nhân do một số cán bộ chưa rõ yêu cầu, điều kiện, chính sách để giải thích cho người lao động hiểu, giúp họ chủ động sắp xếp kế hoạch học tập cũng như làm hồ sơ, thủ tục phù hợp với khả năng, trình độ, tài chính cá nhân", Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm chia sẻ.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO), kiều hối từ lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về Việt Nam ước tính khoảng 2-3 tỉ USD/năm. Trong đó, có đóng góp từ chính các thanh niên hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, "lõi nghèo". Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, người lao động được nâng cao tay nghề, tự tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc và trình độ ngoại ngữ.