Vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 09/02/2023, 08:34

Giá xăng đã tăng mạnh trước 2 ngày (ngày 30/1/2023) so với kỳ điều chỉnh nhưng vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) cho biết, đầu tháng 2, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện Cửa hàng xăng dầu Nam Triệu, địa chỉ 17-19 phố Thụy Khuê (Tây Hồ), dùng giấy chứng nhận hết hạn.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cửa hàng xuất trình 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu số 1523/GCNĐĐK-SCT ngày 14/12/2021 do Sở Công Thương Hà Nội cấp, nhưng hết hạn ngày 13/12/2022. Đây không phải là vụ việc đầu tiên về vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu mà lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện trong tháng đầu năm 2023. Trước đó, qua kiểm tra một cơ sở kinh doanh xăng dầu trên phố Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hoà, Đội QLTT số 23 (Cục QLTT Hà Nội) đã phát hiện cửa hàng này có hành vi niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá quy định.

Trước những sai phạm của điểm kinh doanh xăng dầu này, Đội QLTT số 23 đã xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên. Tương tự, tại tỉnh Ninh Bình, Quảng Trị, lực lượng chức năng cũng phát hiện một số cửa hàng xăng dầu vi phạm.

Vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp -0
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng xăng dầu trên phố Thuỵ Khuê, Hà Nội.

Tại tỉnh An Giang, lực lượng chức năng lại xử phạt cửa hàng xăng dầu bán sai giá. Cụ thể, ngày 13/1/2023, Đội QLTT số 5 trực thuộc Cục QLTT tỉnh An Giang tiến hành kiểm tra Doanh nghiệp TN An Thạnh Trung do ông Lê Thành Nam sinh ngày 25/12/1961, làm chủ doanh nghiệp tại địa chỉ ấp An Lạc, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Doanh nghiệp TN xăng dầu An Thạnh Trung có dấu hiệu vi phạm hành chính: Niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định. Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm của cơ sở kinh doanh xăng dầu này.

Sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Trước đây, hiện tượng này chỉ xuất hiện khi giá xăng dầu thế giới tăng nhưng trong nước chậm được điều chỉnh, chiết khấu bất hợp lý khiến cửa hàng xăng dầu lỗ đậm. Sau khi điều chỉnh giá và chiết khấu, các cửa hàng sẽ bán trở lại. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng cây xăng tự ý đóng cửa, bán sai giá niêm yết diễn ra ngay cả sau khi giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng mạnh. Việc nhiều chủ cây xăng không chấp hành đúng quy định, điều kiện về kinh doanh xăng dầu phần nào cho thấy những bất cập trong quy định về kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, ông Trần Việt Hùng cho biết, nhằm tăng cường kiểm soát thị trường xăng dầu, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu và xử lý vi phạm. Đồng thời, thực hiện việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Ngay sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023, Cục QLTT Hà Nội đã lập 3 tổ công tác chỉ đạo, giám sát công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Tổ công tác được triển khai xuống địa bàn thực tế nắm bắt tình hình thị trường, làm việc với các Đội QLTT và có những chỉ đạo trực tiếp công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua kiểm tra, kiểm soát, nhìn chung các cửa hàng vẫn mở cửa phục vụ người dân bán hàng theo đúng thời gian và giá bán đã niêm yết. Tuy nhiên, có một số cửa hàng tạm ngừng bán hàng vì chưa kịp nhập hàng về.

Góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc xử phạt các các cây xăng vi phạm chỉ là giải pháp tình thế, khó ngăn chặn các cây xăng vi phạm. Do đó, Bộ Công Thương cần sớm trình Chính phủ sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu hoạt động bình thường.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần phòng, chống gian lận thương mại, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chống thất thu ngân sách Nhà nước, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương phối hợp nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử giữa các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế. Đây là một trong những quy định về điều kiện doanh nghiệp được phép kinh doanh xăng dầu tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, hiện nội dung này chưa được tiếp thu tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Do đó, đối với nội dung liên quan đến hóa đơn điện tử của hoạt động kinh doanh xăng dầu, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục bổ sung quy định này tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ xăng để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ. Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý xăng dầu được mua xăng dầu của các công ty phân phối khác về xăng dầu (ngoài nhà cung cấp đại lý), trừ trường hợp có ràng buộc hợp đồng nhưng khi nhà phân phối hết hàng đại lý được phép mua nhà phân phối khác để bán. Quy định chất lượng xăng dầu sản xuất trong nước phù hợp với xăng dầu nhập khẩu để xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu trong nước cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, công ty nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt hại.

Phan Đức
.
.
.