Vàng nhẫn lập đỉnh cao mới

Thứ Năm, 17/10/2024, 10:15

Giá vàng trong nước tăng “đồng pha” với giá vàng thế giới do tình hình căng thẳng ở Trung Đông và tình hình ở Triều Tiên nóng rẫy. Giá vàng miếng SJC neo ở mức cao, còn vàng nhẫn liên tiếp lập đỉnh lịch sử.

Thời điểm 9h sáng 17/10/2024, giá vàng nhẫn trong nước đã tiếp tục đà tăng. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 82,6 - 83,9 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn 83,35 - 84,35 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra so với trước đó.

Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 83,33 - 84,33 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào - bán ra so với cuối phiên giao dịch ngày 16/10.

Với mức này, giá vàng nhẫn tròn trơn đã lập ký lục cao nhất từ trước tới nay. Cùng với đà tăng mạnh, chênh lệch giá vàng nhẫn tròn mua vào - bán ra được doanh nghiệp thu hẹp về mức 500.000 - 1.000.000 đồng/lượng (tuỳ từng doanh nghiệp). Người dân vẫn khó mua vàng nhẫn tròn do nhiều doanh nghiệp hết vàng bán ra.

Vàng nhẫn lập đỉnh cao mới  -0
Giá vàng nhẫn đã vượt mốc 84 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank) niêm yết 86 triệu đồng/lượng. Các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 84 - 86 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Trên thế giới, giá vàng tăng liên tiếp khi giao dịch tại 2.683,25 USD/ounce, tương đương 81,72 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Giá vàng thế giới cao hơn so với đầu năm khoảng 30,1% (620 USD/ounce)

Vàng được dự báo có thể tiếp tục tăng lên và có thể lập kỷ lục cao mới bất chấp đồng USD cũng lên giá theo sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, sự trì hoãn giảm lãi suất của Fed cũng như tốc độ bơm tiền mạnh của các nước.

Trước những diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, vai trò của vàng đang được củng cố như một loại tiền tệ toàn cầu. Các ngân hàng trung ương tiếp tục sử dụng vàng như một công cụ chiến lược để bảo vệ nền kinh tế, giúp đảm bảo an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và tài chính.

Ngân hàng Quốc gia Séc đã tích cực tăng cường dự trữ vàng trong 18 tháng qua, hiện nắm giữ 44,8 tấn vàng, chiếm 2,4% tổng dự trữ quốc gia. Theo ông Marek Sestak, Phó Giám đốc bộ phận quản lý rủi ro của ngân hàng này, việc sở hữu cổ phiếu khai khoáng đã gia tăng mức độ tiếp xúc với vàng mà không ảnh hưởng đến dự trữ chính thức.

Mông Cổ, một trong những quốc gia sản xuất vàng lớn, cũng không đứng ngoài xu hướng này. Ngân hàng Trung ương Mông Cổ trong năm 2024 đã bổ sung 2,4 tấn vàng vào dự trữ, nhưng cũng đã bán ra 3,5 tấn. Ông Enkhjin Atarbaatar, Giám đốc bộ phận thị trường tài chính của ngân hàng này, khẳng định vàng là một phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa tài sản quốc gia.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, Atarbaatar cho rằng các ngân hàng trung ương hoàn toàn có thể sử dụng vàng để thanh toán thương mại quốc tế, đặc biệt khi các biện pháp trừng phạt hoặc xung đột có thể làm giảm khả năng sử dụng ngoại tệ dự trữ.

Ngân hàng Trung ương Mexico cũng tham gia tích cực vào thị trường vàng với 120,4 tấn vàng, chiếm 4,2% tổng dự trữ ngoại hối. Theo ông Joaquín Tapia, Giám đốc dự trữ quốc tế của ngân hàng này, vàng giúp Mexico phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh lãi suất giảm và bất ổn toàn cầu.

Bên cạnh việc gia tăng vai trò của vàng, các ngân hàng trung ương vẫn nhấn mạnh đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Marek Sestak, sự chuyển hướng sang thế giới lưỡng cực sẽ gia tăng nhu cầu vàng trong dài hạn.

Tại Mông Cổ, hiện nay 80% dự trữ quốc gia được nắm giữ bằng tài sản USD. Nhưng trước những hạn chế trong việc sử dụng các khoản dự trữ này do tình hình địa chính trị, vàng đang được coi là giải pháp an toàn hơn, trong khi tính thanh khoản của nó vẫn còn là một thách thức.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những biến động của nền kinh tế toàn cầu, vàng ngày càng khẳng định vai trò như một loại tiền tệ toàn cầu. Các ngân hàng trung ương đang ngày càng quan tâm đến việc duy trì và gia tăng dự trữ vàng nhằm đa dạng hóa tài sản, phòng ngừa rủi ro và đảm bảo an toàn cho nền kinh tế quốc gia trong những thời điểm bất ổn.

Hà An
.
.
.